A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Có hay không 'dịch vụ làm căn cước công dân số đẹp' ?

15:01 | 20/04/2021

Thực tế nhiều người “mê tín” vẫn luôn muốn lựa chọn những con “số đẹp” từ biển số xe, số sim điện thoại, đến số tài khoản ngân hàng...

Họ cho rằng việc lựa chọn những số đẹp từ các dịch vụ trên là đơn giản, nên việc lựa chọn số CCCD đẹp cũng có thể làm “dịch vụ”.

Khi cả nước đang gấp rút chuyển đổi sang Căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình này để vi phạm pháp luật. Hiện nay trên một số trang mang mạng xã hội xuất hiện những lời quảng cáo về dịch vụ làm số căn cước công dân (CCCD) đẹp với giá hàng chục triệu đồng. Đây thực chất là một chiêu trò lừa đảo mà mỗi người dân cần hết sức cảnh giác.

Các đối tượng đăng tải thông tin trên mạng xã hội nhận làm dịch vụ CCCD gắn chip số đẹp công khai. Khi có người có nhu cầu, các đối tượng sẽ yêu cầu người mua cung cấp họ tên, địa chỉ quê quán, sau đó gửi số đẹp để khách hàng chọn lựa. Sau khi chọn được số đẹp, khách hàng chuyển khoản và nhận được lịch hẹn lên lấy dấu tay.

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, dãy 12 chữ số trên CCCD là mã số định danh của công dân, gồm 12 chữ số. 3 số đầu là mã 63 tỉnh, thành trong nước hoặc mã của 295 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 3 số tiếp theo là xác định giới tính và năm sinh. Đặc biệt, 6 số cuối cùng được lựa chọn ngẫu nhiên, nên không thể có sự can thiệp để lựa chọn số đẹp.

 Bộ Công an khẳng định không thể có chuyện lựa chọn "số đẹp" khi làm CCCD 

Ví dụ:  

- Mã giới tính, mã thế kỷ:

  • Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1;

  • Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3;

  • Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5;

  • Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7;

  • Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9.

- Số căn cước công dân là: 001090004567

  • 001 là mã tỉnh Hà Nội

  • 0 là giới tính nam, sinh tại thế kỷ 20

  • 90 là năm sinh 1990

  • 004567 là dãy số ngẫu nhiên.

Do đó, không thể có việc “chạy” làm căn cước công dân số đẹp, số VIP hay các dịch vụ làm CCCD số đẹp chỉ là trò lừa đảo của những cá nhân hoặc tổ chức nhằm trục lợi bất chính hoặc “câu like” trên mạng xã hội. Tất cả người dân cần đề phòng cảnh giác để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, hãy đến trụ sở công an gần nhất để đăng ký làm căn cước công dân theo quy định của nhà nước.

Trước đó, một thanh niên ở Bắc Giang đăng bài trên Facebook nhận làm căn cước công dân số đẹp với giá 40-50 triệu đồng để tăng tương tác, bán hàng online đã bị phạt 7,5 triệu đồng. Trường hợp khác tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng facebook ‘làm CCCD số đẹp giá yêu thương’.

Theo các luật sư, những hành vi đăng thông tin sai phạm, nhằm câu like, câu view hoặc có tính chất lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... thì tùy vào mục đích, mức độ sẽ phải chịu các hình thức xử phạt sau: Xử phạt hành chính theo quy định tại điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về việc tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội, cụ thể mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đối tượng có mục đích tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.     

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

LÊ VIỆT

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/co-hay-khong-dich-vu-lam-can-cuoc-cong-dan-so-dep--559684.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ