A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trẻ em sử dụng mạng xã hội sao cho đúng…?

15:44 | 21/08/2023

Đây có lẽ là câu hỏi tưởng chừng đơn giản, song lại đang là băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh.

Trẻ em sử dụng mạng xã hội sao cho đúng đang phụ thuộc cả quan điểm, sự nhìn nhận của chính người lớn, thậm chí cả các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ.

Không nên “cứ sợ là cấm”

Tôi có dịp tham gia một cuộc họp phụ huynh đầu năm học mới 2022-2023 của khối lớp 8, khi giáo viên chủ nhiệm đưa ra vấn đề có nên cấm học sinh mang điện thoại đến trường hay không?. Trước khi đưa ra câu hỏi này, giáo viên chủ nhiệm phản ánh: các học sinh hiện nay đều tự do mang điện thoại thông minh đến trường. Cứ mỗi lần ra chơi, thay vì tranh thủ quỹ thời gian ít ỏi đó để vận động, giao lưu với bạn bè, các em cứ dúi dụi vào điện thoại để chơi game, chát chít…?

Vấn đề của giáo viên chủ nhiệm đặt ra đã nhận được sự quan tâm thảo luận của các bậc phụ huynh. Có phụ huynh thẳng thắn nêu ý kiến nhà trường nên cấm tiệt, không cho học sinh mang điện thoại đến trường, vì không thể kiểm soát được các em sử dụng vào việc gì, lại sao nhãng việc học tập. Có ý kiến lại bày tỏ quan điểm, không nhất thiết cứ sợ là cấm, bởi các con bây giờ cũng cần cập nhật kiến thức, phục vụ việc học tập và giải trí. Quan trọng hơn, khi cần đưa đón hay có việc gì, các em còn có điện thoại để nhắn tin, gọi cho cha mẹ. Có ý kiến trung hòa hơn lại cho rằng nên cho học sinh sử dụng điện thoại “cục gạch” chứ ko nên cho mang điện thoại thông minh đến trường…

Chỉ một chủ đề tưởng chừng là nhỏ, hóa ra lại khá phức tạp. Bởi theo giáo viên, việc cấm hay không, sử dụng điện thoại thế nào bắt đầu từ các bậc phụ huynh. Bởi nhà trường không thể tịch thu điện thoại các em khi không có quy chế chung như vi phạm sử dụng điện thoại trong giờ kiểm tra, giờ thi… vì điện thoại cũng là tài sản cá nhân. Chưa kể, các em hiện nay còn sử dụng mạng xã hội như một diễn đàn để học nhóm, trao đổi thông tin, bài vở.

Qua câu chuyện nhỏ này, có lẽ nhiều người hiểu ra không phải cái gì người lớn chưa kiểm soát được cũng đều có quyền cấm mà nên giải quyết theo hướng chung tay để trẻ tiếp cận mạng xã hội sao cho đúng. Đúng ở đây là đúng với mục đích, phù hợp với lứa tuổi về mặt nội dung và đúng cả thời gian, hoàn cảnh sử dụng mạng xã hội của trẻ.

Trên thực tế, khi hiểu được sự ảnh hưởng của mạng xã hội đối với trẻ em nên nhiều bậc phụ huynh cấm tuyệt đối con sử dụng thiết bị điện tử. Tuy nhiên, điều này rất dễ phản tác dụng vì trẻ nhỏ thường thích khám phá, có tính tò mò cao.

Việc mà bố mẹ càng cấm càng kích thích, khiến trẻ lén dùng mạng xã hội hơn. Do đó, thay vì cấm con thì các bậc phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn, đúng cách và có văn hóa.

Nên bắt đầu từ người lớn

Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trẻ emViệt Nam sử dụng mạng xã hội từ 5 – 7 giờ/ngày. Trong đó, chỉ có khoảng 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 -17 được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Trong khi đó, đa phần trẻ em hiện nay, kể cả bậc mầm non đều tiếp cận với Internet.

Trẻ được tiếp cận Internet với các nền tảng mạng xã hội vừa là điều kiện để các em khám phá thế giới trẻ thơ qua từng lứa tuổi, vừa giao lưu, tương tác xã hội lại vừa giúp ích cho việc cập nhật, bổ sung kiến thức học tập…

Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội đối với trẻ em cũng không phải là ít. Với ngồn ngộn thông tin, trong đó có cả thông tin tốt và cả không tốt đối với lứa tuổi của trẻ có thể tiếp cận. Việc sử dụng mạng xã hội thiếu kiểm soát dễ ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần của trẻ. Hơn thế, trẻ rất dễ bị lôi kéo, rơi vào bẫy của người lạ trên mạng, tiếp cận với những nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm; bị phát tán thông tin riêng tư, bị bắt nạt trực tuyến, bị lôi kéo, quấy rối, lừa đảo, tống tiền, dọa nạt, ép tham gia các hoạt động phi pháp…

Văn hóa là một phần không thể thiếu tạo nên nền tảng tinh thần của các em. Một không gian văn hóa mới cũng hình thành trên mạng Internet, với sự tham gia của toàn xã hội.

Vì vậy, trẻ em được quyền tiếp cận văn hóa, tri thức qua thành tựu công nghệ, đó là điều không thể phủ nhận. Còn sự tiếp cận đó như thế nào, đó là trách nhiệm của nhiều đối tượng, từ các nhà mạng, nhà sản xuất chương trình đến phụ huynh và cả nhà trường…

Để trẻ tiếp cận mạng xã hội an toàn, đương nhiên chúng ta không thể bỏ qua các quy tắc về giờ giấc, thời gian sử dụng mạng xã hội của trẻ. Tuy nhiên, một số vấn đề mà ngay cả chính người lớn cũng ít quan tâm khiến trẻ sử dụng mạng xã hội có nhiều nguy cơ mất an toàn hơn.

Các chuyên gia đã khuyến cáo, những thông tin về tên tuổi, trường lớp, địa chỉ nhà, ảnh… của trẻ là những thông tin cá nhân cần được bảo mật tuyệt đối và không nên chia sẻ trên mạng xã hội.

Đối với trẻ còn nhỏ, những bài mà bé đăng trên mạng xã hội cần được hạn chế người xem để tránh bị dòm ngó từ người lạ.

Thực chất, mạng xã hội là con dao hai lưỡi, do đó bố mẹ hãy luôn nhắc nhở trẻ trước khi bình luận hay chia sẻ thông tin gì phải cân nhắc và suy nghĩ kỹ. Nhiều trẻ nhỏ nghĩ rằng mạng xã hội là ảo, có làm gì cũng không ảnh hưởng đến bản thân và người khác. Tuy nhiên, mạng xã hội là một xã hội thu nhỏ, tất cả những hành vi ứng xử trên mạng của trẻ đều ảnh hưởng tới bản thân và mọi người.

Tất cả những hành động không suy nghĩ của trẻ như: bình luận cổ vũ bạo lực, chỉ trích hay chê bai… sẽ khiến người khác cảm thấy buồn và mặc cảm. Nghiêm trọng hơn, những từ ngữ quá khích có thể khiến người khác tổn thương về tinh thần, dẫn đến trầm cảm.

Do đó, các bậc phụ huynh nên giải thích tường tận về chủ đề trẻ em và mạng xã hội để cho con hiểu. Đồng thời, dạy trẻ hãy sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, không hùa theo cộng đồng để miệt thị, chửi rủa người khác, thậm chí bạo hành nhóm trên mạng.

Các bậc phụ huynh nên thống nhất và giới hạn về thời gian và mục đích sử dụng mạng xã hội cho trẻ. Khi có được một quy tắc tốt, trẻ sẽ có thói quen về quỹ thời gian phù hợp cho học tập, vui chơi…

Một kinh nghiệm khá thú vị mà nhiều phụ huynh đã từng chia sẻ nữa đó là chúng ta hãy đồng hành cùng trẻ, tham gia bình luận về các trang truy cập, các trò chơi của trẻ hay hỗ trợ trẻ một số tìm kiếm trong học tập… để kiểm soát tốt hơn vấn đề tiếp cận mạng xã hội của con mình.

Đức Diệu

Bài viết gốc: https://baodaknong.vn/tre-em-su-dung-mang-xa-hoi-sao-cho-dung-160069.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ