A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2024

10:23 | 03/09/2024

Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Quy định mới về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2024.

Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi sơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó, từ ngày 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024: Mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Từ ngày 1/12/2024 trở đi: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Quy định mới về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước

Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 30/7/2024 có hiệu lực từ ngày 15/9/2024 sửa đổi, bổ sung Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH bổ sung Điều 9a về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp nhà nước) được quy định như sau:

- Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty rà soát và quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 9a Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH) làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

- Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao động tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH).

- Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Hướng dẫn phương pháp lập giá bán điện bình quân

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BCT ngày 30/7/2024 quy định tính toán giá bán điện bình quân. Thông tư có hiệu lực chính thức từ 14/9/2024.

Thông tư 09/2024/TT- BCT hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Trong đó, Thông tư hướng dẫn chi tiết về phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm cũng như công thức tính toán để có kết quả giá điện cuối cùng.

Theo đó, giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm được tính toán dựa trên các chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành trong giá bán điện bình quân hằng năm/trong năm.

Từ ngày 1/9/2024, áp dụng quy định mới về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị

Ngày 10/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2024/NĐ-CP trong đó sửa đổi một loạt quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị. Nghị định số 83/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2024.

Về số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc bộ, Nghị định số 83/2024/NĐ-CP sửa đổi điểm a, b khoản 5 Điều 22 của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP như sau:

a) Vụ thuộc tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức, cục (trừ cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 04 tổ chức được bố trí không quá 02 cấp phó;

b) Vụ thuộc tổng cục có trên 20 biên chế công chức; cục (trừ các cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có từ 04 tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.

Sửa quy định mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 43/2024/TT-NHNN ngày 9/8/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/9/2024.

Thông tư 43/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư 01/2014/TT-NHNN về việc mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước như sau:

- Mua ngoại tệ từ ngân sách nhà nước:

Căn cứ vào kế hoạch bán ngoại tệ hằng năm của ngân sách nhà nước và văn bản đề nghị bán ngoại tệ của Bộ Tài chính và/hoặc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước từ ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.

- Bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước:

Căn cứ văn bản đề nghị mua ngoại tệ của Bộ Tài chính để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án cân đối bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước trình Thống đốc NHNN phê duyệt và thông báo với Bộ Tài chính.

Căn cứ vào phương án cân đối bán ngoại tệ đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện việc bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.

PV 

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/nhung-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-9-2024-10289192.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ