A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

14:00 | 05/03/2021

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo Chính phủ về lương tối thiểu vùng năm 2021.

Có thể xem xét điều chỉnh tiền lương vào ngày 1/1/2022.

Theo dự thảo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội, các yếu tố điều chỉnh mức lương tối thiểu trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 và việc tăng lương tối thiểu sẽ gây thêm tác động việc làm của người lao động trong khi các doanh nghiệp còn đang gặp nhiều khó khăn, Hội đồng Tiền lương quốc gia khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

Về mức lương tối thiểu vùng của năm 2020, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tính toán dựa trên kết quả mức sống dân cư năm 2018 và ước CPI mức 4% giai đoạn 2019 - 2020 nhằm bù trượt giá, đảm bảo giá trị thực tế để đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Sau khi có kết quả CPI thực tế của từng năm, mức lương tối thiểu sẽ được cập nhật lại để đảm bảo mức sống tối thiểu làm căn cứ để tính cho các năm tiếp theo.

Trong phương án khuyến nghị Chính phủ về không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã báo cáo, với dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4%/năm, mức lương tối thiểu năm 2020 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51%. Thực tế, CPI của năm 2020 chỉ tăng 3,23% nên lương tối thiểu vùng sau khi cập nhật lại đã đảm bảo cao hơn 2,28% so với mức sống tối thiểu.

Vì vậy khi tiếp tục giữ nguyên mức lương tối thiểu này để áp dụng cho năm 2021 vẫn đáp ứng được mức sống tối thiểu. Trường hợp CPI của cả năm 2021 tăng cao hơn 2,28%, về nguyên tắc tính toán phần lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu vùng sẽ được xem xét để đưa vào điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ năm 2022.

Theo nội dung dự thảo, các chỉ tiêu về thất nghiệp, thiếu việc làm và doanh nghiệp giải thể, ngừng việc của năm 2020 đều tăng cao, trái ngược với xu hướng giảm của những năm gần đây. Năm 2020, cả nước có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Trung bình mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Lực lượng lao động là 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương là 6,62 triệu đồng/người/tháng, giảm 75.000 đồng so với năm 2019...

Điều này cho thấy năm 2020, lương tối thiểu vùng tăng nhưng thu nhập của người lao động giảm, do lương tối thiểu chỉ để đảm bảo mức sàn thấp nhất cho người lao động, tăng lương tối thiểu không dẫn đến việc tăng lương, thu nhập chung của người lao động.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm, thu nhập của người lao động năm 2020 đều gặp khó khăn, cần phải lựa chọn vấn đề ưu tiên để hỗ trợ. Trong đó, chính sách tiền lương tối thiểu cần phải đặt trong bài toán tổng thể, xem xét kỹ nguồn lực theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo tính bền vững chung cho toàn xã hội…

“Tình hình dịch Covid-19 bùng phát mới và còn phức tạp tại Việt Nam cũng như trên thế giới cũng như chưa thể dự đoán được thời điểm kết thúc, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trong nước từ nay tới năm 2021. Từ thực tế nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thấy việc không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi, duy trì việc làm cho người lao động và tái tham gia thị trường lao động trong bối cảnh dịch Covid -19 phức tạp và sau 13 năm liên tục điều chỉnh mức lương tối thiểu”- nội dung dự thảo nêu rõ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nếu tình hình kinh tế - xã hội và các yếu tố điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thuận lợi, có thể xem xét điều chỉnh tiền lương vào ngày 1/1/2022 mà không cần phải xem xét tiếp tục lùi vào thời điểm 1/7/2022 như kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Về thời gian điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng các quy định pháp luật, Bộ luật Lao động hiện không ấn định thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu cụ thể mà chỉ quy định các yếu tố làm căn cứ điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã 18 lần điều chỉnh lương tối thiểu nói chung, trong đó 3/18 lần thay đổi thời gian điều chỉnh sang tháng 10 là vào các năm 2005, 2006, 2011. Còn lại 15/18 lần đều điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm.

Bên cạnh đó, đa số quốc gia lựa chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính để tạo thuận tiện cho việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Năm tài chính của Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào 31/12. Việc Việt Nam lựa chọn thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vào thời điểm 1/1 như hiện nay là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Từ những nội dung trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 như thời gian qua. Nếu có yếu tố biến động bất thường, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

H.QUỲNH

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/de-xuat-khong-tang-luong-toi-thieu-vung-nam-2021-555160.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ