A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sách giáo khoa: Độc quyền khép kín!

07:52 | 26/09/2018

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức biên soạn vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu

Ngày 25-9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã họp phiên toàn thể cho ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách pháp luật về xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017 do ủy ban này tiến hành thực hiện.

Quy định pháp luật tạo thế độc quyền

Trưởng đoàn khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho biết đoàn khảo sát đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Công Thương và tiến hành khảo sát thực tế ở TP Hà Nội, TP HCM và Lâm Đồng; tổ chức tham vấn các chuyên gia và đề nghị của một số địa phương.

Bà Hoa cho hay SGK là một loại xuất bản phẩm đặc biệt, chịu điều tiết bởi nhiều quy định pháp luật. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát, một số quy định về xuất bản, in, phát hành SGK đã bộc lộ một số bất cập. Cụ thể là quy định về thẩm quyền của Bộ GD-ĐT trong biên soạn, xuất bản, in và phát hành SGK, giáo trình tại khoản 3, điều 99 Luật Giáo dục hiện hành được cho là nguyên nhân chính dẫn tới độc quyền trong hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK trong những năm qua.

Mặc dù Luật Xuất bản 2012 đã có một số quy định về điều kiện xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm nhưng chưa đủ để điều chỉnh khắc phục những bất cập nêu trên. Quy định về việc sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất SGK trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông (sử dụng một bộ SGK thống nhất trên cả nước) tại khoản 3, điều 29 Luật Giáo dục hiện hành đến nay không còn phù hợp, mâu thuẫn với quy định "thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học" của Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông…

Chưa hết, quy định về chế tài xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản, in, phát hành còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu tình hình vi phạm ngày càng tăng và tinh vi như hiện nay…

Nguy cơ lạm dụng vị trí độc quyền

Chính vì Luật Giáo dục quy định Bộ GD-ĐT có thẩm quyền tổ chức biên soạn, thẩm định, giao NXB tổ chức biên tập, xuất bản, phát hành SGK nên trong thời gian qua, việc xuất bản SGK được thực hiện theo quy trình: bản thảo sau khi được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt sẽ giao cho NXB tổ chức xuất bản, in và phát hành. Chính điều này tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành.

Từ việc chỉ có duy nhất một đơn vị được giao tổ chức xuất bản SGK dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền gây hạn chế cạnh tranh, hạn chế việc thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong phát hành, đáp ứng yêu cầu xuất bản SGK không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định SGK.

Cách thức phát hành SGK giáo dục phổ thông thực hiện chủ yếu theo hệ thống nội bộ, khép kín của NXB và kết quả đấu thầu trong thời gian qua cho thấy hoạt động in SGK còn phân tán, khép kín, tính cạnh tranh chưa cao… có thể dẫn đến hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in.

Thay mới SGK hằng năm gây lãng phí rất lớn. Ảnh: TẤN THẠNH

Lãng phí ngân sách lớn

Đặc biệt, mặc dù giá bán SGK giáo dục phổ thông 2000 khá thấp so với mặt bằng chung của thị trường xuất bản phẩm và giữ nguyên từ năm 2011 nhưng trong nhiều năm qua, tình trạng phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần, thay mới hằng năm, gây lãng phí phân sách nhà nước, gây bức xúc dư luận xã hội. Bà Hoa dẫn chứng do phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần dẫn đến việc SGK thay mới với số lượng lớn hằng năm (NXB in, phát hành khoảng 100 triệu bản, doanh thu gần 1.000 tỉ đồng/năm).

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc biên soạn, thiết kế SGK chưa hợp lý, đã đưa các dạng/mẫu bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với các "câu lệnh" để học sinh điền/viết vào chỗ trống, lựa chọn đúng sai, nối, khoanh vẽ đánh dấu, tô màu… vào hầu hết SGK.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT nêu rõ số lượng SGK đã in, phát hành giai đoạn 2012-2017 là rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2017 là 107.807.120 bản sách trên tổng sản lượng 312.000.000 bản in xuất bản phẩm cả nước. Nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN và tài liệu "Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục" thì lên tới 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc.

Giá cao do chiết khấu tới 40%

Hiện nay SGK in tại hơn 90 cơ sở in tại 63 tỉnh, thành trong cả nước phải chuyển về nhập kho, sau đó chuyển đến các công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục tại các miền rồi mới chuyển về các công ty phát hành sách địa phương, sau đó chuyển cho các cơ sở giáo dục hoặc đại lý làm tăng chi phí vận chuyển. Theo khảo sát, mức chi chiết khấu phát hành SGK khoảng 250 tỉ đồng/năm.

"Việc NXB thực hiện chiết khấu tới 40% cho đại lý bán SGK sẽ làm giá bán của sách tăng lên. Đề nghị Bộ GD-ĐT có chấn chỉnh để giảm tỉ lệ chiết khấu nhằm giảm giá bán sách cho người dân" - bà Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh.

 

Học sinh viết, vẽ vào SGK thì giáo viên bị xử lý?

Bộ GD-ĐT đã có chỉ thị về sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong chỉ thị này, Bộ GD-ĐT thừa nhận hiện nay trên thị trường đang có sự lãng phí lớn khi chỉ khoảng 35% SGK được dùng lại.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỉ lệ SGK được sử dụng nhiều lần, Bộ GD-ĐT yêu cầu giám đốc các sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường học tổ chức quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn bảo quản SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền. Các trường hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không được trực tiếp viết, vẽ vào SGK.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các sở GD-ĐT tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các trường học khiến học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các trường học, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Chỉ thị của Bộ GD-ĐT lập tức gây tranh cãi. Một giáo viên lớp 4 của một trường tiểu học đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay năng lực học sinh khác nhau, có em tiếp thu nhanh, có em tiếp thu chậm. Có em phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần mới hiểu bài. Vậy nếu hướng dẫn học sinh mà em ấy viết vào sách thì giáo viên bị xử lý hay sao? Nhiều học sinh tính tình cẩu thả, không cẩn thận làm rách hay bị dây mực vào sách thì giáo viên có bị xử lý hay không?

Một giáo viên Trường THCS Yên Hòa, Hà Nội đặt vấn đề SGK là tài sản của học sinh, do cha mẹ, gia đình học sinh mua nên không ai có quyền cấm các em viết, vẽ vào sách. Quy định buộc giáo viên yêu cầu học sinh không viết vào SGK là bất hợp lý.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng việc ban hành một công văn hướng dẫn quản lý, phát hành và sử dụng SGK cần phải đi từ cái tâm và cái tầm của nhà quản lý... Theo ông Vinh, nếu vì lợi ích của người học cũng như lợi ích quốc gia thì nên có những chia sẻ về tinh thần tiết kiệm khi sử dụng SGK gửi đến người dân. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT nên phát động phong trào giữ gìn SGK sạch đẹp và khuyến khích trưng mua lại với giá rẻ hoặc cho lại nhà trường để tập trung lại và hỗ trợ cho các trẻ thuộc gia đình nghèo đi học đỡ phải mua SGK cho năm học mới.

Chuyên gia này nhấn mạnh chỉ thị chỉ là văn bản hành chính đôn đốc, nhắc nhở cơ quan, cá nhân thuộc quyền mình quản lý để thực hiện một văn bản quy phạm pháp luật, một chủ trương, chính sách hay một quyết định mà không thuộc văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, chỉ thị không được có điều khoản xử lý, chế tài. "Không biết bộ phận nào tham mưu cho bộ trưởng mà lại có một chỉ thị vừa thiếu logic vừa không đúng thể thức như vậy!" - ông Vinh nói.

Yến Anh

 

Thế Dũng

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ