A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

CƠ HỘI NÀO CHO LAO ĐỘNG MẤT VIỆC, THIẾU VIỆC? : Chính sách chưa đi vào cuộc sống

10:46 | 29/12/2022

Các chính sách đều nhằm hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề, duy trì việc làm ổn định, giúp doanh nghiệp phát triển nhưng khi thực hiện vẫn còn hạn chế

Trong 12 chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ với mức độ triển khai thấp nhất.

Điều kiện, tiêu chuẩn thụ hưởng bất cập

Nhiều nguyên nhân khó khăn được các bên liên quan đưa ra như: điều kiện xét hưởng khá chặt; thời điểm thực hiện trong bối cảnh nhiều địa phương đang phòng chống dịch nên các hoạt động đào tạo khó thực hiện; sau giãn cách các doanh nghiệp (DN) tập trung phục hồi sản xuất - kinh doanh không thể bố trí lao động để đào tạo lại...

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN; thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết trong quá trình theo dõi thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ, nhiều DN lớn và DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa thực sự quan tâm việc nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho NLĐ.

Theo ông Dũng, có thể các DN e ngại trong việc làm thủ tục, cả việc phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo. Thực tế, các thủ tục của chính sách này khá giản đơn và linh hoạt nhưng có thể trong giai đoạn phòng chống dịch nên DN chưa quan tâm. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty TNHH Sản xuất First Solar Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM), một chính sách rất ý nghĩa cho cả người sử dụng lao động và NLĐ nhưng lại được thực hiện trong khoảng thời gian quá gấp rút khiến DN khó thực hiện.

Bên cạnh đó, thủ tục nghe qua đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy không đơn giản chút nào. Việc liên kết với các đơn vị đào tạo theo danh mục cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, số tiền nếu đủ điều kiện được thụ hưởng cũng thấp nên DN không mặn mà.

CƠ HỘI NÀO CHO LAO ĐỘNG MẤT VIỆC, THIẾU VIỆC? (*): Chính sách chưa đi vào cuộc sống - Ảnh 1.

Để chủ động nguồn nhân lực, các doanh nghiệp cần mở rộng liên kết đào tạo với nhà trường

Bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng tỏ ra tiếc nuối khi một chính sách kịp thời, tiếp sức cho NLĐ lại có kết quả không như kỳ vọng. Bà Minh cũng nhìn nhận chính sách này khi triển khai còn nhiều vướng mắc liên quan đến tiêu chí thụ hưởng và thời gian thực hiện. Trong đó, DN phải chứng minh doanh thu giảm hoặc thay đổi công nghệ sản xuất trong bộ tiêu chí được thụ hưởng chính sách.

Trong quá trình tham gia trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các DN chuẩn bị hồ sơ, VCCI nhận thấy sự phối hợp giữa các cơ sở GDNN với DN trong xây dựng phương án đào tạo về thời gian, vị trí việc làm chưa phù hợp; điều kiện, tiêu chuẩn đưa ra để thụ hưởng cũng còn những bất cập. "Có rất nhiều DN tích cực chuẩn bị hồ sơ nhưng đến giai đoạn cuối cùng lại xin rút. Như vậy, có thể không phải chính sách gây khó, nhưng trong quá trình thực hiện, tiêu chí quy định chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của DN" - bà Minh nói.

Khó tiếp cận với đào tạo nghề

Từ lâu, chính sách hỗ trợ học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được đánh giá là kém hiệu quả. Bởi tỉ lệ NLĐ hưởng BHTN có nguyện vọng học nghề chỉ ở mức 3%-5%. Do vậy, một số bất cập đã được điều chỉnh như: chi phí đào tạo nghề, liên kết đào tạo... nhưng người thất nghiệp vẫn khó tiếp cận với đào tạo nghề miễn phí.

Theo thống kê năm 2020, TP HCM có hơn 195.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN) nhưng chỉ gần 7.000 người đăng ký học nghề; Bình Dương có hơn 102.000 người mất việc nhưng chỉ khoảng 3.000 lao động muốn học nghề. Số liệu từ cơ quan BHXH cho thấy trong gần 1,1 triệu người hưởng TCTN năm 2020 của cả nước, chỉ 16.000 người có nhu cầu học nghề để chuyển đổi công việc.

Thất nghiệp từ giữa tháng 10-2022, chị Đặng Thị Ngạn (42 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm mới dù có hơn 15 năm làm công nhân may. Chị cho biết đang làm thủ tục hưởng TCTN và muốn học nghề để thay đổi công việc. "Tôi muốn học cắm hoa nghệ thuật nhưng học phí vượt quá số tiền quỹ BHTN hỗ trợ. Nếu bỏ thêm tiền túi thì tôi không đủ khả năng bởi còn rất nhiều thứ phải chi tiêu" - chị Ngạn bày tỏ.

Tương tự, dù có nguyện vọng học sửa chữa điện thoại nhưng anh Lê Văn Hiển (38 tuổi, huyện Hóc Môn, TP HCM), lực bất tòng tâm. "Chi phí khóa học 3 tháng là 12 triệu đồng trong khi mức hỗ trợ từ BHTN chỉ 1,5 triệu đồng/tháng. Tôi đang thất nghiệp phải chi tiêu dè sẻn nên không đủ khả năng bù vào phần còn thiếu" - anh Hiển nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách đào tạo nghề của BHTN chưa hấp dẫn NLĐ. Quy định học nghề từ 3-6 tháng khó để đào tạo nghề chuyên sâu, chỉ ở mức sơ cấp. Một số nghề đào tạo không phù hợp nhu cầu tuyển dụng. Những người có tay nghề cao, khi mất việc họ muốn học lớp trình độ tương đương trung cấp, cao đẳng thì các khóa đào tạo miễn phí không đáp ứng được. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở nhiều trường nghề thiếu trang thiết bị phục vụ giảng dạy, chương trình chưa đa dạng khiến việc dạy nghề không theo kịp nhu cầu thị trường lao động.

Kỳ tới: Hỗ trợ cần căn cơ, lâu dài

Bài và ảnh: GIANG NAM

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/cong-doan/co-hoi-nao-cho-lao-dong-mat-viec-thieu-viec-chinh-sach-chua-di-vao-cuoc-song-20221228201230197.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ