A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dùng tiền ngân sách sắm xe vượt quá tiêu chuẩn sẽ bị phạt

09:18 | 08/06/2016

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 50/2016/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

 Theo đó, hành vi sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng hoặc vượt tiêu chuẩn, định mức đã được phê duyệt sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng, đồng thời buộc thu hồi về ngân sách nhà nước số vốn đầu tư công vi phạm.

Đầu tư ngoài ngành bị phạt tới 70 triệu đồng

Trong những năm gần đây, không chỉ dư luận xã hội, mà cả ở nghị trường mỗi kỳ họp Quốc hội đều “nóng” với câu chuyện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tự ý bỏ vốn đầu tư ngoài ngành, như mua cổ phiếu, góp vốn ngân hàng... dẫn đến thua lỗ và thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước (thực chất là tiền thuế của dân). Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên không chỉ là sự buông lỏng quản lý của các cấp, các ngành, mà còn là lỗ hổng của pháp luật. Nghị định 50 ra đời nhằm để chấn chỉnh các hành vi trên.

Cụ thể, tại Điều 14, Nghị định 50 quy định: Phạt tiền 30-50 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, kinh doanh như: Sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, góp vốn, mua cổ phần khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; thay đổi dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Đặc biệt, đối với hành vi đầu tư, kinh doanh sử dụng vốn nhà nước sai mục đích sẽ bị phạt 50-70 triệu đồng.

Nghị định 50 cũng đã có các quy định để điều chỉnh các hành vi vi phạm quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với các hành vi: Không thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động đầu tư ở nước ngoài; không thông báo hoặc thông báo thực hiện dự án đầu tư không đầy đủ nội dung. Phạt 20-30 triệu đồng khi không thực hiện đúng các nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; không chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập từ việc đầu tư ra nước ngoài về Việt Nam; không chuyển vốn và tài sản hợp pháp về nước khi kết thúc dự án. Với hành vi lập hồ sơ không chính xác, không trung thực để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng...

Hết cơ hội “chia bánh”

Nghị định 50 của Chính phủ cũng đã siết chặt quản lý trong lĩnh vực quản lý đấu thầu. Cụ thể, tại Điều 18, Nghị định 50 quy định: Phạt 10-15 triệu đồng khi không thực hiện sơ tuyển trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; thực hiện không đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; không thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi phê duyệt.

Đối với hành vi tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư chưa được phê duyệt sẽ bị phạt 15-20 triệu đồng.

Đồng thời số tiền phạt có thể lên tới 20-30 triệu đồng đối với hành vi chia quy mô các gói thầu không đáp ứng yêu cầu về tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án dẫn đến làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu. Vậy là từ nay sẽ hết cơ hội “chia bánh” để hưởng lợi cá nhân trong việc đấu thầu.

Hành vi đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu, nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; hay cho phép nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu dẫn đến làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng (Điều 20, Nghị định 50).

Phạt 10-15 triệu đồng đối với hành vi không tiến hành thương thảo hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu, đàm phán sơ bộ hợp đồng trong lựa chọn nhà đầu tư; phạt 15-20 triệu đồng đối với hành vi ký hợp đồng trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư...

Nhiều sếp sẽ không còn dám “chơi ngông”

Trong thực tế, có nhiều quan chức đã dùng tiền ngân sách để sắm xe sang vượt quá tiêu chuẩn cho phép theo quy định của Nhà nước, khiến dư luận bức xúc. Nếu như vào thời điểm này trở về trước thì khi bị phát hiện, cùng lắm là “xin lỗi” và trả lại xe là xong. Song, từ 15/7 (khi Nghị định 50 có hiệu lực thi hành) các hành vi trên sẽ bị phạt tiền kèm theo một số hình thức chế tài nghiêm khắc khác.

Cụ thể, tại Điều 8, Nghị định 50 quy định: Hành vi sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng hoặc vượt tiêu chuẩn, định mức đã được phê duyệt sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Đồng thời cá nhân, tổ chức vi phạm bị buộc phải khắc phục hậu quả bằng hình thức thu hồi về ngân sách nhà nước số vốn đầu tư công đối với hành vi vi phạm quy định. Với quy định nghiêm khắc này, có lẽ từ nay sẽ không sếp nào dám “chơi ngông” nữa, bởi không lẽ chấp nhận bỏ ra 20 triệu đồng chỉ để “oai” hơn một chút?!

Chưa hết, Nghị định 50 cũng đã quy định cụ thể để điều chỉnh các hành vi gian lận trong đầu tư công. Theo quy định tại Điều 5, các vi phạm về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi: Lập dự toán, thanh toán, quyết toán chi phí, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi không đúng đơn giá, định mức; lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi không phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia... sẽ bị phạt 1- 15 triệu đồng.

Lê Anh Đức

 

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ