A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tiêu chí và sự minh bạch

08:08 | 27/02/2018

Nếu không có gì thay đổi, ngày mai (28-2), Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước sẽ báo cáo Thủ tướng về việc phong chức danh GS, PGS năm 2017.

Trước đó, dư luận lên tiếng về danh sách hơn 1.200 người được đề nghị phong GS, PGS của đợt năm 2017. Đó là con số rất lớn. Liệu trong số đó có không những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là về tiêu chí khoa học? Và đây có phải là “chuyến tàu vét” khi sắp tới tiêu chí đối với học hàm GS, PGS sẽ cao hơn trước.

Một buổi lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh cấp viện (Viện Nghiên cứu cơ khí, Trường ĐH Giao thông vận tải, năm 2017).


Trước dư luận băn khoăn về số lượng người được phong học hàm quá nhiều, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu rà soát việc phong GS,PGS năm 2017. Số lượng đề nghị phong hàm đợt này được coi là “có vấn đề” khi nó rơi vào trước thời điểm quy chế phong GS,PGS mới với những tiêu chuẩn khắt khe hơn được ban hành. Nhắc lại, ngày 8-2, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc số 1418/VPCP-KGVX gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, yêu cầu rà soát, xem xét lại để đảm bảo chất lượng GS,PGS được phong trong năm 2017. Công văn được gửi đi sau khi Hội đồng chức danh GS,PGS nhà nước công bố danh sách GS,PGS được phong năm 2017 gồm 1.226 người, tăng gần 60% so với năm 2016.

Công văn nêu rõ, nhiều thông tin, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, bày tỏ băn khoăn về con số GS,PGS được công nhận tăng đột biến cùng những lo ngại về chất lượng, như người được công nhận không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời gian giảng dạy, sản phẩm nghiên cứu khoa học... Cùng đó, đáng chú ý, một số thành viên hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế so với các ứng viên. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-2-2018.

Như vậy, rõ ràng là có vấn đề và Thủ tướng đã không bỏ qua.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi Thủ tướng, báo cáo rằng thường trực các hội đồng chức danh GS ngành đã khẩn trương rà soát hồ sơ các ứng viên, các vấn đề mà dư luận đặt ra liên quan tới việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS. Tuy nhiên, “do thời gian yêu cầu rà soát trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nên để đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy định”, Bộ trưởng  Bộ GD-ĐT đề nghị Thủ tướng cho phép lùi thời hạn báo cáo kết quả rà soát thêm 8 ngày, đến hết ngày 28-2, có nghĩa là ngay sau ngày hôm nay.

Được biết, trước thời hạn báo cáo Thủ tướng, ngoài việc báo cáo bằng văn bản, Hội đồng chức danh GS nhà nước sẽ triệu tập một cuộc họp có sự tham gia đầy đủ của 28 chủ tịch hội đồng ngành, liên ngành. Các chủ tịch hội đồng ngành, liên ngành sau khi nhận được công văn ngày 9-2 của chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước đã thông báo đến các thành viên hội đồng trước đó đã được giao thẩm định các hồ sơ rà soát đối với từng trường hợp ứng viên. Theo đó, nếu phát hiện vấn đề gì cần soát xét lại thì báo nhanh cho chủ tịch hội đồng ngành qua điện thoại hoặc email.

Về việc này, có ý kiến cho rằng, nếu vẫn để hội đồng ngành, liên ngành tự rà soát, kiểm tra lại kết quả trước đó do mình thông qua, đề nghị sẽ không khách quan, bởi như một lẽ đương nhiên họ sẽ phải bảo vệ việc làm của mình trước đó. Nếu có phát hiện thì con số cũng sẽ rất ít. Như vậy, con số hơn 1.200 GS,PGS mới cũng sẽ không rút đi là bao. Từ lẽ đó, cần có một hội đồng độc lập (không thuộc hội đồng ngành, liên ngành hoặc hội đồng cấp nhà nước nước) rà soát lại, để bảo đảm tính khách quan. Xét ra, đây cũng là một đề xuất cần được tham khảo. Thống kê của  Hội đồng chức danh GS nhà nước cho thấy, năm 2017, số ứng viên đạt kết quả tại 110 hội đồng chức danh GS cơ sở là hơn 1.400 người (trên 92%), tại 28 hội đồng GS ngành là hơn 1.230 người (trên 85%). Qua 3 cấp hội đồng chức danh GS cơ sở, hội đồng chức danh GS ngành và Hội đồng chức danh GS nhà nước, tổng số ứng viên đạt là gần 80%.

Việc rà soát lại danh sách GS,PGS mới được đề nghị lại nóng thêm khi có ý kiến liên quan đến Chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước. Ý kiến này được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, đưa đến nhiều băn khoăn. Trước khi có kết luận của cơ quan có trách nhiệm thì cũng không thể vội vã cho rằng đó là đúng, để rồi lên án người này, người khác. Hồ sơ khoa học để phong GS không hề đơn giản, nên để có kết luận đúng sai thì phải xem xét lại một cách rất kĩ càng, cẩn trọng, đặc biệt là với vị chủ tịch hội đồng. Cho tới nay, có thể nói quy trình xét học hàm GS, PGS được coi là khá chi tiết, chặt chẽ, bao gồm các bước:

-Hội đồng chức danh GS cấp cơ sở: Xét duyệt ở cấp trường (bước 1).

-Hội đồng chức danh GS cấp ngành: Xét duyệt bước 2.

-Hội đồng chức danh GS cấp nhà nước: Xét duyệt cuối cùng và công nhận đạt chuẩn.

Tất cả các khâu kể trên đều có thủ tục bỏ phiếu kín.

Cuối cùng, các trường đại học sẽ bổ nhiệm GS, PGS đã được Nhà nước công nhận.

Như vậy, trong trường hợp có ý kiến về vị Chủ tịch Hội đồng GS cấp nhà nước thì cũng rất cần có ý kiến rõ ràng, không thể để dư luận tiếp tục đồn đoán, suy diễn. Rõ ràng cũng chính là để xóa đi những đồn đoán, dị nghị đối với một vị trí khoa học khả kính, nếu người đó không có gì khuất tất.

Như đã nói, nếu không có gì thay đổi thì hôm nay sẽ có trả lời chính thức từ Hội đồng chức danh GS nhà nước về danh sách người được phong học hàm năm 2017. Và, cũng rất cần có sự xác quyết đối với những dư luận về vị chủ tịch hội đồng, vì đó là điều cần thiết, cần phải được làm sáng tỏ.

Suy cho cùng, mục đích cuối cùng của việc phong hàm GS,PGS là để đất nước có được một đội ngũ trí thức bậc cao đúng nghĩa, xứng đáng với tinh thần “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Cho nên, sự việc lại càng cần rõ ràng, minh bạch, khách quan, trung thực.   

Nam Việt

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ