A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đưa người dân từ vùng dịch về quê cần tránh tự phát

16:46 | 30/07/2021

Trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, tình trạng giãn cách xã hội ngày càng được kéo dài thời gian. Người dân tự về quê bằng phương tiện cá nhân ngày càng đông.

Theo đó, rạng sáng nay 30/7, hàng trăm người dân Đắk Lắk tạm trú tại Đồng Nai đã chạy xe máy, được lực lượng CSGT tỉnh Đắk Lắk dẫn đường đưa về quê. Đa số công dân từ Đồng Nai về lần này đều là người dân tộc thiểu số tại các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên họ thất nghiệp, mong muốn trở về quê và được lực lượng chức năng hai tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai phối hợp hỗ trợ.

Trước đó, ngày 28/7, hơn 300 người dân từ Đồng Nai, TP HCM về quê các tỉnh miền Tây bị “mắc kẹt” ở trạm kiểm soát dịch Covid-19 tỉnh Long An, giáp ranh với địa bàn TP HCM. Mấy ngày qua, một số người dân ở TP HCM tự chạy xe gắn máy về quê ở miền Trung, miền Tây và tây Nguyên, khi qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở một số tỉnh, không được phép lưu thông phải quay trở lại thành phố.

Về việc này, trước tiên trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, người dân phải hạn chế đi lại và không nên tự ý chạy xe về quê, nếu người dân cố tình về quê tự phát bằng phương tiện cá nhân là vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh.

Một số người dân biết di chuyển như vậy là vi phạm quy định phòng chống dịch, nhưng vì sao vẫn xảy ra? Trước tiên phải nhìn nhận rằng, từ ngày 31/5, TP HCM đã thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội toàn thành phố, hết thời gian thực hiện Chỉ thị 15, UBND TP HCM ra tiếp Chỉ thị số 10 và tiếp đến áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng giãn cách toàn thành phố. Mới đây nhất, TP HCM áp dụng Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM siết chặt giãn cách xã hội.

Như vậy, TP HCM trong vòng hai tháng đã có 4 chỉ thị giãn cách gia tăng từng cấp độ. Trong thời gian hai tháng này, cuộc sống của đại đa số người dân TP HCM bị xáo trộn, thất nghiệp tăng cao, một bộ phận người lao động, làm công việc thời vụ, thuê nhà trọ rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề.

Trước hoàn cảnh này, một số người dân tìm đường về quê tránh dịch để giảm bớt một phần gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền,… Và từ đây người dân bỏ phố về quê ngày càng tăng. Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… cũng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân cũng đang phải đối mặt với các khó khăn tương tự.

Chính quyền TP HCM và các tỉnh, thành phố trong thời gian qua, vừa chống dịch vừa đảm bảo đời sống cho nhân dân, đặc biệt ở TP HCM đến thời điểm này không ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, người dân xưa nay sống ở các vùng quê thanh bình, vì miếng cơm, manh áo phải rời quê lên phố, nay ở thành phố bị dịch bệnh, bị giãn cách xã hội, hàng ngày phải chen chúc trong căn gác trọ hơn 10 m2, từ đó không ít người có ý nghĩ bằng mọi cách tìm đường về quê.

Trung tuần tháng 7, các tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định,… đã nỗ lực phối hợp với các hội đồng hương để đưa người dân về quê, nhưng “lực bất tòng tâm” bởi người dân muốn về quê trong mùa dịch phải trải qua xét nghiệm Covid-19; rồi về quê phải cách ly tập trung, đồng thời số lượng người dân đăng ký về quê quá đông…  nên một số tỉnh, thành phố tạm dừng đưa người dân về quê.

Từ đó, người dân tự phát về quê bằng phương tiện cá nhân, làm cho chính quyền một số tỉnh, thành phố lúng túng. Trước thực trạng này, thiết nghĩ các tỉnh, thành phố cần áp dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như văn bản của Văn phòng Chính phủ ngày 20/7, về kiểm soát hoạt động chuyến bay thương mại và di biến động từ TP HCM và các tỉnh, thành phố khác trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, người lao động từ TP HCM về các địa phương, đồng thời thực hiện tốt việc quản lý di biến động của nhân dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng. Các tỉnh, thành phố nên phối hợp với nhau để tổ chức đưa người dân có nguyện vọng từ các tỉnh, thành phố về quê được an toàn, tránh lây lan dịch bệnh.

Trước hết, nên tổ chức kiểm soát chặt chẽ, không để người dân không được phép lưu thông qua các chốt giáp ranh với các tỉnh, thành phố. Công an các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các chốt trên các tuyến cửa ngõ ra vào; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định phòng chống dịch của cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, khi nhận được đề nghị của các tỉnh, thành phố đưa người dân về quê, cần có sự phối hợp rà soát tổng hợp đề xuất danh sách, chuẩn bị xây dựng kế hoạch chặt chẽ. Làm như vậy mới tránh tình trạng người dân về quê tự phát; hơn nữa kiểm soát được dịch Covid-19, không để tình trạng người dân mang dịch về quê, lây lan ra cộng đồng

HỒNG LĨNH
 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ