A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dạy nghề ở Cư Kuin – Phát huy nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

05:30 | 18/09/2013

Cư Kụin là một huyện thuần nông, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc đảm bảo hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh việc mở các lớp dạy nghề nông nghiệp cho nông dân như lớp chăn nuôi - thú y, lớp trồng trọt và bảo vệ thực vật,… Trung tâm dạy nghề huyện Cư Kuin đã mở các lớp dạy dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc Ê đê. Việc đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc Ê đê không chỉ giúp họ tranh thủ lúc nông nhàn cải thiện đời sống mà còn góp phần phổ biến nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ê đê đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

 
Các học viên đang thực hành tại lớp dệt thổ cẩm K2/2013 do Trung tâm dạy nghề huyện Cư Kuin tổ chức tại buôn Jung A – Xã Ea Ktur.(Ảnh: Tuấn Hải)

Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm K2/2013 được Trung tâm dạy nghề huyện Cư Kuin tổ chức tại xã Ea Ktur, thu hút hơn 30 học viên là các phụ nữ dân tộc người Ê đê. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các chị em là đồng bào dân tộc tại chỗ tham gia lớp học, Trung tâm dạy nghề huyện Cư Kuin đã bố trí lớp học ngay tại Nhà cộng đồng của Buôn Jung A – xã Ea Ktur. Chỉ qua thời gian học nghề hơn 2 tháng, đến nay các học viên đã có thể nắm vững các thao tác cơ bản đối với nghề dệt. Một số học viên tiếp thu nhanh đã có thể thực hiện những hoa văn khó, tạo nên những sản phẩm dệt thổ cẩm rất bắt mắt. 


 
Bà H’ Joen Knul, giáo viên lớp dệt thổ cẩm K2/2013 ở Cư Kuin: Lớp dệt thổ cẩm không chỉ tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong buôn làng mà còn góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên (ảnh: Hoàng Dưỡng)

Bà H’ Joen Knul, giáo viên lớp dệt thổ cẩm K2/2013 do Trung tâm dạy nghề huyện Cư Kuin tổ chức cho biết: Các sản phẩm dệt thổ cẩm gắn bó hết sức chặt chẽ với đời sống và văn hóa của người dân tộc Ê đê. Từ những chiếc khăn người phụ nữ Ê Đê sử dụng để địu con lên nương lên rẫy đến những các loại trang của nam giới và nữ giới, rồi chiếc chăn v.v… đều từ bàn tay thủ công của người phụ nữ Ê đê dệt nên. Tuy nhiên, hiện nay nghề dệt thổ cẩm đã mai một đi nhiều và không phải người phụ nữ Ê Đê nào cũng biết để dệt cho mình những vật phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Các sản phẩm dệt thổ cẩm bằng phương pháp thủ công  hiện nay đã trở thành một thứ hàng hóa được người dân tộc Ê Đê hết sức ưa chuộng và tìm mua.


 
Cô H’ Joen Knul, giáo viên lớp dệt thổ cẩm lớp K2/2013 đang hướng dẫn các học viên thực hành.( ảnh: Tuấn Hải)

Được biết, hiện nay cũng có nhiều sản phẩm thổ cẩm được sản xuất theo phương pháp dệt công nghiệp được bán rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên các sản phẩm này thường có chất lượng không cao như sản phẩm được dệt thủ công nên không được người dân ưa chuộng. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc Ê Đê, sản phẩm thổ cẩm dệt thủ công còn mang những giá trị văn hóa đặc sắc riêng biệt. Do đó, sản phẩm thổ cẩm được dệt thủ công có lúc trong tình trạng khan hiếm hàng.

Nhiều bà con ở các buôn lân cận đến lớp xem các sản phẩm do các học viên lớp dệt thổ cẩm K2/2013 tổ chức tại buôn Jung A – Xã Ea Ktur thực hành đã hết sức thích thú và hài lòng với chất lượng của sản phẩm. Có người đã tranh thủ đặt hàng ngay tại lớp học khi sản phẩm còn chưa được hoàn thiện. 


 
Sản phẩm trong lớp học đã có người tìm đến đặt mua (ảnh: Hoàng Dưỡng)

Theo giá thị trường, mỗi chiếc khăn địu con hay chăn dệt thổ cẩm được bán với giá từ 800.000 đến 1.200.000 đồng. để dệt xong một sản phẩm như vậy hết khoảng 6 ngày. Sau khi trừ chi phí người dệt được khoảng 5 đến 6 trăm ngàn đồng tiền công.  

Ngoài lớp dệt thổ cẩm, từ đầu năm 2013 đến nay, Trung tâm dạy nghề huyện Cư Kuin cũng đã về tận các buôn mở thêm được 07 lớp đào tạo nghề chăn nuôi - thú y, may dân dụng, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng và chăm sóc cây cà phê cho 269 học viên là lao động nông thôn. 


 
Niềm vui của học viên khi được tham gia học nghề dệt truyền thống của dân tộc mình ngay tại buôn làng (ảnh Hoàng Dưỡng)

Tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp nông dân được trang bị thêm các kiến thức khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây trồng vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Các học viên hoàn thành các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như may dân dụng, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp. Từ đó người lao động có thể tự phát triển nghề, tìm những cơ hội việc làm ở trong nước hoặc tham gia xuất khẩu lao động.

Giáo viên của Trung tâm dạy nghề huyện Cư Kuin hướng dẫn học viên lớp chăn nuôi thú ý thực hành.(ảnh Hoàng Dưỡng)

Không chỉ quan tâm đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm dạy nghề huyện Cư Kuin còn coi trọng đến việc liên hệ với các công ty xuất khẩu lao động, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo việc làm cho học viên sau khi học nghề.

Hoàng Dưỡng - Tuấn Hải

 

    Nguồn: daklak.gov.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ