A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Luật ngầm

14:37 | 06/11/2014

Thông tin dồn dập về việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vừa ra Chỉ thị chấn chỉnh dạy thêm học thêm ở tiểu học và nhiều nội dung mới như không thi học sinh giỏi ở bậc học này, trong bối cảnh đổi mới đánh giá học sinh, buộc mọi người phải quan tâm.

Việc lý giải nguyên nhân phải ra Chỉ thị này tăng thêm mối âu lo. Đó là do nhiều quy định, giải pháp chấn chỉnh dạy thêm, học thêm Bộ GD&ĐT và UBND các địa phương đã ban hành, triển khai, nhưng chỉ như "ném đá ao bèo”.
 
 
Học thêm về đêm
 
Học thêm vì thế tiếp tục gây áp lực với học sinh và phụ huynh, tạo bức xúc xã hội và uy tín ngành suy giảm.
 
Đáng chú ý nhất là Chỉ thị yêu cầu các trường không tổ chức thi học sinh giỏi với học sinh tiểu học, không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các "sân chơi” trí tuệ. Có thể hiểu là không khuyến khích luyện những "gà nòi” từ tấm bé, mang nặng tâm lý "đấu đá” giành giật giải từ tấm bé đi thi. 
 
Điều này đáng quan tâm vì thực tế chúng ta không thiếu học sinh giỏi, giải thưởng tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế dành cho học sinh giỏi VN ngày càng nhiều, ngày càng lớn hơn về tầm vóc, ở đủ mọi bậc học. Nếu trước đây chỉ là giải nhỏ, ở một số môn truyền thống, thì nay cứ đi thi quốc tế là y như giành giải cả "chùm”. Song cách "luyện gà” đi thi thái quá, rất khó cho tài năng phát triển bền vững lâu dài. Số phận của nhiều học sinh giỏi đoạt giải về sau ra sao cũng không được mấy ai quan tâm nữa.
 
Quan trọng là chúng ta không thể chăm chăm bồi bổ cho trò giỏi tinh hoa đi dự các kỳ thi, giao lưu trong nước, quốc tế. Vấn đề là số đông học sinh chúng ta phải sống bằng hơi thở giáo dục nước nhà, trong chính trường mình, lớp mình. Được nuôi dạy bằng tiền bạc gia đình và các cơ chế giáo dục đổi nhiều nhưng ít mới. Điều này thật khó khăn với học sinh nói chung mà sự khó khăn nhiều hơn cả là áp lực thành tích và nhồi nhét học thêm kéo dài, tệ hại như một căn bệnh mãn tính nhờn thuốc.
 
Do vậy, khi Bộ GD&ĐT tiếp tục chấn chỉnh dạy thêm học thêm ở tiểu học bằng Chỉ thị ngày 3-11 với hàng loạt nội dung mới, mọi người nửa tin nửa ngờ, chưa hết mối nghi ngại. Dù yêu cầu quán triệt đến từng giáo viên, nghiêm cấm giao bài tập về nhà, không giao bài tập ngoài sách giáo khoa, không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6…, nhưng nếu không quản chặt, lại vẫn là mảnh đất màu mỡ của học thêm biến tướng và thiếu hiệu quả. Vì cha mẹ học sinh có nắm vững "luật” của ngành đến mấy cũng tự nhủ, không thể quên "lệ” của thầy cô. Không còn con đường nào khác để vui lòng thầy cô bằng việc họ "tự nguyện” cho con đi học thêm, chi tiền ra để con … yên thân học.
 
Chẳng lẽ hiệu quả giảm tải áp lực học tập, hơn 6 triệu học sinh tiểu học lại cứ chòng chành giữa khát vọng/quy định giảm tải của lãnh đạo ngành với "khát vọng ngầm” của những thầy cô giáo vốn quen mưu sinh/làm giàu bằng đủ kiểu dạy thêm, hơn là đứng lớp? Tại sao Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 quy định về dạy thêm, học thêm không được thực thi nghiêm? Chỉ thị chấn chỉnh dạy thêm học thêm của hàng triệu học sinh tiểu học lẽ nào cứ hóa nhàm, bị vô hiệu như thế. 
 
Nếu vậy, Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 quy định về đánh giá học sinh tiểu học, bỏ chấm điểm, tăng cường nhận xét đánh giá, cũng khó thực thi nổi trong thực tế kỷ cương buông lỏng, nhất là khi những nhà quản lý, những giáo viên thực hiện kiểu đối phó, "bằng mặt không bằng lòng” với các quyết sách của ngành.
 
Cần nhắc lại, Bộ GD&ĐT và UBND các địa phương từng có nhiều văn bản quy định, lắm giải pháp kiểm tra "tệ nạn” dạy thêm học thêm, mong lấy lại uy tín ngành, bớt tốn tiền gia đình học sinh và đừng làm khổ các em hơn. Nhưng một khi thực tế cho thấy các trường và giáo viên chỉ "bằng mặt” với các chủ trương đó mà "không bằng lòng”, vì những quy định đó ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập không nhỏ của họ, thì làm sao cha mẹ học sinh, xã hội có thể yên tâm được. Như các trường, các thầy cô vẫn thường dùng đủ loại kế sách lách luật, có muôn kế "kỳ diệu” ép trò học thêm tự nguyện, dù học trò đã phát sốt phát rét vì học chính học phụ "quên ngày tháng”, đã có vị hiệu trưởng hay thầy cô nào bị xử nghiêm, bị loại khỏi ngành đâu? 
 
Với đà này, dư luận có "rung rinh vui” cũng chỉ gọi là. Cha mẹ nhiều học sinh có tạm thở phào vì con mình không phải làm nhiều bài tập ở nhà cũng… hãy đợi đấy! E chỉ cần một nhận xét của giáo viên chê bôi sức học cũng tạo ngay được lo lắng cho cha mẹ các em. Rồi đâu lại vào đấy… Sẽ lại lần lượt các cha mẹ "tự nguyện” xin thầy/cô cho cháu học thêm, trong mối nghi ngờ, chua chát của chính họ! 
 
Học thêm làm giảm uy tín ngành đã quá rõ. Thầy cô ung dung "bằng mặt không bằng lòng” với chỉ thị, trách sao phụ huynh, thậm chí học sinh cũng chỉ "bằng mặt” với giáo viên. Không còn sự trung thực, tin cậy, nhà trường dễ dàng biến thành thương trường nặng mùi kim tiền, với đầy những hoạt động thực dụng, làm sao còn mang được sứ mệnh trồng người? 
 
Để chặn đứng "tệ nạn” dạy thêm học thêm biến tướng, thay vì tiếp tục ra những chỉ thị lặp lại hoặc bổ sung "chấn chỉnh”, nên bàn thẳng vào vấn đề đội ngũ, cơ chế giám sát, bởi "luật ngầm” trong các lớp, các trường, giữa giáo viên với phụ huynh, với hiệu trưởng…, mới là điều người dân quan tâm nhất. Đây là căn bệnh gốc của nhiều tệ nạn giáo dục. Và loại luật ngầm tác oai tác quái kiểu đó đâu phải chỉ có ở ngành GD&ĐT…
 
Cả một đội ngũ thanh tra giáo dục các cấp hùng hậu mà bấy lâu không xử lý nghiêm được các trường hợp vi phạm, không công khai thông tin dạy thêm học thêm trái phép, e khó hy vọng các văn bản Chỉ thị chấn chỉnh dạy thêm học thêm lập lại được trật tự phép ngành, phép nước.
 
Thanh Như

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ