A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nỗ lực giảm nghèo ở Cư Né

14:38 | 18/09/2020

Hiện nay, xã Cư Né (huyện Krông Búk) còn 289 hộ nghèo, trong đó có 223 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Chủ tịch UBND xã Cư Né Lục Duy Phương cho biết, hộ đồng bào DTTS nghèo của xã chiếm tỷ lệ cao là do trình độ còn hạn chế, đông con, thiếu đất canh tác, thiếu phương tiện sản xuất, một số hộ có lao động nhưng không có việc làm, ốm đau thường xuyên, có hộ còn trông chờ, ỷ lại sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước… Và thêm một khó khăn nữa là ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, bệnh bạch hầu khiến cho các hộ cận nghèo đứng trước nguy cơ tái nghèo.

Gia đình anh Y Blyh Niê (bên phải) ở buôn Kmu (xã Cư Né) được hỗ trợ bò để thoát nghèo

Đơn cử, gia đình anh Y Blyh Niê (buôn Kmu), năm 2014 được chương trình Lục lạc vàng tặng 2 con bò sinh sản; nhờ được chăm tốt, đến nay đã tăng lên 6 con bò. Thế nhưng gia đình anh Y Blyh vẫn là một trong 20 hộ nghèo của buôn Kmu. Sở dĩ vẫn chưa thoát nghèo là do nhà anh Y Blyh có 11 nhân khẩu, không có đất sản xuất, thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào công việc làm thuê, trong khi đó vợ anh - chị H’Joan mắc bệnh sỏi thận, còn anh cũng bị bệnh đã mổ cắt túi mật.

Buôn Ea Jin có 74 hộ, 360 nhân khẩu, 100% là đồng bào DTTS. Tổng diện tích đất sản xuất của buôn chỉ hơn 70 ha (bình quân có khoảng 1 ha/hộ), chủ yếu là trồng cà phê. Hiện, buôn Ea Jin còn 19 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo và có khoảng 10 hộ không có đất sản xuất. Chị H'Triêu Niê, Trưởng buôn Ea Jin cho biết, một số gia đình hiện vẫn duy trì tập tục cưới hỏi theo nghi lễ tốn kém; không có đất sản xuất, cà phê liên tiếp mất mùa, giá cả bấp bênh khiến các hộ trồng cà phê lao đao, nhiều người rời buôn đi làm thuê ở các xã khác nhưng do tác động của dịch Covid-19, đã thất nghiệp hơn nửa năm nay... Những đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã được chi trả tiền hỗ trợ, nhưng vẫn chưa giải quyết được nguyên nhân căn cơ của nghèo đói, rất cần sự hỗ trợ, nhất là việc cấp đất sản xuất.

 

Khi thoát khỏi diện nghèo, các hộ đồng bào DTTD chưa định hướng được sản xuất bền vững, do đó việc hỗ trợ vốn, vật nuôi cần phải gắn với trách nhiệm của người được thụ hưởng để ý thức chủ động thoát nghèo được khơi dậy”.

 
Chị H'Triêu Niê, Trưởng buôn Ea Jin (xã Cư Né, huyện Krông Búk)

Tính đến hết tháng 12-2019, xã Cư Né đã có 1.611 hồ sơ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 1.361,4 ha (đất ở 3,1 ha; đất nông nghiệp 1.358,3 ha). Tuy nhiên, hiện quỹ đất ở xã Cư Né còn rất ít, do đó các chương trình giảm nghèo trước đây chủ yếu là hỗ trợ về vốn sản xuất. Khi tiếp nhận nguồn vốn, UBND xã chỉ đạo Ban tự quản các thôn, buôn tổ chức đối thoại trực tiếp với hộ dân nhằm định hướng và để các hộ tự quyết định nhận cây trồng, con giống phù hợp; căn cứ vào danh sách đăng ký hưởng chính sách thực hiện chuyển đổi nghề thay thế đất sản xuất. Ngoài ra, để giúp bà con giảm nghèo, UBND xã Cư Né đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Búk cho người dân vay vốn với tổng dư nợ hơn 37,3 tỷ đồng; thông qua các mô hình, tổ hùn vốn, Quỹ Khởi nghiệp, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Hội Cựu chiến binh, tổ tiết kiệm… đã cho gần 200 lượt hộ vay không lãi hoặc lãi suất thấp với kinh phí gần 800 triệu đồng; cấp 1.489 sổ hộ nghèo và 22.298 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí… Nhờ đó, giai đoạn 2015 - 2020, bình quân tỷ lệ hộ nghèo của xã đạt 3,53%/năm.

Ông Lục Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Cư Né thông tin thêm, mục tiêu giảm nghèo (theo chuẩn mới) giai đoạn 2020 - 2025  của xã từ 2 - 2,5%/năm. Do đó, xã Cư Né sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững gắn với phát triển kinh tế tập thể; khuyến khích, vận động nhân dân đầu tư canh tác nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường và gia tăng giá trị sản xuất. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với các đàn vật nuôi, cây trồng đầu tư cho người dân theo các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo.

Về lâu dài, xã Cư Né tích cực triển khai những chính sách hỗ trợ như: tạo việc làm, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Bên cạnh việc tranh thủ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, tận dụng nội lực của địa phương vận động xã hội hóa, xã cũng sẽ chú trọng nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất, tư duy kinh tế của bản thân hộ nghèo, cận nghèo… phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn từ 5 - 7%/năm%.

Hoàng Ân

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3484/202009/no-luc-giam-ngheo-o-cu-ne-5700400/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ