A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thầy giỏi, trò mới giỏi

09:40 | 04/05/2018

Thời gian qua, cùng với việc công bố dự thảo các chương trình (CT) môn học và hoạt động giáo dục trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT các phương tiện truyền thông đại chúng để lấy ý kiến,...

...Bộ GD&ĐT đã tổ chức thực nghiệm CT và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục về dự thảo các CT môn học.

Nhiều giáo viên hiện nay không quan tâm tới chương trình mà chỉ quan tâm đến sách giáo khoa.

Đánh giá kết quả, ngày 3/5, tại buổi công bố báo cáo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể khẳng định: Việc thực nghiệm CT GDPT đã đem lại kết quả, giúp các giáo viên nắm được phương pháp mới. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của giáo viên, Ban soạn thảo tiếp tục sửa CT. Và nhiệm vụ rất cần thiết tiếp theo là tập huấn giáo viên. 

Khảo sát ý kiến giáo viên về chương trình mới

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết: Nội dung thực nghiệm là những điểm mới về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục trong CT môn học. Việc thực nghiệm CT môn học được tiến hành ngay trong quá trình hoàn thiện dự thảo các CT môn học.

Phạm vi thực nghiệm tại một số trường phổ thông thuộc 6 tỉnh Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, và Cần Thơ. Mỗi vùng chọn 1 tỉnh, mỗi tỉnh chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT đại diện cho các địa bàn phát triển khác nhau để thực nghiệm.

Nội dung bài dạy thực nghiệm có 2 loại: Bài học là nội dung mới, không có trong CT hiện hành; Bài học là nội dung có trong CT, sách giáo khoa hiện hành nhưng được thực hiện theo phương pháp dạy học mới.

GS Thuyết cho biết: Sau đợt thực nghiệm, Ban soạn thảo thu được 2.960 phiếu khảo sát của giáo viên, đánh dấu theo cấp học. Ý kiến đánh giá về dự thảo các CT môn học rất tập trung. Ý kiến “Không đồng ý” chiếm tỉ lệ rất nhỏ: Tính chung cả ba cấp học là 0,37% tổng số ý kiến đánh giá (Tiểu học: 0,14%; THCS: 0,31%; THPT: 1,09%).

Theo GS Thuyết: Kết quả thực nghiệm, có những tiết dạy thành công, có những tiết dạy nội dung mới chưa từng có trong lịch sử, nhưng dạy rất thành công. Cũng có những giờ học chưa thành công. Và có giờ học phải hướng dẫn lại, soạn lại giáo án. 

Từ ý kiến của giáo viên và qua các giờ dạy chúng tôi đánh giá, ở một số môn chúng ta vẫn thiên về trang bị kiến thức. Cũng nhiều giáo viên nhận định khó. Khó thì dẫn đến quá tải. Nghĩa là yêu cầu vượt trình độ năng lực, kiến thức của giáo viên và học sinh. Trong khoảng thời gian cho phép đòi hỏi học sinh tiếp thu quá nhiều thì khó cho học sinh…

Nguyên nhân chính để tiết học thành công hay không, GS Thuyết cho rằng do thầy cô có nắm vững được nội dung vấn đề hay không, bài soạn có vừa đủ thời lượng không. Hay nội dung có quá sức cho giáo viên, học sinh không…

Giáo viên là nhân tố chính 

Cũng theo GS Thuyết: Kết quả thực nghiệm đã cho thấy một số giáo viên vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả. Trong đó mỗi học sinh đều được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, rèn luyện kĩ năng và vận dụng những điều đã học để phát hiện, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi. 

Một số giáo viên thiên về áp dụng phương pháp phát vấn, chủ yếu là hỏi đáp giữa giáo viên với một vài học sinh. Một số giáo viên tuy có tổ chức cho học sinh làm việc nhóm nhưng cách làm việc còn mang tính hình thức, chưa tạo điều kiện để mỗi học sinh trong nhóm hoạt động, tự tạo ra sản phẩm của mình, đóng góp vào kết quả làm việc chung.

Thực tế cho thấy giờ dạy chỉ thành công khi giáo viên nắm vững nội dung CT và vận dụng được phương pháp dạy học mới để tổ chức hoạt động học tập của học sinh. Ví dụ, bài dạy thực nghiệm Lịch sử và Sử học, một chủ đề mới được coi là khô và khó trong CT Lịch sử lớp 10, dạy ở Trường THPT số 2 thành phố Lào Cai được đánh giá là rất thành công. Đó là nhờ giáo viên nắm chắc nội dung bài học và có phương pháp tổ chức hoạt động tốt, khơi gợi được hứng thú ở học sinh, lôi cuốn các em tích cực tham gia hoạt động.

Ngay cả trường hợp giáo viên dạy lần đầu không thành công, nếu cán bộ chỉ đạo hoặc tổ chuyên môn phát hiện được vấn đề, kịp thời góp ý, hướng dẫn giáo viên thiết kế lại các hoạt động học tập, thì ở lượt dạy thứ 2, giờ dạy rất thành công. Thực tế này diễn ra ở Trường THCS Minh Hà, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Ông Thuyết cũng khẳng định: Cơ sở vật chất là câu chuyện rất khó. Mỗi vùng có một cái khó riêng. Càng trường tốt càng đông, nhất ở nội thành. “Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của giáo viên, Ban soạn thảo tiếp tục sửa chương trình. Từ kết quả này chúng tôi thấy Bộ cần thiết phải tiếp tục tổ chức tập huấn cán bộ giáo viên cụ thể”.

GS Thuyết cũng thông tin: Sau khi hoàn thiện CT môn học, Bộ sẽ có Hội đồng thẩm định. Hoặc các nhà khoa học cũng có thể đến góp ý. Sau khi Hội đồng thẩm định có ý kiến thông qua thì Bộ trưởng mới ký quyết định ban hành. Khi nào còn một CT chưa được Hội đồng thẩm định thông qua thì còn chưa thực hiện được. 

“Và việc rất quan trọng là tập huấn CT. Giáo viên hiện nay đang không quan tâm tới CT mà chỉ quan tâm đến sách giáo khoa. Đợt này phải tập huấn cho cả người viết sách giáo khoa. Chúng tôi đang biên soạn các tài liệu để tập huấn. Chậm nhất 2020-2021 chúng ta phải triển khai được CT mới, từ lớp 1. Còn có những việc không thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ phải phối hợp địa phương để chuẩn bị cơ sở thật tốt”.     

Phương Linh

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ