A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Năm học mới lại lo học phí

09:07 | 12/08/2016

Các thí sinh đang bước vào đợt đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ 2016. Ngoài điểm số, uy tín của các nhà trường thì nhiều thí sinh ở tỉnh lẻ cũng băn khoăn về vấn đề học phí.

Bởi hiện nay, một số trường ĐH thực hiện cơ chế tự chủ, có mức học phí khá cao. Có trường mức thu học phí cao nhất lên tới 17 triệu đồng/ năm học (10 tháng).
 

Năm học mới, nhiều trường tăng học phí.

Nhiều trường sẽ tăng học phí 

Theo lãnh đạo trường ĐH Kinh tế quốc dân, năm học mới 2016-2017, học phí các ngành đại trà của trường sẽ tăng 30%. Mức tăng này đúng lộ trình quy định, có tính toán để tạo điều kiện tối đa cho học sinh học tập.

Theo đó, 5 ngành và chuyên ngành xã hội hóa cao có mức học phí cao nhất là 17 triệu đồng/ năm học (10 tháng). Các ngành và chuyên ngành thuộc nhóm 2 có mức học phí 14,5 triệu đồng/ năm học; nhóm 3 gồm các ngành và chuyên ngành được khuyến khích phát triển mức học phí thấp nhất 12 triệu đồng/ năm học.

Còn tại ĐH Ngoại thương, hiện nay học phí chương trình tiên tiến là cao nhất, các ngành ĐH đại trà bằng nhau. Hiệu trưởng Bùi Tuấn Anh chia sẻ: Nhà trường điều chỉnh học phí cố gắng mỗi năm tăng khoảng 10% nhưng có lộ trình để không tạo ra cú sốc cho sinh viên, xã hội.

Theo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường giai đoạn 2015 - 2017, mức thu học phí tối đa các ngành ĐH đại trà, hệ chính quy năm học 2016 - 2017 là 16 triệu đồng/năm. 

Ông Nguyễn Xuân Trạch- Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho hay: Nhà trường cũng đang áp dụng mức học phí nằm trong lộ trình cho phép. Năm học 2016 - 2017, học phí ngành nông, lâm, thủy sản 730.000 đồng/tháng; khoa học xã hội, kinh tế, quản lý, kế toán 745.000 đồng/tháng; khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, cơ điện 880.000 đồng/tháng; thú y 1.080.000 đồng/tháng.

Nói về lo lắng của sinh viên với mức tăng học phí cao nhất lên tới 17 triệu đồng/ năm, GS.TS Phạm Quang Trung- Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ: Sự băn khoăn của dư luận và sinh viên về vấn đề học phí, không phải do nhà trường không thông báo trước.

Mà nhà trường đã thông báo mức tăng này từ cách đây 6, 7 tháng nhưng lúc đó các em lại không quan tâm, vì còn đang tập trung vào học. Chuẩn bị bước vào năm học mới, các em vào mạng đăng ký học thì mới thấy số học phí mới hiện lên.

Một số em gần như lúc này mới để ý nên cho rằng đột ngột, đặc biệt là khi nhìn vào mức tăng học phí cao nhất của nhà trường, là mức 530 nghìn đồng/ tín chỉ. Nhưng các em cũng phải lưu ý rằng, khi mà đăng ký nhiều tín chỉ trong 1 năm thì sẽ học nhanh hơn nhưng tổng chi phí trong 1 năm cũng sẽ cao hơn. Còn các em học ở mức học bình thường thì học phí sẽ rải ra, và áp lực học phí sẽ đỡ hơn.

Mức tăng này có tính toán trên cơ sở các văn bản pháp quy của Chính phủ có quy định cụ thể các mức tăng học phí. Và trong số các trường được Chính phủ giao nhiệm vụ là các trường thực hiện cơ chế tự chủ, trong cơ chế tự chủ có tự chủ về tài chính. Thực ra điều này cũng gây sức ép đối với nhà trường về cân đối, nên một số ngành phải tăng lên.

Giải pháp cho sinh viên khó khăn

Trước việc tăng học phí, nhiều trường ĐH cho biết sẽ có hướng giải quyết để bài toán tăng học phí không làm khó cho các em đang có mong muốn nộp hồ sơ vào trường.

Với ĐH Kinh tế quốc dân, ông Trung nhận định: Nhiều em sinh viên thuộc diện khó khăn thì đúng là cũng đặt ra một bài toán khó. Vì vậy cần phải tính kỹ hơn về các biện pháp liên quan đến tín dụng sinh viên.

Chúng ta cố gắng tạo ra nhiều các cơ hội cho vay để cho các em sinh viên đều có cơ hội được theo nguyện vọng của mình, không để cho các em đỗ ĐH mà không thể theo học chỉ vì thiếu học phí. Sau này các em trả sau. Như vậy thì xã hội sẽ khai thác được nhân tài, các em cũng sẽ giúp ích được cho xã hội và gia đình. Đồng thời với các em học giỏi, học khá cũng sẽ có được thêm các suất học bổng để phần nào trang trải.

Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới nhà trường sẽ phải tính toán kỹ lại về mức tăng học phí. Thực hiện lộ trình có tính đến nhiều nhân tố, có cả nhân tố sức mua của xã hội, và khả năng chi trả. 

Chúng ta đang chuyển dần sang cơ chế thị trường, việc bao cấp như ngày xưa không tồn tại nữa. Cho nên chúng ta phải thực hiện hình thức xã hội hóa, nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước và nhân dân cùng lo về giáo dục đào tạo. 

Ông Trung cũng nói thêm: Khi có thêm nguồn lực về học phí thì sẽ có thêm điều kiện để mua sắm trang thiết bị, thay thế những hệ thống máy chiếu, máy tính, thư viện, giáo trình phục vụ cho các em.

Nhưng cũng phải khẳng định, không phải ngày hôm nay tăng học phí thì có nghĩa ngay ngày mai chất lượng đào tạo sẽ tăng lên. Quá  trình đào tạo là quá trình lâu dài. Nhưng số tiền tăng này nhà trường sẽ hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện điều kiện học hành cho các em như bố trí lại giảng đường, nâng cấp hệ thống… Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ hướng đến nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên...

Tạo cơ hội cho sinh viên vay vốn, hỗ trợ sinh viên cũng là giải pháp mà ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội thực hiện khi thí điểm tự chủ. “Đối với sinh viên nghèo, khi học ĐH sẽ được vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đóng học phí.

Tuy nhiên, với những em thuộc gia đình cận nghèo không đủ điều kiện để vay tiền ngân hàng, nhiều trường chọn giải pháp xây dựng quỹ học bổng khuyến khích học tập trợ giúp sinh viên có học lực khá; giới thiệu việc làm thêm” - lãnh đạo nhà trường cho biết. 

Còn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện học phí ngành nông, lâm, thủy sản áp dụng giống trường công lập chưa tự chủ. Đây cũng là một giải pháp để giúp những em ở vùng nông thôn.   

 T. Trang

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ