A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ôtô khan hàng trầm trọng

08:53 | 04/04/2022

Không chỉ thiếu nguồn cung ở những mẫu xe hơi bán chạy mà ngay cả nhiều mẫu tiêu thụ chậm cũng không còn hàng để bán

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động trong tuần qua tại nhiều salon ôtô ở TP HCM, lượng xe trưng bày thưa thớt hơn trước, hàng loạt mẫu xe được báo hết hàng. Nhiều đại lý phải giao xe trưng bày cho khách bởi hàng trong kho đã hết sạch.

Tháng 6 mới có xe

Nhân viên kinh doanh của các đại lý cho biết nguồn cung ôtô nội, ngoại từ đầu năm đến nay rất hạn chế, số lượng đưa ra thị trường không đủ đáp ứng nhu cầu của khách. "Chúng tôi nhận đặt cọc trước 20-50 triệu đồng/xe và phải chờ sang tháng 5 hoặc tháng 6 mới hy vọng có xe để giao cho khách" - một nhân viên kinh doanh cho hay.

Tại đại lý của hãng Ford, mẫu bán tải Ranger không có đủ màu để khách lựa chọn, nhiều khách muốn mua xe phải chấp nhận chọn màu không ưng ý. Tại đại lý Toyota, các mẫu xe "hot" như Raize, Corolla Cross, Innova đều vắng bóng. Nhân viên bán hàng cho biết khách muốn mua xe Corolla Cross phải chờ đến tháng 5, còn xe Raize đến cuối năm mới có hàng. Thậm chí, mẫu bán tải Hilux của Toyota cũng không còn hàng để bán.

Tương tự, tại đại lý Kia, chỉ còn vài chiếc xe trưng bày. Các mẫu Kia Seltos, Sonet dự kiến tháng 6 mới về; riêng mẫu Kia K3 hiện chỉ còn bản cao cấp và chỉ có 2 màu. Còn tại đại lý Mitsubishi, mẫu bán tải Triton và mẫu xe bán chạy nổi tiếng Xpander cũng không còn hàng; dự kiến tháng 5 hoặc tháng 6 tới sẽ có hàng. Các mẫu xe hút khách của Hyundai như Santa Fe, Tucson cũng không có sẵn mà phải đợi sang tháng 5 mới hy vọng có xe giao cho khách hàng. Với mẫu Mazda 2, CX-5 của Mazda, nếu khách đặt cọc tại thời điểm này thì khoảng tháng sau sẽ có hàng.

Các đại lý phản ánh ngay cả những mẫu xe tiêu thụ chậm cũng rơi vào tình trạng nguồn cung không còn dồi dào, không còn bản tiêu chuẩn, chủ yếu chỉ còn bản cao cấp.

Đáng lưu ý, dù nhân viên kinh doanh "hứa" sẽ có hàng trong khoảng tháng 5, 6 song nhiều khả năng lượng hàng về chỉ đủ đáp ứng cho những đơn đặt hàng từ các tháng trước nữa. Do vậy, với những khách đặt hàng tại thời điểm này, có nguy cơ từ sau tháng 6 mới được nhận xe.

Khu vực trưng bày của nhiều đại lý ôtô hiện thiếu vắng nhiều mẫu xe

Thiếu linh kiện kéo dài

Theo ông Đỗ Nguyễn Vương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Volkswagen Việt Nam, ngay từ đầu năm, hãng đã cảnh báo về việc nguồn cung ôtô sụt giảm mạnh do thiếu linh kiện. Đồng thời, hãng này cũng lưu ý các đơn vị phân phối có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phù hợp cho từng thị trường. Tuy đã chuẩn bị tinh thần sớm song tại Việt Nam, nguồn cung xe Volkswagen vẫn thiếu hụt khoảng 20%. "Nguồn cung ôtô sẽ còn gặp khó khăn trong tháng 4 và 5 sắp tới, sang tháng 6 mới có hy vọng tạm ổn" - ông Vương dự báo.

Hãng xe Việt VinFast mấy tháng nay cũng không giấu việc gặp khó khăn về nguồn linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô điện khiến tiến độ sản xuất và bàn giao xe bị ảnh hưởng. Trong tháng 1, hãng chỉ bàn giao được 40 ôtô điện VF e34 và nhích lên 52 chiếc vào tháng 2. Hiện tại, VinFast cùng các đối tác vẫn đang nỗ lực giải quyết khó khăn trong chuỗi cung ứng để tăng tốc bàn giao xe điện VF e34 cho khách hàng.

Các hãng xe và giới chuyên gia đều xác nhận chuỗi cung ứng linh kiện trên thế giới bị đứt gãy, nhất là tại thị trường Trung Quốc - nơi cung cấp 80%-90% nguyên liệu để sản xuất chip cho các hãng ôtô, khiến tình hình sản xuất tại các nhà máy bị ảnh hưởng lớn. Chưa kể, xung đột giữa Nga và Ukraine càng làm cho nguồn cung linh kiện toàn cầu thêm thiếu hụt. "Các hãng xe ở châu Âu đặt hàng linh kiện ở khu vực Đông Âu rất nhiều, trong đó có Nga và Ukraine. Với tỉ lệ mua linh kiện từ các vệ tinh của các hãng xe lên đến 50% - 60%, khi một nhà cung cấp gặp trục trặc thì cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng. Muốn tìm nguồn cung cấp khác cũng phải mất ít nhất nửa năm" - chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng cho biết.

Ông Đồng còn cho rằng sở dĩ các hãng xe lâm vào tình trạng giảm công suất sản xuất, thiếu nguồn cung là bởi nhiều năm qua, họ không chủ động dự trữ nguồn linh kiện nhằm giảm chi phí "chết" khi tồn kho linh kiện. Do vậy, thị trường ôtô thế giới có thể phải mất thêm 3-4 tháng nữa mới có thể trở lại công suất sản xuất bình thường

Muốn có xe liền phải chi thêm tiền!

Một số khách hàng phản ánh không ít đại lý gợi ý khách hàng chấp nhận mức giá cao hơn khoảng vài chục triệu đồng để sở hữu xe của khách bỏ cọc trước đó. Hoặc, khách phải chấp nhận mua và lắp đặt thêm phụ kiện để được nhận xe sớm nhất. Ngoài ra, người dùng không có cơ hội lựa chọn bản tiêu chuẩn, bản giữa mà hầu hết phải mua bản cao cấp.

"Do nguồn cung linh kiện có hạn nên các hãng xe hạn chế sản xuất, lắp ráp những bản tiêu chuẩn mà tập trung cho bản "full", cao cấp với giá bán cao hơn cả trăm triệu đồng so với bản tiêu chuẩn" - ông Lý Minh Tuấn, người quản lý cửa hàng Ôtô Saigon Auto Hoàng Nhật, thông tin thêm.

Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/kinh-te/oto-khan-hang-tram-trong-20220402202527775.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ