A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tuyển sinh đã vào mùa

13:44 | 28/04/2018

Không quy định điểm sàn các khối thi, trừ ngành sư phạm

Thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi.

Mùa tuyển sinh 2018, Bộ GDĐT cho hay tuyển sinh vào ĐH,CĐ sẽ bỏ điểm sàn, hạ điểm ưu tiên khu vực, thay đổi cách làm tròn điểm... Đây là những điểm mới quan trọng mà thí sinh và phụ huynh cần lưu ý.

Cơ sở đào tạo tự chủ đầu vào và đầu ra

Cụ thể nội dung điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2018 như sau: Đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH,CĐ,TC căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. 

Theo các chuyên gia, việc Bộ GDĐT không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khiến cho các trường ĐH được tự chủ hơn trong việc xác định điểm chuẩn đối với những thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT.

Ông Nguyễn Thanh Chương- phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, việc Bộ GDĐT không quy định mức điểm sàn là tạo thêm quyền cho các trường được chủ động xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng. Với yêu cầu các trường ĐH hiện nay phải đáp ứng chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của xã hội nên các trường cũng phải đảm bảo yêu cầu của chuẩn đầu vào.

Trước những băn khoăn của dư luận về việc tự xác định điểm sàn, liệu có nảy sinh tình trạng  các trường lấy điểm đầu vào quá thấp? Ông Chương cho hay,  nếu có trường lấy đầu vào quá thấp so với mặt bằng chung thì người học và xã hội sẽ đánh giá chuẩn đào tạo của họ. Và đương nhiên khi mà thấp quá sẽ ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra.

Còn ông Trần Anh Tuấn- phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho rằng, nếu các trường ĐH hạ thấp điểm chuẩn sẽ hạ thấp uy tín và thương hiệu của nhà trường, dẫn tới xã hội và người học nghi ngờ về chất lượng đào tạo của trường. Do vậy, các trường cần thận trọng trong việc xác định mức điểm chuẩn xét tuyển để tránh những lệ lụy không tốt cho các đợt tuyển sinh về sau.

Cũng theo Quy chế tuyển sinh mới, các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày. Trước ngày 1 của các tháng 3, tháng 5, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 11, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học của các đợt tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT.

Cùng với đó, năm 2018 lần đầu tiên Bộ GDĐT yêu cầu các trường phải công khai tỉ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất trước một năm so với năm tuyển sinh theo khối ngành trong đề án tuyển sinh. Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định thì không được thông báo tuyển sinh. Các trường cũng phải cung cấp thông tin khác về điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo...Trường hợp bị phát hiện kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế thì bị xử lý vi phạm theo quy định.

Siết chỉ tiêu ngành sư phạm 

Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GDĐT không quy định điểm sàn các khối thi, chỉ trừ ngành sư phạm. Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018, tuyển sinh vào ngành học sư phạm với hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH là học sinh xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên; với trình độ CĐ, TC xét tuyển học sinh xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.

Các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải. Điều kiện xét tuyển là thí sinh có 3 năm học trung học phổ thông chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề ántuyển sinh của trường.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, tuyển sinh  ĐH,CĐ năm 2018 chỉ tiêu ngành sư phạm có chiều hướng giảm mạnh. Theo thông tin từ Bộ GDĐT, đa số các trường đều bị cắt giảm chỉ tiêu so với năm 2017. Vụ Giáo dục ĐH cho biết việc cắt giảm này nhằm khắc phục tình trạng còn một số sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm.

Cụ thể, theo ông Trần Anh Tuấn, từ tháng 1/2018, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi cho 63 tỉnh thành đề nghị rà soát nhu cầu giáo viên của từng môn học, từng cấp học từ mầm non cho đến THPT. Đây cũng  là căn cứ quan trọng nhất để Bộ xác định chỉ tiêu cho từng trường sư phạm trong mùa tuyến sinh 2018. Vụ Giáo dục ĐH đã  đã rà soát nhu cầu giáo viên của các địa phương từ năm 2018 đến năm 2022 để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, bởi với bậc ĐH sinh viên năm 2018 vào học sẽ ra trường vào năm 2022, bậc CĐ ra trường vào năm 2021 và Trung cấp ra trường vào năm 2020.

Căn cứ thứ hai để Bộ xác định chỉ tiêu là dựa vào tổng số sinh viên đang học của tất cả các trình độ ở các ngành sư phạm trên cả nước. Sinh viên đang học sẽ ra trường và là nguồn bổ sung nhân sự cho các trường vào những năm sắp tới. Căn cứ thứ ba là tỷ lệ sinh viên chưa có việc làm ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là một nguồn lực có thể gia nhập vào nhân sự ngành giáo dục trong thời gian tới.

Đại diện Vụ Giáo dục ĐH cũng cho biết, nhiều trường sau khi đánh giá lại nhu cầu của địa phương đã chủ động tự giảm chỉ tiêu một số ngành (trong đó có đào tạo sư phạm), thậm chí là bỏ tuyển sinh những ngành không đào tạo được. Theo đánh giá của Vụ Giáo dục ĐH, đây là một tín hiệu tốt từ phía các trường, cho thấy các trường đã có trách nhiệm xã hội cao hơn.

Từ kết quả rà soát nhu cầu giáo viên, ông Tuấn cho hay, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các ngành sư phạm trên cả nước giảm 20% so với tổng số sinh viên thực tuyển năm 2017 và giảm khoảng 33% so với chỉ tiêu năm 2017. Trước đó, chỉ tiêu năm 2017 của khối ngành sư phạm trên cả nước là 52.000. Nhưng số thực tuyển của các trường chỉ đạt hơn 80% chỉ tiêu đề ra, tức khoảng gần 44.000 thí sinh. Năm 2018, chỉ tiêu của khối ngành sư phạm là khoảng 35.000 sinh viên. Như vậy, chỉ tiêu khối ngành sư phạm năm nay chỉ bằng khoảng 80% số thực tuyển năm ngoái. 

Hiện trên toàn quốc đang thừa hơn 12.000 giáo viên THCS, 4.200 giáo viên THPT. Giáo viên bậc mầm non thiếu hơn 34.000 giáo viên; bậc tiểu học thiếu 5.300. Theo ông Tuấn, trong những năm gần đây, việc giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm đã được thực hiện theo lộ trình. Mục đích chính của giảm chỉ tiêu nhằm giảm quy mô đào tạo, tạo điều kiện tốt hơn để các trường tăng chất lượng đào tạo ngành sư phạm, giảm dần tỉ lệ sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm. Mặt khác, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên cũng được quy định đối với cả hai phương thức xét tuyển theo kết quả học tập lớp 12 hoặc theo kết quả thi THPT quốc gia. 

Cùng với việc giảm chỉ tiêu đào tạo, Bộ GDĐT đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng đối với các trường sư phạm. Công bố công khai kết quả đánh giá, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng cùng với những thông tin liên quan đến quá trình đào tạo để người học và xã hội giám sát. Từ đó, các trường đào tạo giáo viên có chất lượng sẽ thu hút người học với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao. Việc chủ động cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cho thấy các đơn vị đào tạo đã từng bước chủ động điều chỉnh cơ cấu tuyển sinh phù hợp với nhu cầu xã hội, từng bước khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.

* Bộ GDĐT khẳng định  từ năm 2018 đến 2020, kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH,CĐ được giữ ổn định như những năm vừa qua. Theo đó, để xét tốt nghiệp THPT và lấy điểm tuyển sinh vào ĐH,CĐ, thí sinh vẫn phải thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; Các môn tự chọn ở lĩnh vực KHTN gồm Lý, Hóa, Sinh- lĩnh vực KHXH gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân. Thí sinh được dự thi cả hai bài tự chọn để lấy điểm cao hơn xét tốt nghiệp THPT. 
Từ năm 2021, các bài, môn thi được thiết kế phù hợp lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu điều kiện cho phép, thí sinh có thể làm bài trên máy tính.
* Lưu ý từ Bộ GDĐT: Năm 2018, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT quy định mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: Trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển.

Minh Quang

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ