A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Loay hoay xử phạt

14:30 | 28/09/2022

Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8,....

.....hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Nhưng cũng lại chưa thể xử phạt được vì phải đợi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn theo Luật Bảo vệ môi trường. Có nghĩa là Nghị định và Luật “vênh” nhau.

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, đang có cách hiểu chưa đúng về thời điểm áp dụng xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại rác thải từ đầu nguồn. Ngày 25/8/2022 là thời điểm Nghị định 45 có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), UBND các tỉnh/thành mới triển khai hướng dẫn thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện của địa phương. Theo đó, lộ trình thực hiện bắt buộc sẽ vào ngày 1/1/2025. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại rác thải tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Để có thể thực hiện quy định phân loại rác thải từ đầu nguồn, trước hết và quan trọng nhất là từ từng hộ gia đình. Tuy nhiên, địa phương cũng cần tổ chức các phương tiện, nhân lực thu gom, vận chuyển, tiêu hủy, tái chế. Có nghĩa là cần phải đồng bộ, nhưng ở thời điểm này điều đó vẫn chưa diễn ra. Chính vì vậy không chỉ người dân mà chính quyền các địa phương cũng chưa thể chủ động, dẫn đến loay hoay trong thực hiện.

Có thể nêu ví dụ tại tỉnh Khánh Hòa. Dân số toàn tỉnh 1,2 triệu người, lượng chất thải sinh hoạt hằng ngày hơn 1.000 tấn. Để giải quyết rác thải, tỉnh đã quy hoạch 19 cơ sở xử lý chất thải rắn, trong đó có 13 bãi chôn lấp. Nhưng tổng kinh phí toàn bộ chương trình quản lý chất thải rắn dự kiến lên đến hơn 5.400 tỷ đồng thì chưa biết lấy đâu ra.

Với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai đô thị chục triệu dân thì lượng rác thải còn lớn hơn rất nhiều, đòi hỏi đầu tư để xử lý theo đó cũng rất lớn. Mỗi ngày Hà Nội “xả” ra 6.000 tấn rác, TPHCM là 9.000 tấn. Để có thể tiến hành xử phạt theo Nghị định 45, lãnh đạo Sở TNMT TPHCM cho biết phải có kế hoạch, có lộ trình, phù hợp với thực tế. Trong khi đó, dẫn chứng thực tế từ Hà Nội, GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, Hà Nội từng thí điểm phân loại rác thải tại nguồn. Khi đó, các phương án đưa ra là sử dụng túi đựng rác thải (theo màu sắc): Túi màu xanh đựng rác thải hữu cơ; túi màu đen/hoặc đỏ đựng rác thải vô cơ hay đổ rác theo giờ... Tuy nhiên, hiệu quả thu được không cao do người dân có thể phân loại rác thải từ đầu nguồn nhưng nhân viên thu gom rác lại sử dụng một xe thu gom duy nhất, sau đó tập kết tại điểm cố định. Xe chở rác lại đưa tất cả các loại rác (đã phân loại) lên một chiếc xe và đưa về bãi tập kết.

“Cần phải có giải pháp đồng bộ, nếu không sẽ dẫn tới việc rác được phân loại từ đầu nguồn nhưng sau đó lại bị trộn lẫn trong quá trình vận chuyển, thu gom” - GS Chi nói.

Phát biểu thảo luận về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 14, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, việc đưa ra hình thức xử phạt là bất cập khi chưa có văn bản hướng dẫn phân loại rác từ phía Bộ TNMT.

Trong khi đó, ông Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường cho biết, muốn thực hiện được phân loại rác tại nguồn thì phải đồng bộ 3 việc là phải mua bao bì chứa rác theo quy định, phân loại rác tại nguồn, chuyển giao rác thải cho đơn vị dịch vụ. Khi mà chưa thể đồng bộ 3 việc này thì khó thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn và xử phạt vi phạm.

Một số ý kiến còn bày tỏ lo ngại khi tiến hành xử phát sẽ xảy ra việc đổ rác sang nhà khác, đổ ra đường giao thông, ao hồ, sông suối, nơi công cộng....

Vì thế, để không còn loay hoay trong việc xử phạt vi phạm không phân loại rác thải từ đầu nguồn, cùng với việc tuyên truyền, giải thích thì rất cần sự đồng bộ của các cơ quan chức năng; không để “vênh nhau” giữa các quy định. Ai cũng biết rằng cần phải giữ gìn vệ sinh môi trường, hành vi tác động xấu tới môi trường phải bị xử lý. Nhưng muốn thế thì rất cần có sự thống nhất trong quy định phân loại rác thải để mọi người cùng thực hiện, cũng như phải khách quan trong việc xử phạt

AN HÀ

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/loay-hoay-xu-phat-5697779.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ