A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đô thị hóa và bài toán sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (Kỳ 2)

13:58 | 20/07/2020

Kỳ 2: Tìm lời giải cho bài toán sinh kế

Trong gần 5 năm qua, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ổn định và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những chương trình, kế hoạch ấy chưa được hoạch định, xây dựng thành đề án riêng biệt, mà chỉ đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung hằng năm, vì thế vấn đề sinh kế cho đồng bào DTTS ở đây vẫn chưa được quan tâm, giải quyết đúng mức.

“Cần câu” hơn “con cá”

Ông Nguyễn Văn Di, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Buôn Ma Thuột cho rằng, thay vì cho “con cá” thì nên trao cho bà con cái “cần câu” để họ tạo lập sinh kế, từng bước cải thiện đời sống kinh tế gia đình theo hướng hội nhập với xã hội hiện đại đặt ra. Đến nay, hầu hết các ban, ngành chức năng của thành phố đều đã vào cuộc với nhận thức đó nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người DTTS có điều kiện, cơ hội vươn lên trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

Hiện có 3 buôn người Êđê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (Akô Dhông, Kmrơng Prông B và buôn Tuôr) được chính quyền địa phương phối hợp với Sở VH-TT-DL xúc tiến xây dựng thành mô hình điểm du lịch cộng đồng. Hy vọng đó không những là điểm đến hấp dẫn du khách, mà còn tạo ra công ăn, việc làm cho bà con bằng chính sản phẩm du lịch do cộng đồng tạo dựng và trực tiếp quản lý. (Báo cáo đánh giá của Phòng VH-TT TP. Buôn Ma Thuột).

Ngoài việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hằng năm cho bà con, thì công tác tập huấn, trình diễn các mô hình kinh tế nông - lâm; vườn - ao - chuồng; cải tạo vườn tạp… được các phòng: Kinh tế, Nông nghiệp, Dân tộc cũng như các hội, đoàn thể: Nông dân, phụ nữ, thanh niên… phối hợp thực hiện, tạo bước chuyển biến rõ nét trong việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS tại chỗ. Tuy vậy, vấn đề trọng tâm và cũng là nguyện vọng của bà con về công ăn việc làm ổn định để mưu sinh trong bối cảnh đời sống xã hội có quá nhiều thay đổi như hôm nay chưa được chính quyền cùng ban, ngành chức năng lưu tâm và hỗ trợ bằng những chương trình, quyết sách cụ thể, kịp thời.

Người dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia hoạt động du lịch tại Khu du lịch văn hóa cộng đồng Kô Tam.

Hướng đến du lịch cộng đồng

Phát triển du lịch cộng đồng được xem là hướng đi phù hợp nhất trước “cơn lốc” đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Với tư cách là cư dân đô thị đang trên đà phát triển, hội nhập từng ngày thì người DTTS ở đây cũng có cơ hội mưu cầu đời sống hạnh phúc và no ấm hơn bằng vốn văn hóa giàu bản sắc của mình thông qua sự gắn kết của cộng đồng trong hoạt động du lịch được tích cực xúc tiến và mở ra tại các buôn làng. 

Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng VH-TT TP. Buôn Ma Thuột đánh giá: Thực tế cho thấy nơi nào tổ chức được loại hình du lịch cộng đồng thì nơi đó tạo ra sinh kế ổn định cho bà con. Trên địa bàn thành phố hiện nay có khoảng 7 điểm du lịch cộng đồng, thu hút hàng nghìn lao động người DTTS tại chỗ. Vốn văn hóa giàu bản sắc của họ được các doanh nghiệp làm du lịch khai thác, xây dựng nên nhiều sản phẩm đặc sắc và độc đáo, thu hút du khách tìm đến thưởng thức, trải nghiệm.

Múa hát, biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách. Ảnh: H.Hùng

Từ tiềm năng ấy, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột đã khảo sát và xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn, giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, trình HĐND tỉnh phê duyệt và thông qua tại Kỳ họp thứ mười khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa qua. Ông Dũng cho biết, đối tượng áp dụng theo nghị quyết này được ưu tiên cho các hộ gia đình, cộng đồng thôn, buôn đồng bào DTTS tại chỗ với mức hỗ trợ 70% tổng vốn đầu tư cho nhiều nội dung, hạng mục phát triển du lịch cộng đồng như: hạ tầng; tôn tạo cảnh quan, môi trường; bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực… Có thể coi đây là “cú hích” thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào DTTS trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay, góp phần giải quyết căn cơ vấn đề sinh kế cho bà con, nhất là lực lượng lao động trẻ ở các buôn làng.

Đình Đối

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3483/202007/do-thi-hoa-va-bai-toan-sinh-ke-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-ky-2-5691543/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ