A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cải cách thủ tục hành chính, không thể lơ là

09:38 | 04/06/2018

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ nhiều Bộ cắt giảm thủ tục nhưng vẫn còn hình thức, chưa đi vào thực chất, vẫn còn khó khăn cho doanh nghiệp và môi trường đầu tư.

Do vậy, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính (cắt giảm 50% thủ tục). 

Tất nhiên, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế. Bởi, vượt qua rừng thủ tục, doanh nghiệp (DN) đã mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, cơ hội đầu tư.

Thực tế đã chứng minh, kinh tế có bước tăng trưởng vượt bậc sau khi đẩy mạnh cắt giảm các TTHC một cách thực sự.

Để “thanh toán” điểm trũng về cải cách TTHC, rất nhiều quyết sách được Chính phủ ban hành trong đó có Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Có thể nói, từ khi Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được ban hành từ năm 2014, sau 4 năm triển khai thực hiện, đến nay đa số các chỉ số đều có sự cải thiện đáng kể.

Trong đó các chỉ số về tiếp cận điện năng, nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo vệ nhà đầu tư là những chỉ số có mức độ cải thiện tốt nhất.

Cụ thể, với những cải cách và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chỉ số nộp thuế và BHXH năm 2017 đã tăng 87 bậc so với năm 2014. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 cũng đã được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng; tăng được 0,1 điểm và lên 5 bậc, từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/138 quốc gia theo xếp hạng của WB.

Đồng thời, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng tăng lên khi mà cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập là Moody, Standard and Poor và Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức ổn định năm 2016 lên mức tích cực năm 2017.

Lợi ích của cải cách TTHC thấy rõ nhất đó là kinh tế đầu năm 2018 đã có những bước phát triển vượt bậc.

Nền kinh tế đã không còn phụ thuộc vào khai khoáng nhưng vẫn đạt được những thành tích vượt bậc (GDP quý 1 đạt  7,38% tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua).

Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế dự báo GDP năm 2018 của Việt Nam sẽ đạt trên 7% nhờ những nỗ lực từ cải cách…

Dù đạt được những thành tích đáng kể như vậy nhờ nỗ lực cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng vẫn chưa đạt được những mục tiêu đề ra, chất lượng chỉ số môi trường kinh doanh vẫn chưa bằng mức trung bình của 4 nước ASEAN.

Lý do của thực trạng này theo TS Nguyễn Đình Cung- viện trưởng CIEM, mục tiêu cắt giảm theo tinh thần Nghị quyết 19 đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt giữa các bộ, ngành. 

Chẳng hạn, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 ĐKKD, chiếm 34,2% trong tổng số 345 ĐKKD thuộc 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhưng vẫn chưa có phương án sửa đổi cụ thể.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 51 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) nhưng cũng chưa có phương án sửa đổi rõ ràng.

Thậm chí, một số bộ như Bộ LĐTBXH, Bộ TNMT… chưa thực hiện rà soát chi tiết cũng như thống kê số lượng ĐKKD cần bãi bỏ, sửa đổi; đề xuất sửa đổi một số quy định chưa phù hợp với một số luật mới. 

Trong khi đó, ngay cả các bộ, ngành rất tích cực trong cải cách TTHC thì hiệu quả cũng chưa thể đến ngay bởi nó còn độ trễ của chính sách.

Chẳng hạn, Bộ Công thương rất tích cực cắt giảm TTHC, bãi bỏ ĐKKD bất hợp lý, nhưng từ khi bắt đầu chuyển động đến lúc có nghị định chính thức cũng mất 6-7 tháng.

Vì vậy, Chính phủ đặt ra mục tiêu cắt giảm 50% TTHC, ĐKKD, thì cần phải chuyển động nhanh hơn, thực hiện quyết liệt hơn mới có thể đạt được.

Thực tế, để có một nghị định được ban hành thì cũng phải đến tháng 9, tháng 10, thậm chí cuối năm với triển khai được.

Chính phủ cần có công cụ kiểm tra, giám sát thường xuyên việc này. Bởi sự chưa đồng thuận, hay nói cách khác là chần chừ trong cải cách, vẫn còn rất lớn trong nội bộ các bộ.

Chần chừ trong cải cách TTHC theo nhiều chuyên gia nó không nằm ở TTHC mà tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hoặc “nóng không đều” vẫn còn và mới chỉ có tiến bộ ở các chỉ số, các ngành, các lĩnh vực có vấn đề nóng được xã hội đặc biệt quan tâm, phản biện, góp ý và yêu cầu mạnh mẽ từ phía DN, Hiệp hội DN, còn ở nhiều lĩnh vực cần cấp thiết cải cách thì sự chuyển động cũng chưa nhiều.

Để thực hiện Nghị quyết 19 có hiệu quả, theo TS Trần Đình Thiên thì từ lời nói, lời hứa, đến hành động thực tế, cắt giảm thực tế và triển khai là cả vấn đề.

“Chúng ta đang có đà cải cách, nếu cỗ xe dừng lại hoặc đi chậm là chết”. Ông Thiên cho rằng việc cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh chỉ mới là bước tạo đà, là nền tảng, chưa phải cái gì quá đột phá.

“Cứ nhìn sang Trung Quốc thì thấy rõ người ta cải cách như thế nào.

Không chỉ tạo nền tảng mà còn phải đột phá theo hướng tận dụng cơ hội của thời đại công nghiệp 4.0. Vấn đề là làm thế nào để nền kinh tế bứt phá.

Chứ cứ đi gỡ những cái do chúng ta tự tạo ra rồi coi đó là thành tích vĩ đại thì không nên”- theo ông Thiên. Vì vậy cần tiếp tục kiểm tra giám sát, giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành địa phương để không còn tình trạng cải cách TTHC một cách hình thức, nói nhiều làm ít.

Nhắc lại, để đẩy mạnh công cuộc cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 lần thứ 4 với mong muốn tháo gỡ thực sự những vướng mắc liên quan đến TTHC chính, tạo môi trường thông thoáng cho các DN.

Điểm mới ở đây là tập trung vào những chỉ số trong những năm qua chưa đạt hoặc chưa tăng hạng, chậm cải thiện hoặc chưa cải thiện như khởi sự DN, giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Bên cạnh đó, cũng mở rộng phạm vi cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực cụ thể mang tính chất lan tỏa như du lịch và logistics… 

Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là thay đổi về phương thức quản lý. Nếu như các bộ, ngành chỉ đơn thuần cơ học bãi bỏ các rào cản pháp lý, nới lỏng quy định pháp luật mà không áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến thì sẽ không thực hiện tốt chức năng quản lý của mình.

Đặc biệt là ở các địa phương, vai trò của người đứng đầu lại càng quan trọng. Cần phải có cơ chế để các địa phương có sự thay đổi, cạnh tranh tốt hơn.

Và sẵn sàng đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức thái hóa, biến chất, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ là rào cản tiến trình cải cách. Có như vậy các bộ ngành, địa phương mới không thể, không dám lơ là công tác cải cách TTHC được.  

 Nguyên Khánh

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ