A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ

13:34 | 04/12/2020

Do mưa lớn kéo dài gây ngập úng trên diện rộng và lũ lớn trên sông, đến nay nhiều vùng tại huyện Krông Ana vẫn còn bị úng ngập, chịu nhiều thiệt hại.

Thiệt hại nặng nề

Nhiều người nuôi cá lồng bè trên sông thuộc địa phận thị trấn Buôn Trấp đang "kêu trời" vì thiệt hại quá lớn trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, có 119 lồng bè cá nuôi trên sông với diện tích 8.568 m2 bị ảnh hưởng bởi dòng nước chảy xiết, ước tính thiệt hại khoảng 740 tấn cá.

Bè nuôi cá diêu hồng của ông Nguyễn Xuân Sang (tổ dân phố 5, thị trấn Buôn Trấp) đã đến thời điểm xuất bán, nhưng chỉ trong hai ngày qua, số lượng cá đã chết từ 70 - 80%. Ông Sang cho hay, gia đình nuôi 8 lồng với tổng diện tích hơn 500 m2. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn và ngập lụt trên diện rộng, nước lũ từ thượng nguồn đổ về quá nhanh mang theo rất nhiều rác thải, cộng thêm áp lực nước chảy mạnh làm cá chết hàng loạt, ước tính thiệt hại hơn 40 tấn cá, tương đương hơn 1 tỷ đồng.

Vườn rau của gia đình anh Phùng Sỹ Đồng (thị trấn Buôn Trấp) mất trắng do úng nước

Mưa lớn, nước dâng cao khiến khu vực buôn Krông, xã Dur Kmăl ngập trong nước, có 50 căn nhà của các hộ trong buôn ngập từ 0,2 - 0,5 m. Ông Tào Văn Cấp, Bí thư Chi bộ buôn Krông cho biết: “Đang vào vụ thu hoạch thì mưa lũ kéo về làm phần lớn diện tích cây trồng tại buôn ngập nặng. Hiện tại buôn có 15 ha khoai lang, 15 ha rau màu bị ngập hoàn toàn từ ngày 1-12, coi như mất trắng vì có thu hoạch về cũng đã bị úng nước không sử dụng được”.

 

“Hiện địa phương đang thực hiện các biện pháp ứng phó với tình hình ngập lụt trên địa bàn huyện theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời rà soát đánh giá mức độ thiệt hại để đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan xem xét, hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do lũ lụt gây ra”.

 
Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Võ Đại Huế

Cũng nằm trong tình cảnh tương tự, hộ ông Phùng Sỹ Đồng (thị trấn Buôn Trấp) trồng hơn 2 sào rau củ (bắp sú, súp lơ), đầu tư phân bón và bỏ ra nhiều công sức, còn 2 tuần nữa đến kỳ thu hoạch, dự kiến thu về 40 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên, mưa lũ bất ngờ kéo về, nước ngập hết diện tích vườn rau củ của gia đình, làm hư hại toàn bộ. Ông Đồng bày tỏ: “Toàn bộ số su hào, súp lơ của gia đình tôi chìm trong nước vài ngày nên không cứu được, chỉ vớt vát được số ít rau muống nhưng không đáng là bao. Hiện tôi chỉ chờ nước rút rồi xới đất, trồng lại các loại rau ngắn ngày để cung cấp cho các tiểu thương. Hy vọng chính quyền địa phương có thêm sự hỗ trợ, giúp đỡ người dân bị thiệt hại do lũ để sớm ổn định lại cuộc sống”.

Chủ động ứng phó, khắc phục

Trước tình hình ngập lụt xảy ra trên địa bàn, UBND huyện Krông Ana đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT, UBND các xã, thị trấn trực tiếp đến hiện trường nơi xảy ra ngập lụt để kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra; đồng thời tổng hợp, báo cáo kịp thời về UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện.

Trường Tiểu học Y Ngông (Điểm trường buôn Krông) bị ngập nước

Hiện nay mực nước tại các sông, suối trên địa bàn huyện vẫn đang lên chậm, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn chủ động ứng phó, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, kiểm tra công tác vận hành hồ đập và các công trình có nguy cơ mất an toàn; huy động lực lượng ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời, bảo vệ tài sản, vật nuôi. Riêng 2 trường học tại xã Dur Kmăl bị ngập sân trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo cho học sinh nghỉ học từ ngày 2-12 để đảm bảo an toàn cho đến khi có thông báo mới.

Các địa phương đặt biển nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá... trên sông, suối khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người. Các lực lượng chức năng đang bố trí lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đảm bảo cho bà con sau lũ không bị đói, rét, sớm ổn định cuộc sống. Ngay khi nước lũ rút, các đơn vị liên quan triển khai ngay các biện pháp bảo vệ môi trường, tiêu độc, khử trùng, xử lý đảm bảo nước sinh hoạt trong các vùng bị ngập úng và hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh cho người và gia súc.

Vân Anh

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3501/202012/chu-dong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-5712766/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ