A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chỉ được bồi thường hơn 1 tỉ đồng

08:21 | 31/08/2015

Thiệt hại thực tế do bị giam oan sai hơn 20 tỉ đồng, người bị oan chỉ yêu cầu bồi thường gần 6 tỉ đồng nhưng không được tòa chấp nhận

Ngày 28-8, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ ông Đinh Quang Điền (Giám đốc Công ty TNHH Quang Điền, TP Buôn Ma Thuột) khởi kiện VKSND TP Buôn Ma Thuột yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước vì bị bắt giam oan sai 243 ngày.

Quyết định bất ngờ của tòa

Ngày 22-6-2011, từ một lá đơn nặc danh, Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột, VKSND TP đã khởi tố, bắt tạm giam ông Điền về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Ngày 15-10-2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, trả tự do cho ông Điền. Tổng thời gian ông Điền bị tạm giam là 243 ngày.

Tại phiên sơ thẩm, HĐXX tuyên buộc VKSND TP Buôn Ma Thuột bồi thường cho ông Điền tổng cộng hơn 2,8 tỉ đồng. Ông kháng cáo, yêu cầu bồi thường thiệt hại tổng cộng gần 6 tỉ đồng. VKSND TP Buôn Ma Thuột cũng kháng cáo, chỉ chấp nhận bồi thường hơn 260 triệu đồng.

Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm tuyên buộc VKSND TP Buôn Ma Thuột bồi thường cho ông Điền hơn 1 tỉ đồng, gồm: bồi thường thiệt hại do mất thu nhập trong thời gian bị tạm giam, tổn thất tinh thần, thiệt hại về tài sản bị kê biên, thiệt hại về vi phạm hợp đồng kinh tế… Riêng phần lãi suất các khoản vay ngân hàng, hộ cá nhân, HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận, cho rằng cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận một phần với 1,791 tỉ đồng là không đúng theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Theo đó, phần lãi này chỉ để phục vụ mục đích sản xuất - kinh doanh của công ty, ông Điền làm giám đốc thì không phải là đối tượng bồi thường theo quy định của khoản 4, điều 45 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

“Thiệt hại thực tế do bị giam oan sai hơn 20 tỉ đồng nhưng tôi chỉ yêu cầu bồi thường gần 6 tỉ đồng cho những khoản thiệt hại có đầy đủ chứng cứ, vậy mà tòa không chấp nhận. Tôi sẽ đề nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm” - ông Điền nói.

Gian nan gầy dựng

Dẫn chúng tôi vào nhà xưởng ở KCN Tân An, TP Buôn Ma Thuột, ông Điền cho biết trong những năm 2010-2011, công ty tìm được nhiều hợp đồng với tổng giá trị hàng chục tỉ đồng. Khi ông bị bắt, toàn bộ tài sản của công ty bị kê biên, niêm phong phục vụ công tác điều tra. Thậm chí, Trường Mầm non Hoa Ngọc Lan của vợ ông cũng bị kê biên, phải đóng cửa một thời gian dài.

Ngày ông Điền được trả tự do, Công ty Quang Điền gần như phá sản, phải đổi tên để vận động anh em, bạn bè góp vốn làm ăn. Hiện nay, khu nhà xưởng xuống cấp do bị bỏ hoang lâu ngày, không có tiền sửa chữa; nhiều thiết bị, máy móc đắt tiền, các sản phẩm đã hoàn thành phủ bụi vì chưa thể khôi phục sản xuất.

“Trước khi bị bắt, tôi làm không hết hợp đồng, còn từ đầu năm 2015 đến nay, công ty chưa ký kết được hợp đồng kinh tế nào. Trong khi đó, số nợ ngân hàng và các cá nhân đã lên gần 15 tỉ đồng” - ông Điền chua chát.

 

Chưa thỏa đáng

Theo luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, Công ty TNHH Quang Điền do ông Đinh Quang Điền làm giám đốc phải vay tiền mới có vốn sản xuất, kinh doanh. Việc ông Điền bị bắt giam oan dẫn đến công ty đình trệ, gần như phá sản nên không thể trả được khoản lãi vay. Đây chính là thiệt hại của ông do hành vi làm oan sai của các cơ quan tố tụng gây ra, cần phải được tính toán để bồi thường thỏa đáng.

 

Cao Nguyên

    nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ