A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Tìm giải pháp phát triển ô tô điện

10:28 | 11/12/2023

Có nhiều giải pháp kích thích thị trường ô tô điện, bao gồm ưu đãi thuế, phí và đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Mặc dù ô tô điện đang là xu thế trên toàn cầu song nhiều hãng vẫn chưa có kế hoạch đưa những mẫu xe này vào thị trường Việt Nam.

Tâm lý chờ đợi

Hiện nay, Việt Nam có duy nhất hãng xe thuần điện VinFast với dải sản phẩm phong phú. Các hãng xe khác hầu như chỉ dừng ở bước thăm dò thị trường. Chẳng hạn, Hyundai chỉ mới ra mắt 1 mẫu ô tô điện là Ioniq 5; Audi và Mercedes mỗi hãng chào bán vỏn vẹn 3 mẫu xe điện.

Trong nhiều lần tiếp xúc giới truyền thông, tổng giám đốc các hãng ô tô có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam và có thị phần lớn như Toyota, Honda, Ford... đều khẳng định thời điểm này chưa phải lúc tính đến việc đưa xe điện ra thị trường trong nước.

Nguyên nhân bên cạnh việc Việt Nam chưa có cơ sở hạ tầng trạm sạc công cộng, còn bởi thị trường chưa đủ tiềm năng để thuyết phục các hãng đầu tư vào xe điện.

Hiện tại, chỉ mới có hãng VinFast đầu tư lắp đặt các trụ sạc xe điện công cộng

Theo lãnh đạo Honda Việt Nam, hãng mới chỉ có kế hoạch đưa ô tô hybrid (xe lai điện - xăng) nhập khẩu nguyên chiếc gia nhập thị trường trong thời gian tới mà chưa nghĩ đến xe điện.

Lãnh đạo hãng Volkswagen Việt Nam cho hay đang chờ Việt Nam phát triển hệ thống trạm sạc ở mức đáp ứng tương đối nhu cầu thì sẽ triển khai nhập khẩu nguyên chiếc xe điện.

Trước thực tế các hãng còn ngại ngần trong việc đẩy mạnh đầu tư vào xe điện, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề xuất bổ sung xe hybrid vào nhóm xe điện hóa nói chung để được hưởng chính sách ưu đãi thuế, phí.

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, các hãng xe vẫn sống tốt với sản phẩm chủ lực là xe động cơ đốt trong nên sẽ không dễ dàng từ bỏ để chuyển hẳn sang xe điện.

Để hãng ô tô nhanh chóng đưa xe điện ra thị trường, cần có quy định hạn chế lưu thông xe chạy xăng truyền thống trong nội đô các thành phố lớn, ưu tiên chỗ đậu cho xe điện...

"Chính phủ các nước châu Âu, Mỹ khuyến khích sử dụng xe điện thông qua hỗ trợ tiền mua xe với mức 6.000 - 12.000 USD/chiếc, tùy mẫu; hỗ trợ 9.000 - 10.000 USD lắp đặt trụ sạc tại nhà.

Ngay ở khu vực Đông Nam Á cũng đã có nước hỗ trợ tiền cho người dân mua xe điện. Việt Nam cần có chính sách giảm thuế, phí với mức đủ lớn, từ 3 - 5 năm, để khuyến khích người tiêu dùng" - ông Đồng đề xuất.

Tạo lợi thế cho xe điện

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Môi trường và Biến đổi khí hậu - Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP), cho rằng để tăng tốc chuyển đổi từ ô tô xăng sang ô tô điện, trước hết cần đặt mục tiêu cụ thể về số lượng cần triển khai ra thị trường.

Bên cạnh đó, cần lưu ý những yếu tố đặc thù để có hướng triển khai cụ thể. Đơn cử, hiện nay đã có dịch vụ xe buýt điện, taxi điện, xe ôm điện nên các doanh nghiệp có thể phát triển những dịch vụ khác, ví dụ xe điện chở rác.

Các chuyên gia còn chỉ ra lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh cho phương tiện xe buýt tại các đô thị từ năm 2025 và taxi từ năm 2030 đã có nhưng còn thiếu lộ trình cụ thể cho ô tô cá nhân.

Trong khi các nước trên thế giới đã ứng dụng rộng rãi năng lượng điện trong lĩnh vực giao thông thì tại Việt Nam, quy mô thị trường còn nhỏ lẻ, hệ sinh thái chưa phát triển đồng bộ. Do đó, cần có chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.

Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải - Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng để phát triển hệ sinh thái xe điện, cần 4 nhóm chính sách hỗ trợ gồm: khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe điện; khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng; phát triển hạ tầng trạm sạc điện và khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng điện.

Theo đại diện VAMA, ông Đào Công Quyết, chính sách khuyến khích người dùng trong bối cảnh hiện nay là cần thiết bởi giá thành sản xuất xe điện vẫn cao hơn đáng kể so với xe động cơ đốt trong.

Hiệp hội này đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ đối với cả sản xuất xe điện trong nước lẫn nhập khẩu nguyên chiếc theo lộ trình. Việc chuyển đổi đòi hỏi nguồn lực lớn và cần bảo đảm tiếp cận một cách cân bằng, hài hòa nhằm tránh gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp ô tô.

Ở tầm vĩ mô, VAMA kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành xây dựng đề án tổng thể cùng các giải pháp về chính sách phát triển cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, trong đó có ô tô điện

Việt Nam hiện có 5 triệu ô tô đang lưu hành, tốc độ tăng trưởng trung bình 13,3%/năm. Gần đây, thị trường ghi nhận nhu cầu ô tô điện tăng đáng kể.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2021, cả nước có 167 ô tô điện được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận; đến năm 2023 tăng lên 22.000 ô tô điện cùng 11.000 xe hybrid.

Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/tim-giai-phap-phat-trien-o-to-dien-196231209190044337.htm

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ