A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đường đến trường ở Ea Chai đã gần hơn

08:18 | 29/09/2014

Hằng chục năm nay, người dân thôn 6 (thường gọi là thôn Ea Chai), xã Bình Hòa, huyện Krông Ana rất nhọc nhằn mỗi lần qua sông Krông Ana.

Giờ đây, khi được trang bị phương tiện đường thủy bảo đảm an toàn, con đường đến trường của thầy, trò trên địa bàn như… gần hơn.

Ám ảnh những chuyến đò xưa

Theo khảo sát của Phòng Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) huyện Krông Ana, hiện có khoảng 70 giáo viên và học sinh trên địa bàn Ea Chai hằng ngày phải qua đò để đến lớp. Từ những ngày đầu thành lập thôn, hầu hết người dân địa phương, kể cả giáo viên và học sinh đều đi lại bằng những chiếc ghe tự đóng rất thiếu an toàn. Khi nhu cầu đi lại ngày càng nhiều, việc chở con đi học bằng những chiếc ghe nhỏ không còn phù hợp, một người dân trong thôn đã dùng con đò vận chuyển nông sản của gia đình để phục vụ việc đưa đón giáo viên và học sinh sang sông. Để hỗ trợ cho giáo viên, học sinh Ea Chai đến trường được thuận lợi, an toàn, từ năm 2011 Phòng GDĐT huyện đã trích 60 triệu đồng/năm trả tiền nhiên liệu và nhân công lái đò cho gia đình ông Phạm Văn Sỹ - chủ con đò trên để đưa đón giáo viên và học sinh từ nhà đến lớp và ngược lai, nhưng đây là chiếc đò được thiết kế để chở hàng hóa, nông sản không phù hợp với chở người nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp khi qua lại trên những chiếc đò tự đóng khá nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn, nhẹ thì bị trượt chân xây xước, nặng thì bị nước cuốn trôi mất mạng, như trường hợp của một học sinh khối 6, Trường THCS Lê Văn Tám, em ra đi để lại nỗi đau lớn cho gia đình, bạn bè và người thân. Cho đến giờ cô giáo H’An Niê Kdăm (Trường THCS Lê Văn Tám) vẫn còn bị ám ảnh bởi cái chết thương tâm ấy, cứ vào mùa mưa lũ, mỗi lần lên lớp, điểm danh sỹ số mà thấy còn thiếu học sinh ở Ea Chai, là lòng cô lại bồn chồn, lo lắng. Cô tâm sự, mùa mưa học sinh trong thôn đi lại rất khó khăn, dù đã có đò chở qua sông, nhưng do không có mái che nên khi gặp mưa lớn, hầu hết áo quần, sách vở của các em đều ướt sũng...

Những hành khách đầu tiên trên chiếc thuyền mới.

Những hành khách đầu tiên trên chiếc thuyền mới.

Con thuyền mơ ước

Nhận thấy đó là trở ngại lớn đối với người dân địa phương nói chung, giáo viên và học sinh nói riêng trong việc đi lại bằng đường sông, UBND huyện Krông Ana đã đề nghị Ban An toàn giao thông và UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí để địa phương đóng 1 chiếc thuyền theo quy chuẩn an toàn đường thủy. Từ cơ sở đó, Ban ATGT tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế và đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí gần 500 triệu đồng từ ngân sách giao cho Phòng GDĐT huyện làm chủ đầu tư, tiến hành lựa chọn nhà thầu tư vấn, thiết kế và thi công có đủ năng lực, sau gần 4 tháng triển khai, công trình thuyền gắn máy phục vụ đưa đón giáo viên và học sinh đã hoàn thành, đáp ứng lòng mong ước từ bao lâu nay của người dân Ea Chai. Thuyền được thiết kế theo tiêu chuẩn phương tiện đường thủy cấp IV, có mái vòm che mưa nắng, được trang bị gần 200 áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh, có thể vận chuyển từ 70 đến 100 hành khách/chuyến. Hiện con thuyền đã được hạ thủy và bàn giao cho xã Bình Hòa quản lý. Có mặt tại buổi lễ bàn giao, em Võ Thị Bông, lớp 9A1, Trường THCS Lê Văn Tám rất vui mừng nói: “Hôm nay, chúng em được yên tâm hơn khi đi lại trên chiếc thuyền mới, con đường đến trường của em cùng các bạn sẽ nhanh hơn, an toàn hơn”. Ông Phạm Văn Sỹ cũng không giấu được niềm vui, chia sẻ: có thuyền mới, ông cảm thấy yên tâm hơn mỗi lần con cháu đến trường – đó là con thuyền mơ ước mấy chục năm nay của người dân thôn Ea Chai.

Về phía lãnh đạo địa phương, ông Thái Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana khẳng định, sự hỗ trợ của tỉnh đã góp phần tạo thêm động lực để học sinh và giáo viên Bình Hòa thực hiện tốt công tác giảng dạy và học tập. Để con thuyền mới hoạt động có hiệu quả, huyện đã chỉ đạo phòng chức năng trực thuộc tiếp tục hỗ trợ kinh phí, nhiên liệu hằng năm để thuyền hoạt động tốt, đồng thời tiến hành các thủ tục tuyển dụng nhân sự đủ điều kiện phục vụ lái thuyền lâu dài; giao xã Bình Hòa chịu trách nhiệm quản lý toàn diện hoạt động của thuyền, tiến hành bảo dưỡng thường xuyên để bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh và người dân qua sông.

Hoàng Tuyết

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ