A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Con số đáng sợ !

14:08 | 10/11/2016

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), mỗi năm trên toàn quốc có khoảng gần 4.000 trẻ tử vong vì đuối nước, trung bình khoảng 10 trẻ em chết đuối mỗi ngày....

... Với thông số trên, Việt Nam được “xếp hạng” đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á về số trẻ em bị tử vong do đuối nước hàng năm, cao gấp 10 lần so với những nước phát triển trên thế giới. Đó là theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, còn theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì con số này cao hơn rất nhiều.

Công bố của WHO cho thấy, mỗi năm Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối. Theo đó, Việt Nam là quốc gia có số trẻ em bị chết đuối đứng thứ hai trên thế giới. So với mức trên 11.500 trẻ bị chết đuối tại Việt Nam, cũng là quốc gia châu Á và có nhiều sông ngòi, nhưng Thái Lan lại chỉ có khoảng 2.600 trẻ em chết đuối mỗi năm.

Khảo sát của WHO cho thấy, chết đuối là nguyên nhân hàng đầu trong số 5 nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em dưới 15 tuổi, ở 48/85 quốc gia được khảo sát, nhất là ở những nơi trẻ em đang sống gần các nguồn nước lộ thiên, như: Sông, suối, ao, hồ, cống rãnh, kênh tưới tiêu hay các hồ bơi...

Về nhận định trên của WHO thì Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) hoàn toàn đồng tình. Cục này khẳng định: Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật cho trẻ em Việt Nam. Số trẻ em tử vong tăng cao vào dịp hè và trong mùa mưa lũ hàng năm.

Vào mùa hè do điều kiện khí hậu nóng bức, trẻ thường rủ nhau đi bơi ở ao, hồ, sông, suối, thậm chí là ở bể bơi nhưng thiếu sự giám sát của người lớn nên nguy cơ tử vong do đuối nước rất cao. Đặc biệt, trong những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ đuối nước hết sức thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều em nhỏ.

Các nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng, tỷ lệ trẻ tử vong cao do đuối nước có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, nhưng trước hết là môi trường sống của các em không an toàn. Nước ta có nhiều sông, suối, ao, hồ, bờ biển dài. Diện tích mặt nước cao làm tăng nguy cơ về đuối nước ở trẻ em.

Hàng năm, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra nhiều tháng trời. Miền Trung và miền Bắc xuất hiện thiên tai, lũ quét, mưa bão nhiều. Ngay cả những bể chứa nước, hố công trình ở thành phố, hay giếng nước, hố vôi, mương... ở nông thôn cũng tiềm ẩn những nguy cơ đuối nước với trẻ em.

Điều kiện khách quan về địa lý đã là nguy cơ trùng trùng đối với sự an toàn tính mạng của trẻ nhỏ, song nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng gia tăng số trẻ em đuối nước cũng không ít: Sự thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức, hay thậm chí là vô cảm của người lớn, của các cơ quan có trách nhiệm trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Từ đầu năm đến nay liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước tập thể khiến hàng chục trẻ em tử vong. Chỉ cách đây mấy tháng, ngày 4/5/2016, 4 nữ sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Huệ (Khánh Hòa) tử vong khi đi tắm biển; hay như chỉ trong 2 ngày của tháng 4/2016 đã có 12 em nhỏ của tỉnh Quảng Ngãi thiệt mạng do đuối nước...

Đau lòng còn ở chỗ, tưởng như việc đuối nước chỉ xảy ra ở các vùng nông thôn, bờ biển, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối... nhưng những tai nạn thương tâm trên lại xảy ra ở ngay tại các khu đô thị sầm uất, nơi được coi là có cuộc sống hiện đại và văn minh.

Chắc chẳng ai còn tỏ ra ngạc nhiên với thông tin trẻ em bị đuối nước tại các bể bơi, chết đuối tại các hố ga không có nắp đậy... Đó đâu phải là “lỗi của thiên nhiên” hay “điều kiện khách quan”, mà đó hoàn toàn là do ý thức chủ quan, sự thiếu trách nhiệm hay chí ít là vô tâm của người lớn, bố mẹ, thậm chí là các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Để giảm thiểu tình trạng số trẻ em tử vong do đuối nước ngày càng gia tăng, gia đình, nhà trường và xã hội cần luôn phải có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, giáo dục trẻ em về ý thức phòng, chống tai nạn đuối nước; đưa nội dung giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước vào các hoạt động của trường, lớp, Đoàn, Đội; khuyến cáo học sinh không tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh; sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở và những nơi nguy hiểm khác.

Thống kê cho thấy, hiện chỉ có khoảng 35% trẻ em ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 10% trẻ em vùng Đồng bằng sông Hồng biết bơi, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong do đuối nước. Do vậy, cần thường xuyên tổ chức dạy bơi cho học sinh, sinh viên nhằm nâng cao kỹ năng bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho các em.

Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài gần 3.300km, trải dọc chiều dài của đất nước; hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt từ Bắc tới Nam là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, cũng như giao thương với quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân cướp đi hàng nghìn sinh mạng trẻ em mỗi năm do tai nạn đuối nước.

Con số đáng sợ về những cái chết thương tâm do đuối nước trên là lời cảnh báo sâu sắc cho mỗi bậc cha, mẹ và toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ - thế hệ mầm non tương lai của đất nước.

Lê Anh Đức

______________________________________________________

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ