A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vào "tâm dịch" bạch hầu

14:05 | 26/06/2020

Trong bối cảnh bệnh bạch hầu đang phát sinh, mới đây, chúng tôi đã có dịp cùng đoàn cán bộ y tế của tỉnh vào tận 2 xã Quảng Hòa, Quảng Phú (Đắk Glong) và chứng kiến bao điều xung quanh công tác phòng,...

... chống dịch tại khu vực được xem là “tâm dịch” bạch hầu của Đắk Nông hiện nay.

Phải uống thuốc điều trị dự phòng mới được đi

Nhận được lệnh xuất phát cùng các y, bác sĩ Khoa Phòng chống, bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) vào 10 giờ sáng ngày 24/6, tôi chỉ kịp lấy đại bộ đồ, rồi vác ba lô lúc nào cũng chuẩn bị sẵn máy móc và đến nơi tập trung chuẩn bị lên đường. “Uống thuốc dự phòng chưa em?” là câu hỏi của tất cả các anh chị trong đoàn đi khi nhìn thấy phóng viên đi cùng đoàn.

Họp bàn trước khi truy vết

Đang ngạc nhiên, thắc mắc vì tại sao phải uống thuốc dự phòng trong khi đã tiêm vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu cách đây 3 tuần thì bác sĩ Tôn Thị Kim Kiều, Phó Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm giải thích cho tôi: "Tất cả mọi người trước khi vào vùng dịch bệnh hay những địa bàn đang có những ca nghi ngờ cao nhiễm vi khuẩn bạch hầu đều phải dùng thuốc điều trị dự phòng. Bởi vì, trên đường đi truy vết, giám sát, điều tra hay khoanh vùng ổ dịch, chúng ta không thể biết được tiếp xúc với những ai, họ có mang vi khuẩn bạch hầu hay các vi khuẩn khác gây bệnh hay không…Vì vậy, biện pháp tốt nhất hiện giờ là mỗi thành viên trong đoàn phải dùng kháng sinh dự phòng để bảo vệ chính mình, bảo vệ gia đình và những người xung quanh".

Điều tra truy vết tại từng cụm dân cư

Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng

Đúng 13 giờ chiều, đoàn chúng tôi đã có mặt tại thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú (Krông Nô)-nơi trước đó đã có một ca lây nhiễm bạch hầu từ một trường hợp dương tính là học viên đang theo học tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May Mắn, xã Đắk Sôr (Krông Nô) và giờ đang có trường hợp nghi ngờ với nguy cơ cao có triệu chứng sốt, ho, đau họng, hiện đã chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) để cách ly, theo dõi, điều trị trong đêm hôm trước.

Điểm tập kết là nhà một hộ dân ven đường, chơ đoàn chúng tôi là đội ngũ y, bác sĩ tuyến huyện và xã đang húp vội tô mỳ tôm sau khi đi khoanh vùng bước 1. Một sơ đồ "tác chiến" được nhanh chóng vẽ ra và sau khi bàn bạc thống nhất, phân công nhiệm vụ xong, đoàn chúng tôi chia thành 3 nhóm để đến hộ gia đình theo phương châm "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng".

Khám sàng lọc tại cụm dân cư thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú (Krông Nô)

Nhóm của tôi gồm 6 người, trong đó có 2 bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 1 người của Trung tâm Y tế huyện Krông Nô, 1 người của Trạm Y tế xã, 1 người là dân địa phương thông thạo tiếng Mông và tôi.

Bác sĩ Nguyễn Ly Sắc, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh Truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) nói: "Giờ nhà báo đã hiểu tại sao chúng ta phải uống thuốc điều trị dự phòng trước khi đến đây chưa. Bệnh bạch hầu tưởng như đơn giản nhưng không hề đơn giản. Đơn giản vì đây là bệnh điều trị được vì đã có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh. Không đơn giản vì đến giờ phút này chúng ta vẫn chưa tìm được nguồn gây bệnh bắt đầu từ đâu, khi một loạt các ổ dịch lần lượt xuất hiện tại 2 địa phương Krông Nô, Đắk Glong và tập trung vào các cụm dân cư xa xôi, hẻo lánh của đồng bào dân tộc Mông, nhất là đã có 1 trường hợp tử vong. Hơn nữa là bởi phần lớn bà con không biết tiếng phổ thông, nên rất khó trong việc khoanh vùng dịch, cộng thêm sự chủ quan, thờ ơ, không đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch nên gây nhiều khó khăn cho ngành Y tế.

Theo bác sĩ Sắc, những ngày qua, khi bệnh bạch hầu xuất hiện, đội ngũ y tế tuyến tỉnh, huyện không ngại nắng quản mưa, chỉ mong sao bệnh tật mong chóng được đẩy lùi. Mặc dù bạch hầu là bệnh nguy hiểm song không nên quá sợ hãi, quá lúng túng gây hoang mang trong người dân. Muốn khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất vào lúc này là phải cách ly tại chỗ, hạn chế đi lại và bắt buộc y tế phải xuống tận nơi gõ cửa từng nhà, truy vết từng đối tượng liên quan, có triệu chứng, có nghi ngờ do tiếp xúc gần với những ca dương tính, ca nghi ngờ. Đồng thời, ngành Y tế phải có sự phối hợp nhịp nhàng với địa phương, cùng nhau tuyên truyền, giải thích về mức độ nguy hiểm và cách phòng tránh bệnh bạch hầu thì mới có hiệu quả cao được.

Lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ có tiếp xúc gần

Lập chốt chặn, cách ly toàn bộ khu vực ổ dịch

Đến 17 giờ 30 phút, đoàn chúng tôi di chuyển đến "tâm dịch" bạch hầu thứ 2 ở Cụm dân cư số 2, thôn 6, xã Quảng Hòa (Đắk Glong). Đây là ổ dịch lớn nhất hiện nay với 5 ca nhiễm vi khuẩn bạch hầu và 1 trường hợp đã tử vong. Trong đó, 4 trường hợp dương tính đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cùng các trường hợp tiếp xúc gần đang điều trị khi có triệu chứng, cách ly tại các cơ sở y tế. Theo quan sát, lúc này các nhân viên y tế đang tiến hành phun khử khuẩn lần 2 trong ngày và đã duy trì được hơn 1 tuần nay.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong Huỳnh Thanh Huynh, hiện Trung tâm đã tiến hành phun khử khuẩn 100% các hộ dân (71 hộ ở thôn 6, và 34 hộ  ở thôn 8 của xã Quảng Hòa); đồng thời, khử khuẩn tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn và Trạm y tế xã-là những nơi ca bệnh từng theo học và khám chữa bệnh. Trung tâm còn tiến hành xử lý tử thi bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tử vong theo quy định trong xử lý tử thi bệnh truyền nhiễm nhóm B với các giải pháp như xử lý xe vận chuyển tử thi; phát khẩu trang cho người đến viếng; bố trí dung dịch sát khuẩn nhanh tại nhà có tử thi; khử khuẩn tử thi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã phối hợp UBND xã Quảng Hòa lập chốt chặn, cách ly toàn bộ các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch.

Phun khử khuẩn ngày 2 lần tại ổ dịch thôn 6, xã Quảng Hòa (Đắk Glong)

Điều trị dự phòng tại cộng đồng

Ngoài việc cách ly điều trị các ca dương tính và theo dõi điều trị các ca có các triệu chứng tại các cơ sở y tế, kết quả điều trị dự phòng tại cộng đồng ở thôn 6 cũng khá khả quan với 391/437 trường hợp. Trong đó, 274 trường hợp điều trị ngày thứ 6; 63 trường hợp điều trị ngày thứ 5 và 54 đối tượng điều trị ngày thứ 4. Tại trường học, 57/59 trường hợp; trong đó 27 trường hợp điều trị ngày thứ 5 và 30 trường hợp điều trị ngày thứ 4. Công tác khử khuẩn môi trường tại 71 hộ gia đình tại khu vực ổ dịch được thực hiện với tần suất 1 lần/ngày. Bên cạnh đó, tại ổ dịch ở thôn 8, cơ quan y tế vẫn tiếp tục điều tra, truy vết, giám sát, ghi nhận bổ sung 9 hộ gia đình tại khu vực nguy cơ. Cơ quan y tế địa phương đã cấp thuốc điều trị dự phòng cho 26/34 hộ với 132 người và khử khuẩn 30/34 hộ gia đình có nguy cơ tại khu vực ca bệnh.

Nhìn thấy hình ảnh các y bác sĩ tay xách, nách mang, từng giọt mồ hôi lăn dài trên má, vượt mưa, vượt gió và mọi khó khăn, gian khổ đến với bà con để hướng dẫn phòng dịch, khám sàng lọc, truy vết, điều tra, giám sát, khoanh vùng dập dịch mới thấu hiểu được sự vất vả, hiểm nguy của đội ngũ cán bộ y tế. Điều đáng mừng nữa là hầu hết đồng bào ở "tâm dịch" đã bớt lo lắng, sẵn sàng hợp tác với cán bộ y tế trong việc phòng, chống bệnh, góp sức đầy lùi bệnh bạch hầu, sớm ổn định cuộc sống.

Phóng sự của Ngô Đồng

Bài viết gốc: http://www.baodaknong.org.vn/y-te/vao-tam-dich-bach-hau-80494.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ