A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Quyết giảm chi phí

08:44 | 06/08/2017

Năm 2017 sẽ là năm giảm phí cho doanh nghiệp (DN), do đó, một trong những hành động của Chính phủ là sẽ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho DN.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ có những động thái quyết liệt để hiện thực hóa quyết tâm này.
 

Doanh nghiệp mong đơn giản thủ tục hành chính, giảm chi phí để thêm điều kiện phát triển.

Vì sao phải giảm chi phí cho DN, bởi đây là vấn đề cấp bách. Hiện các khoản chi phí đang là gánh nặng đè lên DN khiến DN Việt khó cạnh tranh để tìm chỗ đứng trên thị trường. Báo cáo khảo sát năm 2017 về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy, chi phí kinh doanh ở Việt Nam luôn đứng ở mức cao hơn so với các nước trong cùng khu vực như Singapore, Malaysia… Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam đang cao gấp gần 49 lần so với Philippines.

DN Việt Nam cũng phải chịu chi phí nộp thuế cao trong khu vực ASEAN, ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore. Chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các DN Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. Đây thực sự là vấn đề rất đáng quan ngại, bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt. 

Chi phí về logistics cũng đứng ở mức cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, chi phí về logistics luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các DN. Chẳng hạn, để vận chuyển 1 container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ngược lại (trong khoảng cách 100km), chi phí sẽ đắt gấp ba lần so với vận chuyển 1 container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Đó là chưa kể những khoản chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển… tự xảy đến với DN dù chưa chắc đó là lỗi chủ quan của các DN.

Vấn đề chi phí vay vốn, những rủi ro vay nợ, nhất là nợ ngắn hạn cũng luôn khiến các DN “đau đầu”, khi mà so với nước bạn loại phí này cũng nhẹ nhàng hơn nhiều. Giá thuê mặt bằng cũng luôn cao ngất ngưởng khiến DN không có cách nào khác phải tăng giá sản phẩm. Một loạt các loại phí được liệt kê ra để thấy những khốn khó của DN trong công cuộc tìm giải pháp giảm giá sản phẩm là không hề dễ. Tuy nhiên, các khoản chi phí đó mới chỉ là chi phí chính thức, phí dù có cao vẫn tính được. 

Đáng ngại nhất là vấn đề chi phí không chính thức. Theo kết quả nghiên cứu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI-2016) do VCCI công bố, có tới 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận đã phải trả loại phí này. Điều đáng nói là các khoản chi phí này luôn đứng ở mức cao, thậm chí năm sau cao hơn năm trước. Bởi khi được hỏi nhiều DN cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6% đến 8% giai đoạn 5 năm trước. Điều đáng buồn là để loại khoản chi phí này không hề đơn giản.

Giảm các khoản chi phí là việc không thể không làm - TS Nguyễn Minh Phong nói. Phải giảm chi phí bởi lẽ, hơn bao giờ hết, trước bối cảnh hội nhập như hiện nay, các DN cần giảm chi phí đầu vào để giảm giá thành thì mới có thể cạnh tranh được với hàng ngoại. Nếu chi phí cứ đứng ở mức cao như vậy, đừng nói đến chuyện cạnh tranh sản phẩm trên trường quốc tế mà DN Việt có thể sẽ bị thua ngay trên sân nhà.

Ông Phong khuyến nghị, phải nhanh chóng giảm phí chính thức và nói không với chi phí không chính thức. Muốn làm được điều này, thời gian tới cần phải rà soát lại những phí mà DN phải đóng. Theo đó, các cơ quan quản lý đặt ra các khoản phí “có tên” cần xem xét lại, khoản phí nào không cần thiết, không bắt buộc trong mỗi sản phẩm hàng hoá thì nên bỏ hoặc giảm bớt đi. Với những phí “không tên”, các cơ quan quản lý nên khảo sát, kiểm tra theo thực tế của các DN để ghi ra rõ những điểm không hợp lý để sớm loại bỏ. Điều đó đòi hỏi phải có sự hợp tác của DN. Nghĩa là các DN phải mạnh dạn kê khai ra và phải chỉ đúng những địa chỉ, những nơi có biểu hiện hành và bắt DN phải chi phí để kịp thời loại bỏ ra. 

Phải giảm phí cho DN, Chính phủ đã xác định năm 2017 là năm giảm chi phí cho DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại cuộc gặp gỡ thường niên với các DN. Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp các DN cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả.

Theo đó, các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Ví dụ như tăng cường kế khai nộp thuế điện tử; từng bước giảm tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống còn 15%; giảm chi phí logistics, chi phí liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu để giảm bớt gánh nặng cho DN. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước có biện pháp cụ thể phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho DN. 

Liên quan đến giảm chi phí cho các DN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngay trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Chính phủ đã họp chuyên đề về các biện pháp giảm mức phí đầu vào cho DN. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương phải rà soát các TTHC. Không thể để tình trạng có quá nhiều giấy phép của các bộ ngành (5.719 các thủ tục giấy phép) đè nặng DN. Vì thế, tinh thần Thủ tướng là rà soát và giảm các thủ tục, bởi có bộ tới 1.220 giấy phép, nhất là Bộ Công thương, bộ ít nhất cũng còn 106 giấy phép là Bộ Xây dựng.

“Lộ trình giảm chi phí đã được cụ thể hóa. Chẳng hạn Bộ Tài chính cho biết, sẽ giảm chi phí đường bộ BT, BOT, giảm chi phí chứng thư, tiện ích công cộng khu vực cảng. Đặc biệt, giảm chi phí phải đi kèm với giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra từ 30-35% xuống còn 15% trên tổng số lô hàng xuất nhập khẩu”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Hy vọng những động thái quyết liệt từ Thủ tướng mọi chuyện sẽ chuyển biến tích cực.

Nguyên Khánh

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ