A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

"Loạn" SGK giao thời

16:30 | 13/09/2018

Có lẽ sách giáo khoa (SGK) là nơi dễ "móc túi" phụ huynh nhất, bởi dù có nghèo đến đâu thì cha mẹ vẫn phải ráng lo cho con đầy đủ sách vở đến trường trong năm học mới.

Thế nên mới có chuyện có trường ở Hà Nội đưa tận 25 đầu sách vào chương trình tiểu học, thậm chí dùng cả sách của Mô hình trường học mới (VNEN) đã dừng việc mở rộng ở các địa phương để bán cho học sinh hay tại TP HCM, phụ huynh phải mua thêm sách tin học và mỹ thuật với giá đắt hơn nhiều các loại SGK trước đó gây bức xúc. Trước những thông tin gây búc xúc này, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội và TP HCM đều khẳng định đó là sách đã được thẩm định và các trường tự lựa chọn đưa vào chương trình chứ không bắt buộc.

Thực tế đa phần phụ huynh ở các trường được đặt trong "sự đã rồi". Họ chỉ biết phải mua bổ sung thêm sách trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, thậm chí có trường đã nhập toàn bộ sách cho học sinh và thu thêm khoản này chung với quỹ phụ huynh. Phụ huynh không thể không mua sách cho con vì nếu kết quả học tập không đạt ở tất cả các môn, trong đó có môn phải mua bổ sung sách như tin học, mỹ thuật thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập cuối năm của con em mình, đặc biệt là học sinh cuối cấp tiểu học lấy kết quả xét tuyển vào bậc THCS. Vì vậy, dù rõ ràng giá bìa các cuốn sách cao một cách phi lý và không biết sách đó có được sử dụng hay không nhưng phụ huynh vẫn phải ngậm ngùi mua.

Tại sao năm nay lại có việc các trường yêu cầu học sinh mua nhiều đầu sách gây bức xúc? Phải chăng do sang năm (2019-2020) bắt đầu áp dụng Chương trình phổ thông tổng thể mới nên các sở, trường "lợi dụng" thời điểm giao thời này để cùng NXB Giáo dục Việt Nam phát hành hết các đầu sách cũ? Theo thông tin của Báo Người Lao Động, để phục vụ năm học mới 2018 - 2019, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hành 108,8 triệu bản SGK, đạt 105% kế hoạch, vượt 3% so với cùng kỳ năm 2017. Và điều đặc biệt, ngoài SGK, tất cả sách tham khảo, bổ trợ mà phụ huynh phải mua bổ sung đều của NXB Giáo dục Việt Nam phát hành.

Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông thì việc đổi mới sẽ theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp... Ở cấp tiểu học và THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Như vậy, việc các trường đang buộc học sinh mua nhiều đầu sách là đi ngược với yêu cầu "tinh giản", "giảm hợp lý số môn học" của Nghị quyết 88.

Trước hàng loạt bất cập liên quan đến SGK và sự lãng phí lên đến hàng ngàn tỉ đồng trong cách làm SGK hiện nay của ngành giáo dục, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội... cần tăng cường giám sát trong phạm vi trách nhiệm của mình và có ý kiến về sự độc quyền trong xuất bản SGK. Chỉ một năm nữa cả nước sẽ triển khai chương trình - SGK phổ thông mới, nếu không có sự giám sát chặt, rất có thể tạo kẽ hở cho các tỉnh, thành sử dụng nhiều bộ sách khác nhau một cách hợp pháp theo chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách". Lúc đó gánh nặng đổ đầu phụ huynh và sự lãng phí trong phát hành SGK là không thể kiểm soát nổi. 

Gia Thùy

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ