A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người lao động đỏ mắt tìm việc

14:48 | 23/02/2023

Từ đầu tháng 2 tới nay, nhiều người lao động phổ thông đã trở lại các tỉnh phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... để tìm việc, nhưng đều phải mang hồ sơ về.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, tình hình thị trường lao động thời điểm này khá trầm lắng. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế dự báo, nhu cầu việc làm sẽ sớm tăng trong thời gian tới; các mô hình đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng đang gấp rút được triển khai...

Từ đầu năm tới nay, do ít đơn hàng nên công nhân tại nhiều khu công nghiệp không phải làm tăng ca.

“Săn” việc làm tại khu công nghiệp - khu chế xuất

Ghi nhận tại khu chế xuất (KCX) quận 7, KCX Linh Trung, Khu công nghệ cao (TPHCM); KCN Sóng Thần, KCN VSIP 1 (Bình Dương); KCN Biên Hòa 2, KCN Dầu Giây (Đồng Nai)… những ngày này rất ít doanh nghiệp (DN) đăng thông tin tuyển dụng lao động. Đặc biệt, một số khu công nghệ cao TPHCM hoàn toàn không có nhu cầu tuyển dụng.

Anh Nguyễn Văn Phú (35 tuổi) quê ở Phú Yên cho biết, anh vào TPHCM với mong muốn kiếm được việc làm ổn định tại một công ty nào đó, tuy nhiên gần 2 tuần nay đi các khu công nghiệp nhưng anh Phú vẫn chưa tìm được. “Rất ít DN đưa ra thông báo tuyển dụng lao động mới. Trường hợp có DN tuyển dụng thì đặt ra yêu cầu tay nghề cao nên tôi không đủ điều kiện” - anh Phú nói.

Ông Trần Việt Hải (quê Hà Tĩnh) cũng có một tình cảnh tương tự. Rời quê hương vào Bình Dương tìm việc ở vị trí vận hành máy gỗ công nghiệp nhưng đến nay đã gần 1 tháng vẫn chưa có nơi nào tiếp nhận. Ông Hải cho biết, gần 10 năm làm cho một công ty chuyên về chế biến gỗ và nội thất, nhưng đến cuối năm 2022, công ty liên tục thiếu hụt đơn hàng nên buộc phải cắt giảm nhân lực. Nhiều công nhân của công ty này, trong đó có ông Hải phải nghỉ việc. “Vào Bình Dương với mong muốn sẽ xin được vào làm tại một vị trí phù hợp với chuyên môn. Thế nhưng hơn 3 tuần nay, tôi đã đến 12 công ty gỗ ở Bình Dương thì cả 12 công ty đều lắc đầu, không tuyển thêm. Có 2 công ty nói tôi để lại hồ sơ để khi có việc sẽ gọi đi làm” - ông Hải tâm sự.

Còn bà Bùi Thị Hoa (quê Sóc Trăng) than thở, bà đã từng làm việc tại một công ty điện tử ở KCN Sóng Thần. Thế nhưng trong 10 ngày gần đây, bà Hoa đi khắp nơi tìm việc theo chuyên môn cũ mà không được. “Có nơi không nhận tuyển thêm, có nơi yêu cầu chứng chỉ nghề. Giờ tìm việc khó quá” - bà Hoa ưu tư.

Ngày 21/2/2023, vào vai công nhân tìm việc, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã liên hệ với bộ phận tuyển dụng của một công ty sản xuất hóa chất tại KCN Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai để xin việc thì được biết, hiện nay công ty không tuyển người làm vì đơn hàng ít. “Có thể, tầm 3 - 4 tháng nữa mới có nhu cầu tuyển người” - cán bộ phụ trách tuyển dụng lao động của doanh nghiệp này cho hay.

Thông tin về tình hình lao động sau Tết Nguyên đán Quý Mão, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đóc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, khảo sát hơn 500 DN trên địa bàn cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết thấp hơn so với mọi năm, trong quý 1/2023, nhu cầu sử dụng lao động tại TPHCM là hơn 14.300 lao động, trong đó chủ yếu ở lĩnh vực may mặc, da giày chiếm tỉ lệ cao.

Một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai để tấm bảng tuyển dụng sơ sài, số lượng ít Ảnh: Mạnh Thìn.

Thiếu đơn hàng trầm trọng

Từ cuối năm 2022, tình hình kinh tế thị trường có nhiều biến động khiến không ít DN chủ động thu hẹp quy mô, tập trung vào những sản phẩm trọng yếu. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Minh Hưng (Bình Dương) chia sẻ, bất đắc dĩ lắm mới phải cắt giảm lượng lao động. “Nhiều công nhân đã gắn bó lâu năm với DN mà phải nghỉ việc, chúng tôi rất tiếc nhưng không còn cách nào. DN đang gặp khá nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, thiếu vốn hoạt động sản xuất. Mong kinh tế khởi sắc trở lại để người lao động có việc làm ổn định” - ông Tuấn nói. Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina (Đồng Nai) Đinh Sỹ Phúc cho biết, trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2023 có 99% trong tổng số hơn 35.000 lao động trở lại làm việc sau đợt nghỉ Tết.

“Mặc dù vẫn còn khó khăn về đơn hàng nhưng tình hình sản xuất đã đi vào khuôn khổ với lượng lao động ổn định” - ông Phúc đánh giá. Theo khảo sát, tại các DN lớn ở Đồng Nai như: Công ty cổ phần Taekwang Vina; Công ty TNHH Pouchen Việt Nam; Công ty TNHH Changshin Việt Nam… đang “bật chế độ” chưa tuyển dụng lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, khảo sát nhanh tại 284 DN trên toàn tỉnh, kết quả có 227 DN bị ảnh hưởng về giảm đơn hàng, giảm quy mô sản xuất, dẫn đến giảm doanh thu (chiếm 80%); 135 DN thiếu nguồn vốn và 114 DN thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu; 110 DN có hàng hóa sản xuất ra nhưng không xuất khẩu được hoặc không có đầu ra để phân phối.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM khẳng định: “Tình hình sản xuất của DN các ngành khá ảm đạm”. Ông Hòa dẫn chứng, với ngành chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng. Cụ thể: 10% DN còn 50% đơn hàng, 50% DN còn 30 - 40% đơn hàng, các DN còn lại là không có đơn hàng. Riêng ngành dệt may, do lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU nên lượng tiêu thụ giảm tới 60%. Hệ lụy, tồn kho tăng lên chiếm 20 - 25% dẫn đến quý 4/2022 và quý 1/2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới. Chẳng đặng đừng, DN buộc thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Đơn cử, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Tân Bình) sẽ không tái ký hợp đồng với khoảng 3.000 lao động có hợp đồng lao động từ 1 – 3 năm khi hết hạn hợp đồng cũ.

Giải bài toán thị trường lao động

Ông Trịnh Đức Tài - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh Xã hội tỉnh Bình Dương cho rằng, tình trạng người lao động ở một số nơi trên địa bàn tỉnh khó xin việc làm có 2 nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất do các DN thiếu hụt đơn hàng hoặc không đủ vốn để tái đầu tư sản xuất dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất. Thứ hai, đó là việc DN tuyển ít lao động, và trong khi nguồn cung lao động không giảm, DN phải chọn những lao động có trình độ, tay nghề cao vào làm việc phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, từ tháng 6/2022 đến đầu năm nay, dưới tác động tiêu cực của tình hình thế giới, nguồn cung nguyên vật liệu, xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng đã tác động rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh đơn hàng của DN trên địa bàn. Cũng theo Sở này, tình hình lao động trong các DN nhỏ và vừa dự báo sẽ tiếp tục có những biến động. Với những DN chủ yếu sử dụng lao động phổ thông sẽ thay đổi phương thức tuyển dụng theo hướng có chọn lọc. Nghĩa là, sẽ tuyển dụng lực lượng lao động trẻ, dưới 40 tuổi. Với các DN có yếu tố sử dụng lao động chất lượng cao ưu tiên người có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản và đúng chuyên môn thay vì tuyển “tay ngang” như trước đây.

Trong khi đó, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TPHCM dự báo các DN lĩnh vực dệt may – giày da vẫn đang tìm kiếm đơn hàng sản xuất cho đến tháng 6/2023 nên tình hình sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Với những DN tuyển dụng lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM liên tục tổ chức những các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp. Sắp tới, TPHCM sẽ mở sàn giao dịch việc làm chuyên đề cho bộ đội xuất ngũ, sàn giao dịch kết nối DN TPHCM với người lao động ở các địa phương khác.

Giải bài toán về thị trường lao động hiện nay, ông Trịnh Đức Tài cho rằng, chúng ta cần kiên nhẫn chờ kinh tế thế giới cũng như trong nước phục hồi, lúc đó tự khắc cầu sẽ tăng trở lại. Về lâu dài, người lao động cần phải nâng cao tay nghề, từ đó nâng cao năng suất lao động, đây là xu hướng tất yếu của thị trường lao động. Sở ngành chức năng đã và sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các trường nghề, trường trung cấp, trường cao đẳng nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của các DN trong bối cảnh hiện nay.

Với việc sụt giảm đơn hàng, toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 40.000 lượt lao động phải nghỉ việc tại 2.960 DN. Tình trạng này buộc các DN phải thỏa thuận bố trí ngày nghỉ hàng năm cho hơn 150.000 lao động; giảm giờ làm cho khoảng 48.000 lao động; trả lương ngừng việc cho gần 9.000 lao động và thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng với 5.000 lao động.

Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh:

Mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài

TPHCM sẽ phát huy hệ thống trường cao đẳng, đại học, các trường nghề để tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng thu hút đầu tư của thành phố. Trong tiến trình này, TPHCM cũng kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia cùng thành phố trong việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực. TPHCM mong muốn được hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài ở bậc giáo dục phổ thông, đặc biệt giáo dục nghề, đại học để có thể tiệm cận được với trình độ nhân lực của quốc tế.

Ông Trần Việt Anh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức:

Chú trọng nâng cao tay nghề người lao động

Cần phát triển nhiều trường dạy nghề nhằm đào tạo nghề cho người lao động một cách bài bản hơn. Tôi đọc được một báo cáo cho biết, năm 2022 có 228 người lao động và 2 DN được thành phố hỗ trợ dạy nghề với số tiền là 1,6 tỷ đồng. Con số này rất nhỏ so với nhu cầu thực thế. Theo tôi, thời gian tới việc dạy nghề hướng đến miễn phí hoàn toàn, như vậy mới thu hút được người lao động học nghề, học nghề công nghệ cao và đảm bảo ra trường có việc làm.

THANH GIANG (ghi)

T. GIANG - Q. ĐỊNH - M. THÌN
 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ