A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Để đô thị an toàn trong mưa bão

12:31 | 20/08/2023

Tình trạng mưa lũ xói mòn làm sạt lở nhiều nơi đang báo động về độ an toàn của các vùng đô thị trước mùa mưa bão. Kể cả những đô thị ở vùng cao như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột… cũng không thể tránh khỏi nguy cơ ngập úng, lũ quét cường độ cao.

Các đô thị đang rất cần những tính toán và giải pháp hiệu quả.

Khi diện tích đô thị “phình to”…

Cách đây ít tuần, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (TP. Hồ Chí Minh) đã có bài viết cảnh tỉnh tình trạng phát triển đô thị ồ ạt, quá mức mà không tính toán đến các vấn đề “hậu đô thị”, bởi thực trạng “tham lam” của các nhà quy hoạch và tổ chức quy hoạch phát triển. Lập luận của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn rất rõ ràng với ba căn nguyên tạo nên những nguy cơ cho đô thị.

Thứ nhất là tính toán phát triển quy hoạch của các đô thị, đặc biệt là những đô thị tăng tốc quá nhanh trong 20 năm qua, chỉ chăm chú mở rộng vành đai, chiếm hữu thêm nhiều diện tích bê tông hóa mà thiếu những mảng không gian xanh cần thiết, những vùng đệm an toàn cho kiến trúc đô thị.

Thứ hai là việc xây dựng những đô thị dựa trên nền tăng trưởng hạ tầng “cứng” lại bỏ sót những yêu cầu hạ tầng “mềm”, là vùng đất tự nhiên, thấp trũng có khả năng thoát úng và chống lũ. Khi hạ tầng đường phố mở rộng không tương xứng với hạ tầng thoát nước, những điểm đấu nối ngầm, thì rõ ràng nguy cơ quá tải thoát nước đô thị dưới những trận mưa lũ là có thật.

Thứ ba, việc quy hoạch các đô thị phải hướng đến những tầm nhìn “xanh” dưới góc độ an toàn nhất, ít chịu tác động của biến đổi khí hậu. Thực trạng biến đổi khí hậu này đang không loại trừ bất kỳ vùng lãnh thổ, khu vực nào trên mặt đất, đặc biệt là tác động về mưa bão, cần được các cấp quản lý quy hoạch có tầm nhìn xa và những giải pháp căn cơ, hiệu quả.

Lực lượng chức năng cứu hộ người dân ở một khu dân cư nội thành TP. Buôn Ma Thuột trong trận lụt lịch sử năm 2019. Ảnh: Đinh Nga

Nhìn lại cả ba vấn đề này, rõ ràng các đô thị lớn Việt Nam đều đang vướng phải. Người dân Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã nhiều năm đối diện mưa ngập, triều cường mà dường như chưa có cách nào tháo gỡ khi mùa mưa về. TP. Đà Nẵng, đô thị đáng sống được đề cao cũng luôn bị ngập úng giữa mùa mưa, và trận lũ úng mới đây nhất vào tháng 10/2022 đã nhấn chìm hàng trăm tỷ đồng tài sản người dân. Đến nay, thậm chí các đô thị vùng cao như Đà Lạt, Lạng Sơn… cũng hiện diện mối nguy lụt cục bộ, đe dọa sự an toàn cho hàng nghìn hộ dân.

Hướng nào cho TP. Buôn Ma Thuột?

Đô thị Buôn Ma Thuột với vị trí trung tâm vùngTây Nguyên, dĩ nhiên không thể bỏ qua được những chỉ số tăng trưởng diện tích nhà ở, bê tông hóa, cao tầng hóa… Diện mạo một thành phố hiện đại, văn minh hiện hữu trong tốc độ phát triển đầu tư và xây dựng này. Thậm chí, mật độ hình thành các cụm đô thị, khu dân cư mới xung quanh thành phố, tại các cửa ngõ then chốt, chính là tiêu chuẩn quan trọng để “tính điểm” cho đô thị này “vươn tầm”.

Song là địa phương đi sau, TP. Buôn Ma Thuột dĩ nhiên có cơ hội tính toán lại bài toán phát triển của mình. Ngành xây dựng và giao thông Đắk Lắk cũng đã nhìn thấy vấn đề nguy cơ trong phát triển đô thị, để không ngừng tìm kiếm những giải pháp đầu tư trách nhiệm, an toàn nhất cho các đô thị địa phương, nhất là đô thị trung tâm Buôn Ma Thuột. Điều này biểu hiện ở những bước triển khai và theo dõi giám sát chặt chẽ các dự án, công trình đầu tư mở rộng mới các khu, cụm đô thị, mà tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính an toàn cao nhất trong phát triển đô thị, Buôn Ma Thuột cần hướng đến ba vấn đề trọng yếu.

Vườn hoa Đà Lạt sau trận mưa lũ cuối tháng 6/2023. Ảnh: Lâm Viên

Thứ nhất là tổ chức quy hoạch và giữ vững quy hoạch, chú ý quy hoạch phân vùng, phân loại đất chính xác và ổn định. Những sửa đổi, biến thiên quy hoạch theo các dự án đăng ký nằm ngoài quy hoạch đang là lý do chính dẫn đến những bất cập, vướng mắc về kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng ngầm. Bởi hạ tầng này nằm khuất mắt quan sát, nếu không thực thi nghiêm túc, đảm bảo những yêu cầu đấu nối, cao trình, cửa thoát… cân bằng, hợp lý, mọi nguy cơ ngập úng sẽ chỉ phát hiện ra khi có sự cố, mà lúc đó thì mọi cái rất khó sửa chữa. Do đó, kiên định quy hoạch là tiêu chí hàng đầu phải giữ vững.

Thứ hai, phát triển nội vùng đô thị phải đi cùng việc bảo vệ an toàn vành đai, giữ vững những vùng tự nhiên xung quanh. Lợi thế của Buôn Ma Thuột là có cả một vùng thiên nhiên bên ngoài, giúp đô thị giữ được tâm thế ổn định của một đô thị gắn liền kinh tế nông nghiệp bền vững. Nhưng nếu không quyết liệt giữ tốt diện tích quy hoạch nông nghiệp, đất đai canh tác vùng ven, là khu vực vùng đệm chứa nước trong vấn đề thoát lũ chống úng, một khi có thiên tai xảy ra, hậu quả cũng sẽ không lường hết được.

Thứ ba, trong phát triển nội bộ các khu đô thị, cần cân đối được tỷ lệ xây dựng với mật độ cây xanh, mặt đất tự nhiên, tạo những vùng trũng cần thiết để chứa nước mưa lưu lượng lớn. Vấn đề này nhiều đô thị đã tính đến nhưng khi triển khai lại không giám sát tốt, đến khi hoàn thiện đầu tư mới nhận ra thì sự đã rồi. Những phần diện tích công viên cây xanh, khu chợ dân sinh, trường học… chính là những khoảng đệm cần thiết, các dự án đầu tư phát triển đô thị không nên bỏ lỡ và quên đi. Ngay với những công trình cao tầng, vấn đề mái thoát nước nhanh cũng cần tương ứng khẩu độ cống thoát trên đường, mới có thể bảo đảm độ an toàn cho các gia đình cư dân.

Ngoài ba yếu tố quan trọng này, quy hoạch đầu tư, phát triển và quản lý đô thị Buôn Ma Thuột còn phải tính đến những bài toán phân bổ hợp lý mật độ cư dân, những câu chuyện nhỏ về xử lý rác thải đô thị, cải thiện ý thức người dân về bảo vệ môi trường… Tất cả, cần hợp nhất thành bài toán hiệu quả cao nhất về kiểm soát một đô thị an toàn, khô sạch trong mùa mưa bão!

Nguyên Đức

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/kinh-te/202308/de-do-thi-an-toan-trong-mua-bao-902188a/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ