A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lương giáo viên: Cần tránh cào bằng

08:29 | 04/03/2019

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến hoàn thiện, trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và bổ sung một số điều trong luật này. Trong đó, nội dung trả lương giáo viên theo vị trí việc làm thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Trả lương giáo viên theo vị trí việc làm nhằm tạo động lực thúc đẩy giáo viên sáng tạo đổi mới.

2 phương án lương

Vấn đề lương giáo viên luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Hiệp hội các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) Việt Nam cho rằng cần nâng lương giáo viên cao ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Công đoàn giáo dục các cấp cũng đề nghị cần có chính sách tiền lương thỏa đáng, cho giáo viên cao hơn các ngành nghề khác.  

Theo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về lương giáo viên, có hai loại ý kiến, trong đó có ý kiến cho rằng vấn đề lương của giáo viên cần thực hiện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhưng cũng cần đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, theo đó “nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”.

Có ý kiến cho rằng thang bảng lương của nhà giáo hiện nay chưa phản ánh đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) và Nghị quyết số 29-NQ/TW. Theo đó lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Chính phủ tiếp thu ý kiến Dự thảo Luật quy định về lương của nhà giáo đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW, cụ thể Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất hai phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, phương án 1, Luật Giáo dục sửa đổi quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp.

Đây là quy định khác với tinh thần Nghị quyết số 27 – NQ/TW có 3 bảng lương. Phương án 2, quy định phụ cấp ngành giáo dục có hệ số cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò đặc thù của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội; đặc biệt, trách nhiệm của nhà giáo trong nhiệm vụ bảo vệ người học ở bậc học phổ thông và mầm non khi người học chưa thành niên.

Đồng tình với ý kiến giáo viên phải có mức lương ưu tiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cần có bậc lương tốt nhưng cụ thể cần tùy thuộc vào khả năng ngân sách. 

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không nên quy định một thang bảng lương mới cho giáo viên hay đặt quy định về mức phụ cấp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với quan điểm đối với bậc lương cho nhà giáo, phải có ưu đãi để thu hút.

Trả lương theo vị trí việc làm

Liên quan đến lương giáo viên, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến hoàn thiện, trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và bổ sung một số điều trong luật này, trong đó, có nội dung trả lương giáo viên theo vị trí việc làm.

Bộ Nội vụ khẳng định việc xây dựng khung năng lực vị trí việc làm còn định tính. Vì vậy, hiện nay hầu hết đều dựa vào quy định tiêu chuẩn ngạch, bậc công chức để làm căn cứ xác định khung năng lực vị trí việc làm. Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm. Chưa có tiêu chí đánh giá về khối lượng công việc để làm căn cứ tính toán xác định khoa học số lượng người ở mỗi vị trí việc làm hoặc để xác định một người có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Từ đó dẫn đến khó khăn trong quá trình xác định biên chế công chức và số lượng viên chức theo vị trí việc làm.

Đồng thời, cơ chế tuyển  công chức, viên chức hiện nay vẫn chưa thực sự gắn với vị trí việc làm, chưa xây dựng được cơ chế để tuyển chọn được người có tài năng, đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, chưa gắn thẩm quyền của người trực tiếp sử dụng công chức với thẩm quyền quyết định tuyển dụng.

Đồng tình với đề xuất này, các chuyên gia giáo dục cho rằng nếu được trả lương theo vị trí việc làm sẽ tạo ra động lực thúc đẩy đối với nhà giáo, đặc biệt là một bộ phận giáo viên chưa chủ động thay đổi để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Nếu như những sáng tạo trong công việc, đổi mới trong phương pháp giảng dạy hay những ý kiến đóng góp thiết thực được ghi nhận không chỉ bằng các bằng khen, giấy khen mà được hiện thực hóa bằng mức lương thực lĩnh thì chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các giáo viên. 

Trên thực tế, việc quy định lương như hiện nay vẫn còn sự cào bằng khiến không ít giáo viên có tố chất đặc biệt nản lòng vì cảm thấy tài năng không được đánh giá cao bằng thâm niên. Còn một bộ phận những giáo viên công tác lâu năm cũng vì “sống lâu lên lão làng” mà không có động lực cố gắng, học hỏi phương pháp mới… 

Phấn khởi trước thông tin này, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Trường THPT Chuyên Hà Nam) cho rằng, đây là một cách làm hay nhưng cần thận trọng trong triển khai. Cần phải có được hệ thống đánh giá năng lực phù hợp để tạo sự đồng thuận cao, tránh những xáo trộn, mâu thuẫn không đáng có. Trong đó, cô Nhàn băn khoăn ai sẽ là người đánh giá năng lực giáo viên? Hiện nhiều trường đều có đánh giá, bình xét thi đua hàng tháng, hàng kỳ thể hiện công việc của giáo viên. Nếu làm không đúng hoặc có sự chưa công bằng trong đánh giá của hiệu trưởng đối với các giáo viên thì chắc chắn sẽ gây ra những trở ngại.

Một giáo viên khác đề xuất cần có những quy định cụ thể, tiêu chí rõ ràng để giáo viên phấn đấu và xếp loại theo đó. Có thể tận dụng các tiêu chuẩn đánh giá theo năng lực giáo viên mà hiện nay Bộ GDĐT đã ban hành, tránh việc nảy sinh quá nhiều bộ tiêu chí đánh giá…     

    Lam Nhi

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ