A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bảo vệ và chăm sóc trẻ em: Vẫn còn những khoảng trống! (kỳ 3)

10:24 | 18/11/2020

Tạo "tường rào" vững chắc

Những giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm thực thi hiệu quả Luật Trẻ em cùng sự vào cuộc của cả xã hội sẽ tạo “tường rào” vững chắc để trẻ em được sống trong tình yêu thương, môi trường lành mạnh.

Nỗ lực đưa chính sách vào cuộc sống

Không thể phủ nhận những cố gắng của cơ quan chức năng trong việc đưa chính sách vào cuộc sống. Nhiều chương trình, dự án chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như: Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025; Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2018 - 2023; Đề án vận động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi 2019 - 2025. Riêng Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em tại huyện Ea Kar đã tổ chức được 80 lớp dạy bơi cho 1.600 em, 40 lớp tuyên truyền nâng cao kiến thức an toàn, phòng chống đuối nước cho 800 em.

Toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 200 trẻ em mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi; trên 1.900 câu lạc bộ, đội, nhóm với 15.200 trẻ em tham gia; có 73 xã, phường, thị trấn có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 596 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 468 đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình…

Công an TP. Buôn Ma Thuột tuyên truyền an toàn giao thông đường bộ cho học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột).

Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, với chủ đề "Chung tay bảo vệ và phòng, chống xâm hại trẻ em", cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn xã hội giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em và các văn bản liên quan; trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước... cho trẻ em.

Tuy nhiên, những chương trình, dự án mới dừng ở quy mô nhỏ, chưa thể giải quyết rốt ráo vấn đề xâm hại, tai nạn thương tích ở trẻ em. Tại buổi làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, Phó GS-TS Tuyết Nhung Buôn Krông, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học – Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Tây Nguyên) - thành viên đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, nếu căn cứ theo những con số thống kê thì dường như những bất cập, thiếu sót của cơ quan chức năng cũng như người lớn với trẻ em không đáng là bao, nhưng trên thực tế thì lại tồn tại rất nhiều vấn đề. Do đó, ngoài việc xây dựng chính sách phù hợp, đầu tư cơ sở hạ tầng thì cần trang bị kỹ năng, kiến thức cho người thực hiện chính sách, các bậc phụ huynh và đặc biệt cho chính các em để tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em; đổi mới công tác tuyên truyền cả về cách thức và nội dung sao cho phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương.

Lắng nghe trẻ em nói

Công ước Quốc tế về quyền trẻ em nhấn mạnh việc trẻ em có quyền tự do bày tỏ ý kiến trên cơ sở được tạo điều kiện hình thành các quan điểm riêng của mình. Tuy nhiên, với quan niệm, cách thức giáo dục ở nước ta lâu nay, điều này chưa thực sự được coi trọng, tình trạng áp đặt, đánh giá các em theo quan điểm và cách nhìn của người lớn vẫn xảy ra phổ biến.

Tại diễn đàn “Lắng nghe lời con nói” do Hội LHPN TX. Buôn Hồ phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã tổ chức hồi cuối tháng 9 vừa qua, các học sinh bậc THCS đã bày tỏ, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc về tình trạng nêu trên, qua đó người lớn có cơ hội lắng nghe để hiểu và chia sẻ với các em một cách rõ ràng, thấu đáo về nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Đại diện cơ quan chức năng giải đáp thắc mắc, ý kiến của học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ tại diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” năm 2020.

Có thể thấy, tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến chính là đảm bảo thực hiện quyền trẻ em một cách cụ thể, cũng là phương pháp hữu hiệu ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại và phòng tránh tai nạn một cách hiệu quả. Do đó, những hoạt động nhằm cụ thể hóa việc thực thi quyền trẻ em như trên rất cần được quan tâm tiếp tục nhân rộng. Theo bà Phan Thị Như Thủy, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, bên cạnh việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định pháp luật thì rất cần sự thay đổi nhận thức và hành động mang tính đồng bộ từ cơ quan chức năng đến gia đình, nhà trường và cộng đồng để tạo môi trường lành mạnh cũng như thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Thúy Hồng

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3484/202011/bao-ve-va-cham-soc-tre-em-van-con-nhung-khoang-trong-ky-3-5710356/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ