A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nguy cơ dịch lan ra cả nước

08:14 | 10/05/2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định như vậy và nêu rõ: Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế - xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp

Ngày 9-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam và triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp từ đầu cầu UBND tỉnh An Giang với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, một số bộ - ngành và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới Tây Nam.

Chuẩn bị kịch bản 30.000 người nhiễm

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo diễn biến dịch lần này khá nhanh, đa nguồn lây, đa ổ dịch và tình hình nhập cảnh trái phép diễn biến rất phức tạp.

Trong khi đó, diễn biến dịch từ Campuchia vẫn căng thẳng. Do Campuchia đã dỡ phong tỏa nên dự báo trong những ngày tới, lượng người nhập cảnh hợp pháp lẫn trái phép từ Campuchia về nước sẽ tiếp tục tăng. Nguy cơ lây nhiễm dịch vào khu vực Tây Nam Bộ rất lớn. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh biên giới Tây Nam phải xác định tinh thần luôn trong trạng thái có nguy cơ, phải "coi như mình đã có dịch"; chuẩn bị cho kịch bản dịch lan trong cộng đồng.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành cho biết các lực lượng đã phối hợp, duy trì 1.820 tổ chốt với 11.824 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ để kiểm soát trên toàn tuyến biên giới. Bộ Quốc phòng đã lên phương án tiếp tục quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung, mở thêm các khu cách ly tập trung mới chuẩn bị cho kịch bản 30.000 người nhiễm Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình chống dịch Covid-19 tại tỉnh An Giang Ảnh: NHẬT BẮC

Không hoảng hốt, không lo sợ, hết sức tỉnh táo, thông minh, sáng tạo, bản lĩnh trong phòng, chống dịch Covid-19” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định những ngày qua, ông cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra biên giới và một số tỉnh Tây Nam. Thực tế cho thấy cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hết sức quyết liệt, quản lý chặt chẽ biên giới. Tạm thời yên tâm việc đang kiểm soát tốt tuyến biên giới nhưng Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng vẫn đang chịu áp lực rất lớn. Đáng lo ngại là tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép từ phía Bắc đi vào các tỉnh ĐBSCL để tìm đường sang Campuchia nên cần phải xử lý triệt để, triệt phá các đường dây nhập cảnh trái phép này.

"Phải dự liệu các tình huống xấu nhất để sẵn sàng những giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả" - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Tại đầu cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn ví dụ tại Hải Dương, trong 1 đêm cách ly cho 3.000 người nhưng tổ chức không phù hợp dẫn tới việc xử lý cả tháng chưa xong. Từ đó, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương bên cạnh việc chuẩn bị chỗ cách ly, phải xây dựng kịch bản cách ly số lượng người lớn trong thời gian ngắn, bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Ngoài ra, lực lượng quân đội cũng cần tiếp tục hoàn thiện các kịch bản để điều tiết người cách ly.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề các địa phương khu vực ĐBSCL chưa xảy ra tình trạng dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng theo đúng nghĩa, do đó chưa có kinh nghiệm ứng phó. "Nếu dịch xảy ra trong cộng đồng, ứng phó sẽ lúng túng. Lãnh đạo các tỉnh yêu cầu Sở Y tế xây dựng và báo cáo các phương án ứng phó với kịch bản xấu nhất" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phải vào cuộc với tinh thần cao nhất

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là thời điểm "nước sôi lửa bỏng". Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các bộ, ngành tiếp thu ý kiến, kiến nghị của 6 tỉnh biên giới, Quân khu 7, Quân khu 9, các bộ, ngành và ý kiến chỉ đạo của 3 Phó Thủ tướng để hoàn thiện phương án chống dịch.

Về việc 10 ngày qua, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh rất nhanh, rất khó lường, Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân do dịch bệnh lây lan từ người nhập cảnh cộng với tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thậm chí không tuân thủ quy định về hoạt động của "Tổ 5 người" (gồm lãnh đạo 5 bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải).

"Thực hiện phòng chống dịch không đúng quy chế, không đúng quy trình, không đúng nguyên tắc, chưa nói đến tiêu cực có thể xảy ra. Nay mai phải xác định rõ địa chỉ, rõ người để kiểm điểm trách nhiệm" - Thủ tướng nêu rõ.

Nguyên nhân khác là đa nguồn lây, đa ổ dịch, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây lây nhiễm rất nhanh, khó lường, xảy ra trên diện rộng, đã trên 20 tỉnh.

"Nguy cơ dịch trên toàn quốc đã hiện hữu lắm rồi. Chúng ta phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, bám sát tình hình thực tế hơn, để ngăn chặn dịch bệnh" - Thủ tướng bày tỏ lo ngại, từ đó nhấn mạnh Bí thư, Chủ tịch các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã, thôn phải vào cuộc với tinh thần cao nhất.

Một nguyên nhân khác là do doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị mời chuyên gia nước ngoài vào nhưng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm quy định dẫn tới "bị thủng lưới". Và nguyên nhân cuối cùng là tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở các nước láng giềng dẫn đến nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất lớn.

Bài học kinh nghiệm tại các địa phương, bệnh viện xảy ra ổ dịch cho thấy vẫn lơ là, mất cảnh giác, thực hiện không đúng quy định, đặc biệt chưa chuẩn bị đầy đủ cho chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ". Cán bộ, nhất là người đứng đầu, còn có những lúc lơ là, chủ quan, thậm chí phân công nhiệm vụ, trách nhiệm không rõ ràng. Đến khi có dịch thì lúng túng, hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan. Thủ tướng yêu cầu "phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay".

Xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế, các địa phương, cơ quan, đơn vị đề xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có hiệu quả, xả thân vì công tác chống dịch; đồng thời phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Thủ tướng biểu dương tỉnh Vĩnh Phúc đã kiên quyết xử lý phó giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo huyện do lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch.

Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục nhập vắc-xin, thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước, tuyên truyền, giải thích cụ thể về tiêm vắc-xin không để cho các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, chống phá.

"Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế - xã hội do nguyên nhân chủ quan thì dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là trả giá đắt cho xã hội, cho hệ thống chính trị, sức khỏe người dân, cho lợi ích quốc gia, dân tộc và người có trách nhiệm cũng phải trả giá" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương có kịch bản bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp 2021-2026; kết thúc năm học 2020-2021 đúng luật, có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung cho sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương rà soát tác động của các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, từ đó có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phù hợp bảo đảm sản xuất - kinh doanh và cuộc sống của người dân. 

Đình chỉ công tác nhiều cán bộ

Ngày 9-5, Công an tỉnh Vĩnh Phúc điều tra một số clip "nóng" ghi lại cảnh "thác loạn" của nhiều đôi nam nữ được cho là ghi lại ở quán bar, karaoke Sunny (đường Mai Hắc Đế, khu đô thị Đồng Sơn, phường Phúc Thắng, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Công an tỉnh này đã tạm đình chỉ 2 công an TP Phúc Yên vì đã buông lỏng quản lý cơ sở này.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết trước đó tỉnh đã tạm đình chỉ công tác 7 cán bộ do lơ là, chậm trễ trong công tác chống dịch, gồm: ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên; ông Nguyễn Khắc Lập, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế; ông Hà Thanh Hùng, Chủ tịch UBND phường Khai Quang; 2 trưởng công an phường và 2 cán bộ cấp phường.

"Với cán bộ, nếu đã giao nhiệm vụ thì phải làm, ai không làm thì phải đứng sang một bên, không được chậm trễ bất cứ một phút nào. Việc đình chỉ cán bộ hiện nay không phải là mục tiêu nhưng hiện tại buộc phải làm gương, giải quyết ngay chỗ ùn tắc công việc trước mắt. Vĩnh Phúc sẽ khách quan, công minh đối với những vi phạm, đặc biệt là vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng " - ông Lê Duy Thành nói.

Sở Y tế Hà Nam vừa có quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 3-5) đối với ông Ngụy Cao Phi - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân - để báo cáo, giải trình về quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện.

Ngày 4-5, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức "Cảnh cáo" đối với ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Yên Bái, do vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cụ thể là việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài.

H.Thanh - A.Nhiên

Thế Dũng

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/nguy-co-dich-lan-ra-ca-nuoc-20210509223514666.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ