A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nâng chuẩn giáo viên phổ thông: Nhiệm vụ không đơn giản

08:20 | 01/06/2018

Trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục mà Bộ GD&ĐT vừa trình Quốc hội có nội dung sẽ nâng chuẩn của giáo viên tiểu học, THCS.

Theo đó, hiện nay cả nước còn khoảng 40% giáo viên tiểu học và 25% giáo viên THCS chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo mới (ĐH sư phạm).

Nâng chuẩn giáo viên phổ thông đi kèm với quy hoạch mạng lưới trường sư phạm.

Nâng chuẩn giáo viên lên trình độ ĐH sư phạm

Bộ GD&ĐT cho biết, trước khi Luật có hiệu lực thi hành, sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên từ trung cấp sư phạm, CĐ sư phạm lên ĐH sư phạm. Cùng với đó sẽ dừng tuyển sinh ngành sư phạm đối với giáo viên dạy tiểu học trình độ trung cấp và CĐ ngay khi dự thảo được thông qua và có hiệu lực. Với những giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại (tính từ thời điểm Luật có hiệu lực) từ 5 năm trở lên, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường ĐH sư phạm phối hợp với các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với việc bồi dưỡng thay SGK mới theo hình thức “cuốn chiếu” cùng với lộ trình triển khai hằng năm ở các khối lớp với các hình thức linh hoạt, phù hợp, thực chất, không chạy theo số lượng; Với những giáo viên chưa đạt trình độ ĐH còn thời gian công tác từ 1 đến dưới 5 năm, các địa phương phối hợp với các trường sư phạm tổ chức các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo các chuyên đề phù hợp.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển nhận xét đây là giải pháp quan trọng, mang tính đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trước hết là ở 2 cấp học nền tảng là tiểu học và trung học cơ sở. The ông, điều này cũng phù hợp với xu thế chung ở nhiều nước là giáo viên phổ thông dù dạy ở lớp nào thì cũng đều phải có trình độ ĐH và nghiệp vụ sư phạm.

Góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học là hoàn toàn phù hợp, đồng thời là yếu tố then chốt để thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ. Ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc nâng chuẩn trình độ là phù hợp với xu thế hiện nay khi tại nhiều quốc gia đã yêu cầu giáo viên tiểu học phải có trình độ thạc sĩ.

Cần có lộ trình  

Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là một nhiệm vụ rất nặng nề đối với ngành giáo dục, vì sẽ phải đào tạo lại để đạt chuẩn một số lượng rất lớn giáo viên hiện mới chỉ có trình độ trung cấp hoặc CĐ sư phạm. Đồng thời, ngành giáo dục cũng sẽ phải tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm, một nhiệm vụ không hề đơn giản, nhất là đối với các trường CĐ sư phạm ở các địa phương.

Tuy nhiên, riêng đối với giáo viên tiểu học, nhiều người còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên ĐH. Vì hiện nay, còn đến 40% (khoảng 160.000) số giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ CĐ trở xuống, trong đó chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên. Cho nên cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động đối với hệ thống các trường CĐ sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ CĐ khi chính sách này được thực hiện. 

Do đó, nhiều ý kiến đề xuất, sau khi Luật sửa đổi ban hành cũng cần có lộ trình thực hiện cụ thể với những địa bàn, khu vực khó khăn chưa đáp ứng được ngay các chuẩn đặt ra để giúp các địa phương này thực hiện theo chuẩn mới. Việc đi học nâng cao trình độ đối với các giáo viên trẻ có thể khả thi song với những giáo viên đã lớn tuổi thì việc nâng chuẩn mới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả vì không phải ai cũng có thể đi học nâng cao trình độ được.    

 Theo Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 9-2017, tổng số giáo viên cả nước có trình độ đào tạo bậc trung cấp sư phạm chiếm 12,01%, trình độ cao đẳng sư phạm là 32,12% và bậc ĐH, trên ĐH là hơn 50%. Như vậy, số giáo viên tiểu học đạt trình độ từ CĐ sư phạm trở lên đã chiếm tỷ lệ trên 87%, nên việc nâng chuẩn đối với số giáo viên còn lại là hoàn toàn khả thi.

Bảo Thoa

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ