A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ea Siên - "Điểm sáng" về xóa đói giảm nghèo trong đồng bào DTTS

15:47 | 11/11/2014

Xã Ea Siên cách trung tâm thị xã Buôn Hồ khoảng 18 km về phía Đông Nam, với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), gồm: Nùng, Tày, Dao, Xê Đăng, Êđê và Kinh.

 Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là chương trình xóa đói giảm nghèo.
Là một trong những hộ định cư sớm nhất ở xã Ea Siên, ông Chu Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã cảm nhận sâu sắc sự đổi thay của “quê hương thứ 2” sau hơn 20 năm thành lập. Minh chứng về điều này, ông đưa chúng tôi đi thăm chiếc cầu Suối Đục - nối thôn 7 xã Ea Phê (huyện Krông Pak) với xã Ea Siên, rồi ông hồ hởi khoe: “Trước năm 2013, khi chưa có chiếc cầu kiên cố này, việc tiêu thụ nông sản thường bị tư thương ép giá. Nguy hiểm nhất khi mùa mưa về, lúc ấy suối Đục đỏ ngầu, nước dâng lên, chảy cuồn cuộn và số phận của con người, nông sản đều phó mặc cho sự may rủi. Còn bây giờ, nông sản, hàng hóa lưu thông thuận lợi hơn, chưa kể nhiều xe khách, xe tải từ huyện Krông Pak đi thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng, huyện Krông Buk đều qua chiếc cầu này thay vì phải chạy vòng lên TP. Buôn Ma Thuột như trước đây”. Sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên việc canh tác của bà con nơi đây hết sức bấp bênh, năng suất không cao. Lại thêm giao thông khó khăn, nên Ea Siên gặp rất nhiều trở ngại trong thông thương, tiêu thụ sản phẩm. “Đẩy mạnh nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa là điều gần như không thể, công tác giảm nghèo thực sự trở thành gánh nặng đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, nếu như không  tháo gỡ bài toán về giao thông”, ông Thành nhớ lại. Ước mơ, khát khao cháy bỏng của người dân "ốc đảo" khốn khó này về một con đường, một chiếc cầu đã thành hiện thực, khi sau năm 2005 đến nay, 2 tuyến đường từ trung tâm thị xã Buôn Hồ vào xã đã được nâng cấp, trải nhựa. Vùng đất Ea Siên heo hút đang dần chuyển mình, trở thành vùng chuyên canh ngô, cà phê rộng lớn nhất, nhì thị xã, với trên 2.000 ha. Ông Nông Văn Công, dân tộc Tày (thôn 5) - một nông dân điển hình của xã, vinh dự được báo cáo tham luận tại Đại hội đại biểu các DTTS thị xã lần thứ II năm 2014 chia sẻ: “Cũng như nhiều hộ từ các tỉnh phía Bắc vào đây lập nghiệp, kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân là do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Không cam chịu đói nghèo, tôi động viên các thành viên trong gia đình cố gắng lao động, phát triển sản xuất theo hướng đa cây, đa con để tránh rủi ro. Với mô hình vườn, ao chuồng kết hợp, mỗi năm gia đình tôi luôn có nguồn thu ổn định từ 90-100 triệu đồng”.

Cầu Suối Đục (xã Ea Siên) được Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố,  không còn là nỗi ám ảnh của bà con mỗi khi mùa mưa đến.

Cầu Suối Đục (xã Ea Siên) được Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố, không còn là nỗi ám ảnh của bà con mỗi khi mùa mưa đến.

Ngoài thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho vùng có đông đồng bào DTTS như: vay vốn ưu đãi, giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, kéo điện thắp sáng, đào tạo nghề, hỗ trợ giống vật nuôi, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Ea Siên đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn cho từng năm, trong đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, khai thác diện tích đất canh tác, các nguồn lực lao động để phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, chỉ đạo cán bộ khuyến nông - khuyến lâm, cán bộ phụ trách thôn xuống cơ sở, hướng dẫn, giúp đỡ bà con chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi song song với áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, vụ hè thu năm 2014, được sự quan tâm của Phòng Kinh tế thị xã, thôn 1B (xã Ea Siên) được đầu tư kinh phí xây dựng cánh đồng ngô mẫu lớn rộng 40 ha, với sự tham gia của hơn 50 hộ nông dân. Ngoài hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật, Phòng Kinh tế còn là cầu nối giữa doanh nghiệp với bà con nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.  Nói về hiệu quả của cây ngô, anh Chu Văn Nước, thôn 1B cho biết: “Bà con nông dân rất phấn khởi trồng ngô theo mô hình cánh đồng mẫu lớn bởi năng suất tăng gần gấp đôi so với cách trồng cũ. Tuy giá tại thời điểm thu hoạch không cao như dự kiến, nhưng năng suất ngô đạt trên 9 tấn/ha, người trồng ngô vẫn có lãi khoảng 30 triệu đồng/1 ha. Thấy vậy, bà con tiếp tục tuân thủ trồng ngô cùng thời vụ, cùng giống, cùng áp dụng phương pháp canh tác để nâng cao giá trị sản xuất, góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích”.

Nhờ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã Ea Siên đã đạt được nhiều kết quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống của người dân. Năm 2009, xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 17,5% (tương đương 251 hộ), đến cuối năm 2013 giảm xuống còn 8% (115 hộ), trung bình mỗi năm giảm 2,5% hộ nghèo...

 Gia Nguyên

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ