A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Taxi truyền thống vào cuộc chiến mới

14:57 | 21/08/2023

Nhiều hãng taxi truyền thống đầu tư lớn để giành lại thị phần vốn bị thu hẹp trước sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng gọi xe công nghệ

Trên thị trường taxi truyền thống, 2 phân khúc ô tô chạy xăng và ô tô chạy điện đang cạnh tranh gay gắt và đều thể hiện được lợi thế riêng của mình.

Sức nóng từ ô tô điện

Từ tháng 4-2023 đến nay, Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) đã triển khai rầm rộ việc đưa ô tô điện vào khai thác trong lĩnh vực taxi. Hãng taxi điện của tỉ phú Phạm Nhật Vượng này đã "phủ sóng" tại các thành phố lớn, khu du lịch với 2.500 chiếc chỉ sau 5 tháng hoạt động, tương đương số lượng xe của các hãng taxi lớn đã có mặt trên thị trường hàng chục năm qua.

Taxi truyền thống vào cuộc chiến mới - Ảnh 1.

Dịch vụ taxi điện đang trở thành xu thế trên thị trường và nhận được phản hồi tích cực từ phía hành khách

Nhiều hãng vận tải khác như Sun Taxi, Lado Taxi... thời gian qua cũng đầu tư mạnh mua xe điện để thay thế dần xe xăng với mục đích tăng thêm trải nghiệm cho khách hàng và bắt kịp xu thế. Các hãng này cho biết đã nhận được phản hồi khá tích cực từ phía khách hàng nhờ giá cước không quá cao, không phải trả thêm phụ phí như các ứng dụng gọi xe công nghệ, xe chạy êm...

Ở phân khúc dịch vụ taxi sử dụng ô tô chạy xăng, chỉ riêng thị trường TP HCM đã có 6.000 chiếc. Trong đó, 2 "ông lớn" là Vinasun và Mai Linh sở hữu lần lượt 3.000 

Đáng chú ý, giữa lúc trào lưu xe điện, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Tài chính Toyota và Công ty CP Tập đoàn Mai Linh đã ký kết hợp tác chiến lược. Theo đó, hãng taxi Mai Linh sẽ mua 10.000 ô tô Toyota để đưa vào hoạt động trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, hãng taxi Vinasun vừa đầu tư khoảng 1.000 xe nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Ông Tạ Long Hỷ, Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam - sở hữu hãng taxi Vinasun, cho rằng mỗi loại hình dịch vụ đều có lợi thế riêng. Trong đó, lợi thế của taxi truyền thống sử dụng xe chạy xăng là giá cước ổn định, số lượng xe lớn nên có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu khách hàng, chạy được đường dài mà không lo hết pin... Tuy nhiên, hãng taxi truyền thống phải liên tục đầu tư xe mới, cải tiến công nghệ để đủ sức cạnh tranh trên thị trường vốn đang chia năm xẻ bảy bởi nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ và sự ra đời của các hãng taxi mới.

"Vinasun đã đa dạng hóa phương thức đưa - đón khách như đón dọc đường, gọi xe qua tổng đài, qua ứng dụng... Vinasun cũng chấp nhận thanh toán không tiền mặt thông qua liên kết với nhiều ví điện tử. Số lượng khách đặt xe qua ứng dụng của Vinasun đạt 15.000 - 17.000 lượt/ngày, chiếm khoảng 40% tổng số cuốc xe của công ty và xu hướng sẽ ngày càng tăng" - ông Hỷ thông tin.

Giám đốc một công ty cung ứng dịch vụ taxi nhận xét mặt bằng giá cước hiện nay tương đối đồng đều và ổn định. Các hãng taxi phải cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, văn hóa doanh nghiệp và chăm lo đời sống cho tài xế để thu hút đội ngũ này

Người tiêu dùng hưởng lợi

TS Đoàn Hồng Đức, Trưởng Bộ môn Quy hoạch giao thông - Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, nhận định sự hiện diện của taxi truyền thống (bao gồm sử dụng cả ô tô chạy xăng và chạy điện) cùng taxi công nghệ trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại đã trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống giao thông đa phương thức trong các đô thị trên thế giới và ở Việt Nam.

"Sau một thời gian "đốt tiền" để chiếm lĩnh thị trường, các hãng xe công nghệ bắt đầu bước vào giai đoạn thu hồi vốn nên không tránh khỏi việc tăng giá cước. Người tiêu dùng vốn quen việc sử dụng dịch vụ với chi phí thấp sẽ rời bỏ những ứng dụng này để chuyển sang phương tiện khác. Đây chính là cơ hội cho taxi truyền thống lấy lại thị phần đã mất, tạo thế cân bằng giữa các loại hình dịch vụ vận tải trong nội đô" - TS Đoàn Hồng Đức phân tích.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, TS Đức góp ý nên có chính sách khuyến khích phát triển song song các loại hình vận chuyển trong điều kiện nhu cầu ở các đô thị ngày càng tăng trong khi phương tiện xe buýt chưa đáp ứng được.

"Bên cạnh việc ưu tiên sử dụng ô tô điện để giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, các hãng taxi cũng nên trang bị thêm kỹ năng lái xe an toàn cho tài xế và hỗ trợ kết nối dữ liệu để cơ quan quản lý kiểm soát được số lượng phương tiện, nắm bắt được xu thế đi lại, từ đó đưa ra giải pháp quản lý giao thông hợp lý, giúp giảm ùn tắc" - TS Đoàn Hồng Đức gợi ý.

Theo ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, các hãng taxi truyền thống vẫn còn nhiều cơ hội trên thị trường dù bị cạnh tranh khốc liệt bởi các ứng dụng gọi xe công nghệ. Trong đó, chủ lực là phân khúc khách hàng doanh nghiệp, khách hàng ở các bến bãi giao thông...

"Các hãng taxi đầu tư mới phương tiện để hấp dẫn khách, qua đó có dòng tiền và tạo ra vòng xoay kinh doanh hiệu quả" - ông Tùng nhận định. 

Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/oto-xe-dien-may/taxi-truyen-thong-vao-cuoc-chien-moi-2023081921231903.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ