A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lao động thất nghiệp không "mặn" học nghề

09:15 | 22/04/2023

Cần có chính sách hỗ trợ để thu hút người học và tạo cho họ sự yên tâm trong suốt thời gian học nghề

Ngoài trợ cấp hằng tháng, người lao động (NLĐ) được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn được hỗ trợ học nghề. Mỗi tháng NLĐ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho đào tạo nghề, thời gian học không quá 6 tháng. Chính sách này giúp NLĐ có thể chuẩn bị tốt hơn trước khi tìm kiếm một công việc mới. Tuy nhiên, hiện hầu hết NLĐ khi bị mất việc thường lựa chọn giải pháp hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) mà không mấy quan tâm đến học nghề bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thủ tục nhiêu khê

Sau 8 năm làm công nhân, cuối năm 2023, anh Đỗ Văn Ngọc Đức (30 tuổi; ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) thất nghiệp do công ty giải thể. Anh đi làm thủ tục hưởng BHTN để có tiền chi tiêu trong quá trình tìm việc mới.

Khi đến làm thủ tục, anh Đức được tư vấn và giới thiệu học nghề miễn phí. Các nghề cắt may, làm bánh, đầu bếp... không phù hợp nên anh mong muốn được học lái xe. Sau đó, anh được tư vấn những hồ sơ cần thiết để được hỗ trợ học nghề ngoài danh mục có sẵn. Do thấy thủ tục quá nhiêu khê, anh đã tự bỏ tiền đi học. "Tôi tính sơ cũng 5-6 loại giấy tờ chứng minh để nhận gói hỗ trợ học nghề. Thật sự quá khó mà mức hỗ trợ chưa bằng 1/4 số tiền cho khóa học lái xe nên tôi tự đi học cho nhanh" - anh Đức cho biết.

Còn chị Lương Thị Tuyết (32 tuổi, quê Trà Vinh) và 2 người bạn cùng cảnh ngộ thất nghiệp cho biết cuối tháng 3 vừa qua, khi đến một trung tâm dịch vụ việc làm để làm thủ tục hưởng trợ cấp BHTN, cả 3 người không hề được tư vấn học nghề. Chị Tuyết cho rằng có thể số lượng người đến làm quá đông nên nhân viên tại đây không có đủ thời gian tư vấn.

"Họ chỉ nhận hồ sơ, xem có đủ hay thiếu gì không rồi nói về chờ ngày lấy kết quả. Chúng tôi cũng không tiện hỏi vì người quá đông. Sau này chúng tôi mới biết mình được hỗ trợ học nghề miễn phí" - chị Tuyết nói. Do vậy, 3 người tự tìm hiểu về các gói học nghề miễn phí nhưng cảm thấy không có nghề nào phù hợp. Thời gian và hình thức đào tạo cũng làm khó người đi học. Vì vậy cả 3 quyết định chỉ nhận TCTN mà không tham gia học nghề.

Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, hiện Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể nghề được hỗ trợ mà chỉ quy định về các điều kiện, mức tiền, thời gian hỗ trợ học nghề và trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện cho NLĐ tham gia BHTN.

Do đó, bất kể nghề nào thuộc danh mục nghề theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp thì NLĐ đều được hỗ trợ nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Ví dụ, NLĐ muốn học lái xe, cắt tóc, thợ may… nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì vẫn được hưởng và còn được hỗ trợ tìm kiếm việc làm.

Lao động thất nghiệp không mặn học nghề - Ảnh 1.

Cần có nhiều ngành nghề hơn để người lao động lựa chọn

Cần sửa đổi

Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), quý I/2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 3 tăng 60%-70% so với tháng 2. Mặc dù tỉ lệ nộp hồ sơ hưởng BHTN ở mức cao, nhất là từ khi có dịch COVID-19 nhưng số người thất nghiệp lựa chọn học nghề chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số người đề nghị hưởng TCTN. Từ năm 2015 đến nay, số người có quyết định hỗ trợ học nghề gần 30.400 người/năm, chiếm 4% số người có quyết định hưởng TCTN hằng năm.

Tại tọa đàm "Hiểu đúng về BHTN - Giá đỡ với NLĐ Việt" do Cục Việc làm tổ chức mới đây, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội, cho biết khi tham gia chính sách BHTN, ngoài được hưởng TCTN, NLĐ còn được hỗ trợ học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, thẻ BHYT trong thời gian hưởng TCTN. Tuy nhiên, tỉ lệ người hưởng TCTN đăng ký học nghề quá thấp là vô cùng đáng tiếc. "Đây là quyền lợi mà nhiều NLĐ bỏ quên. Chúng tôi đã cố gắng thông tin, tuyên truyền rất nhiều để NLĐ hiểu họ có được nhiều quyền lợi hơn chứ không phải khoản tiền TCTN" - bà Liễu nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề này, Bộ LĐ-TB-XH cho biết dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang đề xuất bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Các chính sách cũng hướng đến việc tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng NLĐ chỉ nhận TCTN.

Do đó, cần bổ sung quy định những người đang tham gia BHTN đều được tư vấn, giới thiệu, cung ứng việc làm miễn phí, quy định phạm vi và nội dung hỗ trợ (đi lại, ăn, ở…). Bên cạnh đó, lần sửa đổi này cũng sẽ nhấn mạnh vai trò của chủ sử dụng lao động về các hoạt động đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ ngay trong quá trình làm việc.

Bài và ảnh: TRUNG NAM

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/cong-doan/lao-dong-that-nghiep-khong-man-hoc-nghe-20230421193046862.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ