A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đóng BHXH theo luật mới, ý kiến trái chiều

09:03 | 31/12/2015

Ngày 1/1/2016, luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) có hiệu lực. Luật này có một số quy định mới.

Cụ thể, thứ nhất là từ nay, các doanh nghiệp (DN) nhà nước, trước nay vẫn dùng hệ số lương cơ bản 1.150.000 đồng như của công chức, viên chức để làm cơ sở đóng BHXH cho người lao động, thì nay bắt buộc phải dùng hệ số lương cơ bản như các DN khác (từ 2,4 triệu đến 3,5 triệu tùy theo vùng) làm cơ sở để đóng BHXH. Thứ hai, tỷ lệ trích BHXH tính trên thu nhập thực tế hàng tháng của người lao động, bao gồm cả lương và phụ cấp, chứ không chỉ được trích căn cứ vào lương như trước nữa…

Việc trích BHXH từ thu nhập thực tế của người lao động đã khiến một số DN không còn đường “lách” (giảm lương nhưng tăng phụ cấp) để giảm mức đóng BHXH nữa.

Theo quy định thì tổng các mức phụ cấp không được quá 50% lương. Nhưng thực tế ở nhiều DN hiện nay, mức phụ cấp đã vượt quá 100% lương. Với các DN, thì việc tăng lương cho người lao động từ 1/1/2016 và mức BHXH được trích từ thu nhập thực tế của người lao động, đã gây nên một áp lực rất lớn về quỹ lương và mức đóng BHXH. Nhiều DN lo rằng việc đó sẽ khiến giá thành sản phẩm đội lên, sức cạnh tranh giảm sút.

Còn với người lao động, thì mức đóng BHXH được trích từ thu nhập thực tế thay vì chỉ trích từ lương như trước, cũng khiến họ cảm thấy thiệt thòi, vì hàng tháng mất thêm một số tiền. Lương và phụ cấp của họ, dẫu được tăng từ 1/1/2016 này, nhưng cũng chỉ đảm bảo được khoảng 70% mức sống tối thiểu. Nay phải đóng thêm, cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn.

Tuy nói là nếu đóng BHXH như thế, thì lương hưu sau này sẽ được tăng. Nhưng lương hưu là câu chuyện của 20, thậm chí 30 năm sau. Nên những thiệt thòi trước mắt, chẳng ai muốn cả. Đó là những ý kiến được rất nhiều cơ quan thông tin đại chúng đăng tải trong suốt mấy ngày qua.

Nhưng dẫu sao mặc lòng. Luật là luật. Mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội đều bắt buộc phải chấp hành luật. Muốn làm khác đi, bắt buộc phải chờ sửa luật.

Còn trước mắt, để giá thành sản phẩm không bị đội lên và có sức cạnh tranh, các DN bắt buộc phải tìm mọi cách cải tiến, đưa công nghệ mới vào sản xuất và tiết kiệm nhiều chi phí khác để bù vào số tiền lương mà người lao động được tăng và mức BHXH mới phải đóng, để không chỉ giữ vững mà còn hạ được giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Còn với người lao động, thì luật BHXH nhằm bảo đảm cho họ không chỉ trước mắt, mà còn là lâu dài, ngay cả khi họ đã hết tuổi lao động về nghỉ hưu. Với mức đóng BHXH như hiện nay, tuy trước mắt thu nhập có giảm, nhưng mức lương hưu mà họ nhận được sau này chắc chắn sẽ cao hơn, chứ không phải là một mức lương “tượng trưng” như hiện tại.

Trước những ý kiến trái chiều trên, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề của xã hội của Quốc hội, cho rằng “Nếu nói cho dân hiểu dễ dàng, thì từ lâu đã không cần tới các bộ máy chuyên môn, nghiên cứu và thực thi chính sách của đảng và Nhà nước. Đưa ra chính sách dựa trên lợi ích của nhân dân nhưng không phải cái gì cũng có thể chờ dân hiểu mới làm. Nếu cần áp luật để giải quyết nhanh và dứt điểm vấn đề, ta vẫn phải làm”.

VŨ HỮU SỰ

 
 

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ