A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng

13:50 | 21/07/2017

Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng và cấm khai thác, tuy nhiên, tình trạng vận chuyển gỗ lậu và phá rừng trên địa bàn nhiều tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên.

Tang vật một vụ phá rừng phòng hộ bị phát hiện, bắt giữ ở Quảng Trị. (Ảnh Thanh Tùng).

Quảng Trị: Chồng chất khó khăn

Nạn khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép trên địa bàn các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông tỉnh Quảng Trị đang có nhiều diễn biến phức tạp. Ông Võ Văn Sử, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện  29 vụ vi phạm. Trong đó tang vật được phát hiện, thu giữ  gồm 32,512 m3 gỗ các loại, 5 cá thể động vật hoang dã với 87 kg. Tuy nhiên, hiện nay các khu vực rừng giáp ranh giữa xã Hướng Linh (Hướng Hóa) và huyện Đakrông vẫn diễn ra tình trạng khai thác trái phép ở các khu vực rừng tự nhiên. 

Theo ông Nguyễn Công Tuấn, Quyền Giám đốc  BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy tại các khu vực rừng do BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông đang có nhiều diễn biến phức tạp. 

Cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, khu vực rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 695P (xã Hướng Phùng) và tiểu khu 693 (xã Tân Thành) tiếp tục bị một số người dân ở các thôn Khe Đá, Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo) chặt phá, lấn chiếm đất  làm nương rẫy. Tổng diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm được thống kê vào đầu năm 2017 là 7,95 ha. Trong đó, tiểu khu 695P khoảng 4,1 ha, tiểu khu 693 khoảng 3,85 ha. 

Thời gian gần đây, do giá gỗ tăng cao nên một số người dân không kể ngày đêm lén lút vào 2 tiểu khu 694, 673 thuộc địa bàn xã Hướng Phùng để khai thác trái phép gỗ rừng tự nhiên. Điển hình vụ khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép vào ngày 4/3/2017 tại tiểu khu 694. Sau những vụ việc kể trên, lần lượt các khu rừng phòng hộ đầu nguồn khác trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông cũng bị khai thác trái phép, chặt phá không thương tiếc. Theo số liệu kiểm tra, kiểm đếm mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị: Những diện tích rừng bị khai thác trái phép nói trên đều ở dọc tuyến đường Khe Van - Hướng Linh. Tổng cộng có 65 cây gỗ đường kính từ 10 – 70 cm bị chặt hạ. Quanh khu vực công trình thủy điện Khe Nghi cũng có 78 cây gỗ với đường kính lớn bị chặt trộm. 

Ông Nguyễn Công Tuấn, Quyền Giám đốc  BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông cho biết: “BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ hơn 26 nghìn ha rừng và đất rừng phòng hộ, trong đó rừng tự nhiên hơn 12,5 nghìn ha, rừng trồng hơn 4,7 nghìn ha. Địa bàn quản lý, bảo vệ trên 15 xã, thị trấn, trải dài từ xã Hướng Hiệp (Đakrông), giáp ranh huyện Cam Lộ đến xã Hướng Phùng (Hướng Hóa) tiếp giáp Lào.

Trong khi đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ có 16 người. Bình quân mỗi cán bộ, nhân viên của BQL phải quản lý, bảo vệ trên 1.620 ha rừng và đất rừng phòng hộ. Là đơn vị có trách nhiệm quản lý thực thi pháp luật bảo vệ rừng nhưng theo ông Nguyễn Công Tuấn, cán bộ, nhân viên BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông  không hề được trang bị sắc phục, công cụ hỗ trợ và cũng không có chức năng xử phạt những đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Vì những bất cập này mà công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ diện tích 26.000 ha rừng phòng hộ ở vùng cao Quảng Trị thêm khó khăn chồng chất.    

Đắc Lắc: Liên tiếp các vụ trộm rừng

Hiện Tây Nguyên đang giữa mùa mưa, trước đây người dân cũng như lâm tặc rất ít khi xâm nhập khai thác lâm sản vào mùa này vì mưa ẩm, trơn trượt khiến cho việc vận chuyển đi lại khó khăn. Thế nhưng từ tháng 6/2016, nguồn gỗ cung cấp ra thị trường khan hiếm, khiến cho các đầu nậu luôn tìm mọi cách để có gỗ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy chúng vận động lâm tặc vào rừng khai thác gỗ trong cả mùa mưa. 

Tại điểm nóng Ea Súp, thời điểm này một nhóm đối tượng vẫn ngang nhiên mang cưa máy, xe kéo độ chế, dựng lán trại vào tiểu khu 267 thuộc địa phận xã Ea Bung phá rừng lấy gỗ, củi, lấn chiếm đất rừng như chốn không người. Điều đáng nói ở đây, mặc dù người dân nắm rất rõ hoạt động phá rừng của nhóm này, thế nhưng vẫn không thấy chủ rừng cũng như các cơ quan chức năng của huyện Ea Súp và xã Ea Bung ngăn chặn, xử lý.

 Huyện Ea Súp hiện có khoảng 86.000 ha rừng, trong đó có 80.964 ha rừng tự nhiên và hơn 3.200 ha rừng trồng. Đến thời điểm hiện nay, đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện do các công ty lâm nghiệp quản lý với diện tích 63.147 ha, trong đó có 41.487 ha rừng. Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho các doanh nghiệp tư nhân thuê đất thực hiện 28 dự án đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp và các dự án khác với tổng diện tích là 19.974 ha, trong đó có 12.010 ha rừng. Diện tích do UBND cấp xã quản lý là 11.592 ha, trong đó diện tích rừng là 6.912 ha. Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Ea Súp đã có hơn 191 ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép. 

Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, trong Quý I năm 2017, các cơ quan chức năng tỉnh đã phát hiện và xử lý 293 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 116 phương tiện và 323 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2,1 tỷ đồng. 

Mới đây ngày 18/7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện chiếc xe tải mang BKS: 76C – 055.78 đang chạy trên đoạn đường đi qua xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, ra hướng trung tâm huyện có nhiều biểu hiện nghi vấn. Sau khi yêu cầu dừng kiểm tra, Tổ công tác đã phát hiện trên xe chở nhiều cây gỗ bằng lăng thuộc nhóm 3 với tổng khối lượng hơn 15m3. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Trần Lê Quang Nhơ (SN 1991) ở TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan để chứng minh nguồn gốc số gỗ trên. 

Trước đó, vào tối 15/7, trong lúc tiến hành tuần tra, kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 14, đoạn qua thị xã Buôn Hồ phát hiện xe khách mang BKS 81B-006.41 của nhà xe Hòa Nhã đang lưu thông hướng từ Gia Lai -TP HCM có biểu hiện nghi vấn nên Trạm CSGT huyện Krông Búk phối hợp với Công an Kinh tế (thị xã Buôn Hồ) đã yêu cầu tài xế dừng lại để kiểm tra. Tại đây lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 3 tấn gỗ cẩm lai không có giấy tờ được giấu kín trong khoang chở hàng bên ngoài xếp các thùng xốp để qua mặt lực lượng chức năng. Tài xế điều khiển xe không xuất trình được những giấy tờ liên quan. Do vậy, lực lượng chức năng đã lập biên bản, đưa chiếc xe về trụ sở Công an thị xã Buôn Hồ để lấy lời khai, làm rõ vụ việc.

Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng đã phát hiện và bắt giữ hàng chục khối gỗ lậu do các tài xế vận chuyển trái phép.

    Thanh Tùng - Tuấn Anh

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ