A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khẩn cấp chống dịch Covid-19: Chuyển từ phòng ngự sang tấn công

10:29 | 08/05/2021

Từ ổ dịch tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương (cơ sở 2) đã phát sinh thêm các trường hợp mắc tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và một số địa phương.

Ngày 7/5 các địa phương đã tức tốc để truy vết và siết chặt quản lý tại các khu cách ly tập trung và tại nhà, đồng thời dự tính các phương án để đối phó trong mọi tình huống như tinh thần mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói là “chuyển từ phòng ngự sang tấn công”.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chiều 7/5.

Xây dựng các kịch bản chống Covid-19

Ngay sau khi phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tại tòa nhà N 10, khu chung cư Đông Phát, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóam trong sáng ngày 7/5,  ngành y tế địa phương, lực lượng công an đã tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ dân cư tại tòa nhà nơi bệnh nhân 3.091 ở.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Du, Tổ trưởng Tổ dân phố Đông Phát 1, TP Thanh Hóa cho biết: “Sau khi công bố ca lây nhiễm trong cộng đồng tại nhà N10, hầu hết người dân sinh sống trong khu nhà và các toà nhà lân cận đều rất bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế trong khai báo để phòng chống dịch. Hầu hết bà con đều động viên nhau và quyết tâm chống dịch với tinh thần cao nhất!”, ông Du nói.

Cũng trong sáng 7/5, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) hơn 1.700 học sinh cùng khoảng 100 cán bộ giáo viên phải nghỉ học và yêu cầu cách ly tại nhà theo quy định phòng chống dịch, sau khi anh N.B.T (bệnh nhân 3.091), là phụ huynh của 2 học sinh đang học tại lớp 3A và 5H Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi có kết quả dương tính với Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tiến hành họp khẩn và ra công điện, yêu cầu các ban ngành, người dân trong tỉnh thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của ngành Y tế về phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh Thanh Hóa cũng chính thức dừng một số dịch vụ không thiết yếu để phòng, chống dịch Covid-19 gồm: Quán bar, các cơ sở kinh doanh karaoke, xông hơi, massage, spa, phòng tập gym, yoga, bi-a, các cơ sở cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập internet.

Đồng thời siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhất là biện pháp 5K. Tạm dừng tổ chức các lễ kỷ niệm, mít tinh, các hội nghị, cuộc họp không thật sự cần thiết; trường hợp cần tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Cũng trong sáng ngày 7/5, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho phóng viên Đại Đoàn Kết biết: Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở cách ly tập trung thực hiện nghiêm túc cách ly tập trung ít nhất 21 ngày liên tục, kể từ ngày vào khu cách ly hoặc tiếp xúc lần cuối với người nhiễm SARS-CoV-2.

Trong thời gian cách ly sẽ  lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu, ngày thứ 7, ngày thứ 14 và ngày thứ 20. Trường hợp người cách ly có tiếp xúc gần hoặc đi cùng phương tiện với ca bệnh Covid-19 thì thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu, ngày thứ 5, ngày thứ 10, ngày thứ 14 và ngày thứ 20.

Kích hoạt lại các tổ phòng chống dịch Covid-19

Nói với PV Báo Đại Đoàn Kết, sáng 7/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hải Phòng đã xây dựng các kịch bản, chủ động ứng phó với tình huống trên địa bàn xảy ra hàng nghìn người bị nhiễm bệnh.

Ông Nam chia sẻ: Hải Phòng đã xây dựng các kịch bản phòng chống dịch trong trường hợp xuất hiện 100 ca, 200 ca rồi 1.000 ca nhiễm bệnh. Những kịch bản này, Hải Phòng sẽ sử dụng các bệnh viện từ tuyến huyện đến các bệnh viện chuyên khoa; thành lập các bệnh viện dã chiến cùng nguồn lực y bác sĩ, sinh viên các trường ĐH Y dược Hải Phòng, Cao đẳng Y tế Hải Phòng là nguồn lực tại chỗ để điều trị, phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Hải Phòng đã xác định ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập là cần phải chủ động phát hiện sớm nguồn lây trong cộng đồng. Hải Phòng tiên phong thành lập hơn 2.400 tổ giám sát tại tất cả các tổ dân phố, thôn xóm để giám sát, ngăn ngừa, phòng chống dịch. Ngoài ra, thành phố cũng thành lập các chốt kiểm soát dịch tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh xuất hiện ổ dịch để kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài vào Hải Phòng.

Tại Đà Nẵng, ngày 7/5, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế cho biết, chính quyền và ngành y tế thành phố đã nhận định chính xác tình hình, xác định các nguy cơ lây lan, bùng phát dịch. Theo bà Yến, quan trọng nhất ở thời điểm này là sau mỗi ca dương tính cụ thể ngành y tế phải xác định nguy cơ để đưa ra phương án khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi. 

Tinh thần chỉ đạo của Đà Nẵng là đã xét nghiệm thì phải xét nghiệm rộng, còn khoanh vùng cách ly thì phải khoanh vùng hẹp. Đây là quan điểm xuyên suốt - đặc biệt là tốc độ xét nghiệm, tốc độ lấy mẫu phải nhanh nhất, thần tốc nhất trong một đợt dịch. “Đà Nẵng đang nỗ lực chạy đua với thời gian, đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm chỉ trong thời gian rất ngắn”, bà Yến nói.

Tại Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, tỉnh đã kích hoạt cao nhất cơ chế phòng chống dịch Covid-19 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Đến nay tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện phương án thu dung, cách ly điều trị cho 1.000 ca bệnh, nghi nhiễm Covid-19; tiếp tục củng cố năng lực các cơ sở cách ly tập trung, đảm bảo công suất cách ly tập trung 50.000 người trên địa bàn.

Tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly lây nhiễm ra ngoài cộng đồng. “Quảng Ninh chủ động đáp ứng nhu cầu chống dịch trong mọi tình huống” - bà Hạnh cho biết.

“Chúng ta đang được đặt trong tình trạng báo động rất cao”

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 7/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước.

Dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Long nhấn mạnh: “Một người lơ là, cả xã hội vất vả”, đồng thời cho biết trong tất cả các văn bản của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo hay Bộ Y tế đều lưu ý các địa phương phải nâng cao năng lực/công suất xét nghiệm, chủ động về mặt xét nghiêm, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng trong cộng đồng.

Bộ trưởng cũng cho biết, Việt Nam đảm bảo đủ sinh phẩm chẩn đoán, xét nghiệm cho tất cả các phương pháp. “Chỉ có bằng xét nghiệm thì mới phát hiện ra được ca bệnh Covid-19”, ông nhắc lại.

Về nguy cơ dịch xâm nhập vào bệnh viện tuyến cuối, Bộ Y tế đã có công điện khuyến cáo mạnh mẽ việc hạn chế người đến khám đến bệnh viện tuyến Trung ương mà chủ yếu nên khám và điều trị ở tuyến cơ sở. Bộ Y tế đã áp dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa để giúp y tế tuyến cơ sở điều trị những ca bệnh lâu này thường điều trị ở tuyến trung ương; cùng đó hạn chế tối đa việc thăm bệnh nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, nếu cơ sở y tế không đáp ứng an toàn Covid-19, không tuân thủ phòng chống dịch thì lập tức cho dừng ngay hoạt động. “Chúng ta phải liên tục trong trạng thái cảnh giác cao độ, phải làm hết sức, hết mình”, Bộ trưởng nói. Còn về cách ly thì “không được nhân nhượng, xuề xoà, dễ dãi”.

“Chúng ta đang được đặt trong tình trạng báo động rất cao, đề nghị các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, coi như địa phương đang trong dịch, để khi xảy ra không bối rối, bỡ ngỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/khan-cap-chong-dich-covid-19-chuyen-tu-phong-ngu-sang-tan-cong-561595.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ