A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Quảng bá sách giáo khoa mới: Cạnh tranh cũng cần minh bạch, công bằng

09:30 | 03/01/2020

Thời điểm này, các nhà xuất bản đang chạy đua để giới thiệu sách giáo khoa mới đến với các địa phương trên cả nước. Theo chuyên gia giáo dục TS Lê Thống Nhất, việc quảng bá, giới thiệu sách giáo khoa tới mọi người dân là việc làm cần thiết.

Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều mỹ từ để khen bộ sách này và “nói xấu” bộ sách kia. Đặc biệt, không nên so sánh với SGK hiện hành theo hướng một số tác giả đã làm thời gian qua.

Dự kiến tới tháng 3 các địa phương phải hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Thời điểm này, các nhà xuất bản (NXB) đang chạy đua để giới thiệu  SGK mới đến với các địa phương trên cả nước.

 

NXB Giáo dục giới thiệu bản mẫu bốn bộ SGK biên soạn theo Chương trình GDPT mới. Ảnh: A.H.

Nhiều ý kiến trái chiều

Danh mục 32 SGK lớp 1 của 8 môn học, hoạt động giáo dục sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông đã chính thức được Bộ GDĐT phê duyệt. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam (GDVN) - đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hành SGK có đến 24/32 cuốn sách còn liên minh NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TPHCM và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam có 8/32 cuốn sách được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt. Như vậy, trong năm học tới sẽ có 2 đơn vị thực hiện cung ứng SGK trên thị trường. Trong những ngày này, cả hai NXB đều đã tổ chức liên tiếp các buổi giới thiệu sách đến với đông đảo các địa phương trong cả nước.

Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng- Phó Tổng Biên tập NXB GDVN cho biết, các cuộc hội thảo giới thiệu SGK mới được tổ chức tại Kiên Giang, TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Sơn La, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Lào Cai... đã thu hút gần 3.000 giáo viên tiểu học trực tiếp đứng lớp và các thầy cô làm công tác quản lí giáo dục. Thông qua các cuộc hội thảo, chuyên đề được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành, các thầy cô giáo trực tiếp dạy học ở lớp 1, các cán bộ quản lí giáo dục đã được tiếp cận làm quen với các bộ SGK mới của NXB GDVN, để trên cơ sở đó, khi Bộ chính thức ban hành thông tư hướng dẫn về việc chọn SGK, các cơ sở giáo dục sẽ nhanh chóng có được sự lựa chọn chính xác bộ SGK phù hợp, hiệu quả.

Trong khi đó, bộ sách duy nhất đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục là “Cánh diều” do liên kết 2 NXB và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam cũng đã được tổ chức giới thiệu riêng vào một ngày cuối tháng 12 vừa qua. Mặc dù so với các bộ sách của NXB GDVN, công tác quảng bá bộ sách này chậm hơn một chút song lại có một số ưu thế. Trong đó, việc có đầy đủ tất cả các môn học được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ giúp bộ sách có tính liên kết, liền mạch hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Thứ hai, nhìn vào danh mục chủ biên/tổng chủ biên của mỗi bộ sách, sẽ thấy hầu hết là chuyên gia Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GDĐT. Theo thông tin được giới thiệu tại buổi tọa đàm, 100% bản mẫu của bộ sách được các Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỷ lệ phiếu đồng thuận (Đạt) tuyệt đối.

Thực tế, đã có nhiều quan điểm trái chiều, khen chê các bộ sách từ phía các chuyên gia, các nhà giáo dục và chính các nhóm tác giả. Thậm chí, có hiện tượng nhóm tác giả này chê nhóm tác giả khác, SGK mới chê SGK cũ. Điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến việc lựa chọn SGK của các địa phương sau này.

Quan tâm đến yếu tố phù hợp với từng địa phương

Trao đổi với chuyên gia giáo dục TS Lê Thống Nhất, ông cho rằng việc quảng bá, giới thiệu SGK tới mọi người dân là việc làm cần thiết. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều mỹ từ để khen bộ sách này và “nói xấu” bộ sách kia. Đặc biệt, không nên so sánh với SGK hiện hành theo hướng một số tác giả đã làm thời gian qua.

“Chúng ta thay đổi SGK hiện hành không phải vì những nhược điểm của nó mà vì chúng ta thay đổi theo Chương trình GDPT mới, theo những triết lý giáo dục phổ thông mới. Như vậy, SGK hiện hành không còn phù hợp nên cần các bộ SGK mới”- TS Lê Thống Nhất nhận định.

Về việc NXB “đi đêm”, bắt tay với các nhà quản lý giáo dục, TS Lê Thống Nhất cho rằng trên thế giới, hiện tượng này không phải là cá biệt, nhưng điều này hoàn toàn không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Việc cạnh tranh như vậy cũng không công bằng, không thể khuyến khích…

Liên quan đến việc chọn sách của từng trường học, TS Lê Thống Nhất cho rằng chất lượng của từng cuốn sách không phải là điều ông băn khoăn. Vấn đề là xem cuốn sách này có yếu tố phù hợp hơn với con em mình hơn. “Ví dụ nếu tôi là giáo viên dạy cho học sinh miền núi sẽ ưu tiên cho những cuốn sách nào mà trong cách tiếp cận minh họa nói tới vùng miền của tôi nhiều hơn. Theo tôi, không nên so sánh chất lượng từng bộ sách mà nên căn cứ vào yếu tố phù hợp với địa phương của mình hay không”- TS Lê Thống Nhất chia sẻ.

Đứng ở góc độ đơn vị cung ứng SGK mới, ông Ngô Trần Ái- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam cho rằng, theo quy luật, NXB làm sách kém sẽ không thể tồn tại được. Việc có nhiều bộ sách sẽ tạo ra tính cạnh tranh trong việc lựa chọn SGK xưa nay vốn được coi là độc quyền. Tuy việc lựa chọn SGK hay để đưa vào giảng dạy là quyết định khó khăn, song nếu việc thực hiện lựa chọn SGK minh bạch thì các trường vẫn có thể lựa chọn được bộ SGK hay nhất.

Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn, các trường phải nghiên cứu hết 32 cuốn sách nhưng đến thời điểm này, không phải ai cũng đã được tiếp cận hết với 32 cuốn sách. Việc các NXB tăng cường quảng bá, giới thiệu SGK đến công chúng là điều cần thiết. Mong rằng, việc cạnh tranh giữa các nhà xuất bản diễn ra công bằng, minh bạch.  

Thu Hương

Bài viết gốchttp://daidoanket.vn/giao-duc/quang-ba-sach-giao-khoa-moi-canh-tranh-cung-can-minh-bach-cong-bang-tintuc456063

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ