A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lửa nghề rèn đang dần... nguội?

20:45 | 22/09/2013

Trước đây, nghề rèn nông cụ phát triển mạnh ở vùng nông thôn và tạo nên cuộc sống no đủ cho nhiều thợ rèn.

Tuy nhiên, khi ngành sản xuất cơ khí phát triển mạnh khiến nông cụ làm bằng thủ công khó có chỗ đứng trên thị trường thì nghề này bắt đầu vắng khách; các thợ rèn lần lượt bỏ nghề.

Bếp lò tắt lửa

“Nghề rèn không ruộng không trâu/Làm ăn no ấm nhờ đầu ông đe/Sáng ra phụt phụt sè sè/Vợ thổi chồng đập họ nghe rầm rầm” - đó là câu ca dao lột tả một cách đầy đủ về nghề rèn. Đây là nghề thủ công có từ lâu đời, không cần nhiều vốn liếng nên được nhiều người ở những vùng quê không có đất đai phì nhiêu trồng trọt chọn làm kế sinh nhai. Và từ xa xưa, cái nghề nặng nhọc này không thể thiếu trong nền nông nghiệp lúa nước; hình thành nên những làng nghề rèn nổi tiếng như làng Vát (Bắc Ninh), làng Phú Sen (Cao Bằng), làng Phú Mỹ (An Giang), làng Phương Danh (Bình Định)… Hình ảnh bếp lò rực lửa hồng và âm thanh rền rã của tiếng búa lò rèn đã in dấu trong tâm thức biết bao người. Nghề rèn xuất hiện ở Dak Lak do những người ở các tỉnh phía Bắc đi kinh tế mới mang vào. Khi cây cà phê phát triển mạnh ở địa phương cách đây vài chục năm thì nghề rèn cũng bước vào giai đoạn hoàng kim. Ở các vùng như Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Năng… xuất hiện nhiều lò rèn của những người gốc Nam Định, Bình Định hay người Tày gốc Cao Bằng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây nghề này bắt đầu mai một, sản phẩm làm ra ngày càng ế ẩm, các thợ giỏi lần lượt bỏ nghề...

Nghề rèn đòi hỏi sức khỏe và sự kiên trì.

Bữa trước, tôi ghé vào thăm một lò rèn của ông Trần Văn Hà tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ nhưng lò đóng cửa, chủ nhân đi rẫy. Lên rẫy gặp, ông cho biết: ông mở lò rèn từ gần 20 năm nay, trước đây, khách đặt hàng thường xuyên, lò đỏ lửa liên tục suốt ngày đêm, vợ ông và 2 người thợ bạn có khi làm cả vài chục chiếc mỗi ngày, từ cuốc, xẻng đến dao, kéo…. Tuy nhiên, vài năm nay khách thưa dần, thỉnh thoảng mới có người đặt hàng hay hỏi mua cái cuốc. Những  người thợ bạn của ông không có việc làm nên bỏ đi làm thuê, riêng ông cũng chỉ nổi lửa lò khi rảnh rỗi hoặc có ai đó đặt hàng. Nhìn cái lò rèn đã lâu không đỏ lửa, lão thợ rèn nhớ lại: “Trước đây, cả xã có gần chục lò rèn, vào mùa làm cỏ cà phê, khách đặt hàng nhiều, các lò rộn ràng như hội. Bây giờ chỉ còn mỗi lò này, vài năm nữa rồi cũng đóng cửa”.

Trong cái lò rèn nhỏ xíu bên tỉnh lộ 5 thuộc xã Ea Bar – huyện Buôn Đôn, ông Trần Văn Vũ đang mài mấy cái lưỡi cuốc. Ông Vũ mang theo nghề rèn từ quê Bình Định lên lập nghiệp ở vùng đất mới nhưng gần đây không làm được nhiều do vắng khách. Do không có nghề gì khác nên ông vẫn bám vào cây búa cái đe để kiếm tiền nuôi con học năm cuối trường nghề. Kiếm không ra người phụ, đứa con trai của ông tranh thủ phụ giúp cha lúc rảnh rỗi. Ông chia sẻ: “Nó cũng học nghề cơ khí đấy nhưng không biết gì về nghề rèn, thanh niên ở đây cũng không đứa nào theo nghề này”.

Giữ lửa nghề rèn

Trước tình trạng ế ẩm của hàng nông cụ sản xuất bằng thủ công, nhiều chủ lò rèn đã đầu tư máy búa, máy mài, máy cắt… để sản xuất số lượng lớn bán lại cho các xưởng cơ khí. Nhờ vậy, công sức lao động họ bỏ ra cũng ít hơn nhưng thu nhập cao hơn. Điển hình là anh H. ở phường Khánh Xuân – TP. Buôn Ma Thuột khi nhận làm sản phẩm cho một xưởng cơ khí lớn để xuất đi các tỉnh khác, mỗi tháng thu nhập gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, anh cho biết: do làm với số lượng lớn theo đơn đặt hàng nên sản phẩm không tinh xảo như làm thủ công trước đây.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số lò rèn mà sản phẩm được làm thủ công một cách cẩn thận theo từng công đoạn. Tuy nhiên, nghề rèn đòi hỏi phải có sức khỏe, kiên trì và khéo léo. Đồng thời, để cho ra sản phẩm đẹp, chất lượng tốt thì phải biết phân biệt chất thép và định lượng lửa tôi từng loại nông cụ cho phù hợp. Để đạt được tay nghề điêu luyện như thế, người thợ phải học nghề rất lâu. Người thầy thử thợ đã lành nghề hay chưa bằng cách đưa cho thanh sắt và yêu cầu rèn con dao, sau đó họ kiểm tra hình dáng, độ bén, độ chín, độ nặng, nếu đạt mới cho ra nghề. Anh Nguyễn Quang Tuyên, chủ lò rèn tại thôn 7, xã Ea Ktua, huyện Cư Kuin xuất thân trong gia đình có nghề rèn nổi tiếng tại làng Quang Trung, Vụ Bản (Nam Định) đã gần 30 năm trong nghề và đến nay lò của anh vẫn luôn đỏ lửa. Theo anh, làm nghề này là làm bạn với sức nóng của lò và tiếng búa đập liên hồi. Để rèn được một sản phẩm phải qua ba bước: ra phôi, lắp ráp và hoàn thiện, trong đó công đoạn ra phôi quan trọng nhất bởi nó quyết định đến chất lượng của sản phẩm sau khi ra lò. Để có được phôi thép chuẩn là bí kíp riêng của từng người vì mỗi loại thép, mỗi loại sản phẩm phải được tôi ở nhiệt độ, thời gian khác nhau.

Trong khi đó, anh Bùi Mạnh Hải ở Pơng Đrang, huyện Krông Buk cũng đã gắn bó với nghề rèn hơn 20 năm nay và được gọi bằng cái tên thân mật “Hải lò rèn”. Mặc dù sản phẩm rèn của anh làm hoàn toàn bằng thủ công nhưng kiểu dáng đẹp, bền, sắc bén nên được nhiều người dân trong vùng tin dùng. Cái lò rèn nhỏ ngay góc vườn của anh hầu như ngày nào cũng đỏ rực than hồng và tiếng đập búa chan chát. Với việc chuyên làm các loại mặt hàng nông cụ như cuốc, xẻng, xà beng, rựa, dao cạo mủ cao su… nghề rèn là nguồn sống chủ yếu của 5 miệng ăn trong gia đình anh. Ngắm con dao sáng choang vừa rèn xong, anh chia sẻ: “Có lẽ không nghề nào nặng nhọc như nghề rèn nhưng làm mãi rồi cũng quen. Có cái nghề kiếm sống chính đáng là vui rồi”!

Có thể, làm nghề rèn chỉ đủ sống chứ chẳng khấm khá gì, nhưng khi vẫn còn ngọn lửa hồng reo vui mỗi sớm và tiếng búa đập rộn ràng từ những đôi tay chắc khỏe vang lên trong mỗi lò rèn cũng có nghĩa là cái nghề thủ công truyền thống này vẫn còn sức sống.

Minh Thông

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ