A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sẵn sàng cho chiến dịch tiêm vắc-xin quy mô lớn

10:08 | 21/06/2021

Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 với quy mô 150 triệu mũi tiêm an toàn. Khoảng 15.000 điểm tiêm chủng trên cả nước đã được tập huấn, sẵn sàng nhân lực cho tiêm chủng

Việt Nam đang chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 lớn nhất với hơn 15.000 điểm tiêm chủng sẽ được thành lập. Để phục vụ chiến dịch này, Bộ Y tế vừa tổ chức tập huấn tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho 700 điểm cầu trên cả nước.

Phải tiêm trên 70% dân số

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo vắc-xin là vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19. Nếu tỉ lệ tiêm chủng đạt 70%-85% sẽ giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh. Người dân mong muốn đến lượt tiêm vắc-xin để cùng nhau đưa cuộc sống trở lại bình thường.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng Ban An toàn tiêm chủng của Bộ Y tế - cho biết để đạt được miễn dịch cộng đồng, phải tiêm trên 70% dân số. Cụ thể, cả nước có 100 triệu dân, phải thực hiện 70-75 triệu người, tương đương với 150 triệu mũi tiêm an toàn.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện quận 11, TP HCMẢnh: HẢI YẾN

Đây sẽ là chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với số lượng lớn vắc-xin, trên diện rộng, thời gian lại không nhiều. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phải bảo đảm công tác an toàn tiêm chủng tại địa phương trên nguyên tắc 4 tại chỗ; thành lập ban an toàn tiêm chủng cấp tỉnh và tổ chức đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ kịp thời các điểm tiêm chủng. "Thời gian qua, Việt Nam đã ghi nhận một số phản ứng bất lợi tại một số địa phương và so với thế giới, tỉ lệ tai biến tiêm chủng của Việt Nam ở mức thấp nhưng không được phép chủ quan" - ông Khuê lưu ý.

PGS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết hiện hệ thống khám chữa bệnh có 1.400 bệnh viện công, hơn 300 bệnh viện ngoài công lập, 30 phòng khám ngoài công lập, 11.000 trạm y tế và hệ thống y tế ngành, y tế công an, y tế quân đội cùng tham gia vào chiến dịch tiêm chủng này. Khoảng 15.000 điểm tiêm chủng đã có phương án nhân lực, sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng. Các điểm tiêm được đưa lên bản đồ tiêm chủng, công khai với toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vắc-xin đã sử dụng, số người được tiêm.

PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), thông tin thêm Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đang gấp rút triển khai chiến dịch. Ngoài các điểm tiêm chủng mở rộng tại gần 12.000 xã, phường và khoảng 2.000 điểm tiêm chủng dịch vụ, ngành y tế có thể thiết lập thêm các điểm tiêm chủng khác tại các cơ sở điều trị như thời gian qua đã làm. "Việt Nam sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất này một cách thuận lợi vì chúng ta đã từng triển khai những chiến dịch tiêm chủng rất lớn. Gần đây nhất là chiến dịch tiêm vắc-xin sởi và Rubella cho 23 triệu trẻ em" - ông Phu nhấn mạnh.

Đã tiêm 2,3 triệu liều

Trong khi đó, theo PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia - các loại vắc-xin Covid-19 sử dụng trong chiến dịch này đều được Tổ chức Y tế thế giới thẩm định, kiểm định an toàn trước khi tiêm cho người dân. Bà Hồng khuyến nghị: "Vắc-xin Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam đều bảo đảm an toàn và chất lượng khi đưa ra sử dụng. Chúng tôi khuyến cáo việc sớm được tiêm chủng vắc-xin là quan trọng để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vắc-xin mà phải chờ đợi và bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm".

PGS-TS Hồng cũng xác nhận Bộ Y tế đã có kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế trên toàn quốc, các hệ thống y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng này. Sắp tới sẽ tổ chức tiêm chủng theo hệ thống tiêm chủng mở rộng đã bao phủ tới quy mô xã - phường. Đến nay, Việt Nam đã tiêm hơn 2,3 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin là hơn 115.000 người, còn rất xa so với mục tiêu 150 triệu mũi tiêm.

Đáng chú ý là dù đã đàm phán thành công hơn 120 triệu liều nhưng vắc-xin về Việt Nam vẫn khá chậm do khan hiếm. Về việc này, bà Hồng giải thích: Thời gian và số lượng cụ thể cung ứng vắc-xin Covid-19 về Việt Nam có thể thay đổi do phụ thuộc tình hình thế giới. Do đó, có thể từ bây giờ đến cuối năm chưa thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải duy trì chiến lược: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả; thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K + vắc-xin. 

Ngày 20-6, TP HCM có số ca nhiễm nhiều nhất nước

Ngày 20-6, Việt Nam ghi nhận thêm 311 ca mắc Covid-19, gồm 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 300 ca ghi nhận trong nước.

Trong ngày, TP HCM là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất nước với 137 ca; tiếp đến là Bắc Giang 96 ca, Đà Nẵng 27 ca, Bắc Ninh 19 ca, Bình Dương 13 ca, Nghệ An 5 ca, Hà Tĩnh, Quảng Nam và An Giang - mỗi địa phương 1 ca. Tại TP HCM, hầu hết ca nhiễm mới là các trường hợp F1 đã được cách ly. Một số trường hợp liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp), điểm thu phế liệu Đề Thám (quận 1) và những ca bệnh đang điều tra dịch tễ.

Đến nay, Việt Nam ghi nhận 13.211 ca mắc Covid-19, trong đó 11.513 ca ghi nhận trong nước và 1.698 ca nhập cảnh. Trong ngày, có thêm 175 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng số ca điều trị khỏi lên 5.229 ca. Số ca tử vong là 66.

Ngọc Dung

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/san-sang-cho-chien-dich-tiem-vac-xin-quy-mo-lon-20210620224636256.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ