A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giám sát tuyển sinh và đào tạo tại các trường sư phạm

08:48 | 07/05/2018

Theo kế hoạch, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng các trường đào tạo sư phạm từ hệ Trung cấp (TC) tới Đại học (ĐH).

 Việc làm này nhằm xác định năng lực đào tạo thực tế của các trường, để công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo trước kỳ tuyển sinh.

Thời gian gần đây, đầu vào của sinh viên sư phạm lại thấp hơn rất nhiều so với các ngành khác.

Kiểm tra để giám sát điều kiện tuyển sinh

Bộ GD&ĐT vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH, các trường CĐ, TC có đào tạo giáo viên, các viện nghiên cứu có đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ năm 2018.

Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra một số trường ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam theo danh sách của Tổ công tác lựa chọn, không phân biệt các loại hình trường, không phân biệt trường đã hoặc chưa được kiểm định chất lượng giáo dục. 

Việc kiểm tra tập trung vào các đối tượng: Các trường có đào tạo giáo viên (trong đó kiểm tra tất cả các trường chưa được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục); các trường chưa thực hiện báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; Một số trường có dấu hiệu kê khai không đúng các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế trên cơ sở sánh các điều kiện đảm bảo chất lượng mà trường khai báo trên phần mềm quản lý với thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng được trích xuất từ biên bản thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017 được ký giữa trường với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cũng được kiểm tra; Một số trường đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (kết hợp với thực hiện Kế hoạch số 677/KH-QLCL ngày 10/4/2018 của Cục Quản lý chất lượng về kiểm tra hoạt động đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục năm 2018) cũng nằm trong danh sách kiểm tra.

Mục đích đợt kiểm tra nhằm thực hiện kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH, các trường CĐ, TC có đào tạo giáo viên, các viện nghiên cứu có đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để xác định năng lực đào tạo thực tế của các trường nhằm công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng chủ yếu của trường trước kỳ tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình trong việc lựa chọn trường để đăng ký theo học và cung cấp thông tin cho xã hội biết và giám sát.

Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên 

Mùa tuyển sinh 2018, theo thông tin vừa được công bố từ Bộ GD&ĐT việc giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh, siết chặt đầu vào trong đào tạo khối ngành sư phạm khiến dư luận đang vừa mừng, nhưng cũng vừa lo.

Bao băn khoăn đang được đặt ra: tất cả những nỗ lực ấy liệu có thu hút được người giỏi cho ngành sư phạm?

Quan trọng hơn, phải làm thế nào để có được đội ngũ giáo viên vừa hồng vừa chuyên làm trong sạch môi trường giáo dục?

Theo ông Lê Như Tiến- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Những năm trước đây theo cơ chế tập trung bao cấp thì giáo viên  được tuyển chọn rất kỹ càng.

Người được chọn vào học trong môi trường sư phạm cảm thấy rất vinh dự và tự hào.

Thế nhưng trong thời gian gần đây, đầu vào của sinh viên sư phạm lại thấp hơn rất nhiều so với các ngành khác. Do đầu vào thấp nên chất lượng chưa đảm bảo.

Chất lượng chưa đảm bảo thì việc đào tạo sẽ gặp khó khăn hơn và chắc chắn đầu ra cũng sẽ bị ảnh hưởng, hạn chế. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo sư phạm cũng hạn chế hơn rất nhiều.

Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là do công tác tuyển sinh của một số trường sư phạm địa phương quá dễ dãi. Do nhu cầu tuyển sinh của nhà trường mà tuyển sinh ồ ạt.

Dẫu vậy, ông Tiến cũng cho rằng, không thể vơ đũa cả nắm khi nói đến chất lượng giáo dục đào tạo tại các trường sư phạm là chưa tốt. Song có một thực tế rõ ràng là không ít các trường CĐ sư phạm, TC sư phạm địa phương dường như việc tuân thủ về quy định chất lượng còn chưa đảm bảo. Khâu tuyển sinh chưa nghiêm ngặt lựa chọn để đảm bảo được yếu tố đầu vào, cho nên ảnh hưởng tới yếu tố chất lượng đầu ra. Hơn nữa, các tiêu chí chuẩn của một giáo viên  đầu ra cũng còn mai một, hạn chế.

Cùng với việc tuyển đầu vào thấp, một số trường CĐ, TC sư phạm ở một số địa phương còn lỏng lẻo trong việc quản lý sinh viên; dễ dãi trong tiệc đánh giá chất lượng sinh viên, chưa thật sự đòi hỏi nghiêm ngặt với sinh viên về việc phải rèn luyện cả về kỹ năng sư phạm lẫn trình độ chuyên môn nghiệp vụ…

Khi đầu vào đã thấp, quá trình học tập rèn luyện lại dễ dãi, chưa thật sự nỗ lực thì chắc chắn đầu ra sẽ không đảm bảo, thấp là chuyện đương nhiên.

Từ những phân tích trên, ông Tiến cho rằng, để đảm bảo chất lượng đầu vào và đầu ra cho các trường sư phạm, thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT phải sớm có những hướng dẫn về chuẩn đầu vào của sinh viên sư phạm. Đồng thời, cũng phải có những văn bản hướng dẫn về chuẩn đầu ra của một giáo sinh để cho họ có thể đạt được chuẩn.    

Bảo Thoa

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ