A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bài 2: Nỗi buồn khối C: Nhìn từ nhà trường

08:40 | 21/07/2020

Đi tìm căn nguyên của việc vì sao nhiều học sinh (HS) không yêu thích học môn khoa học xã hội, cụ thể là các môn Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý chúng tôi thấy có một câu hỏi quan trọng cần trả lời.

Phải chăng do cách dạy và học các môn học này trong nhà trường chưa đủ hấp dẫn HS?

Đi tìm căn nguyên của việc vì sao nhiều học sinh (HS) không yêu thích học môn khoa học xã hội, cụ thể là các môn Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý chúng tôi thấy có một câu hỏi quan trọng cần trả lời. Phải chăng do cách dạy và học các môn học này trong nhà trường chưa đủ hấp dẫn HS?

Nhiều HS hiện nay không yêu thích các môn khoa học xã hội.

Lối mòn

“Qua kết quả thi cử mới thấy, việc học khối C thật thảm hại. Bởi chỉ cần thuộc bài và làm theo văn mẫu. Có cần gì đến thông minh, sáng tạo hoặc sự giàu có về cảm xúc, tâm hồn”. Đó là ý kiến đầy cay đắng của GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học về thực trạng dạy và học các môn khoa học xã hội trong nhà trường hiện nay.

Mặc dù đã có những cải tiến đáng kể trong những năm gần đây với những bài làm văn không chỉ yêu cầu học thuộc lòng mà còn phải có hiểu biết xã hội, liên hệ với thực tế với những dẫn chứng sinh động từ cuộc sống mới có thể đạt điểm cao trong kỳ thi. Song xét đến cùng, vẫn là những bài văn đó lặp đi lặp lại năm này qua năm khác trong khi thực tiễn đời sống và sáng tạo văn chương luôn thay đổi.

Người viết bài này từng đặt thẳng câu hỏi với những giáo viên dạy môn Ngữ văn trong trường phổ thông rằng mười mấy năm vẫn những bài thơ đó, những đoạn trích văn học đó không thay đổi thì liệu có tình trạng sử dụng một cuốn giáo án từ năm này qua năm khác hay không song đều không nhận được câu trả lời.

Có giáo viên khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc đổi mới việc dạy văn học trong nhà trường đã thẳng thắn bảo: Chị có thấy HS và cả cha mẹ các em vui mừng khi “trúng tủ” đề thi không? Nếu không dạy kỹ những bài văn đó, dù nó quá quen thuộc và có phần nhàm chán với chúng tôi khi lên lớp mười mấy năm rồi nhưng với HS, học để đi thi, cần đúng, trúng nên chúng tôi phải dạy đủ. Khi đó, làm gì còn thời gian để mở rộng những tác phẩm khác?

Đâu đó có một vài thầy cô cố gắng làm mới mẻ những tiết học Văn với hình thức diễn kịch chẳng hạn nhưng áp lực về chạy giáo án, về điểm số mỗi kỳ thi từ thi thử đến thi thật, từ thi giữa kỳ đến cuối kỳ, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp… nên những thay đổi đó, thực sự vẫn chỉ có thể là điểm xuyết!

Về phía HS, những bài làm văn dài vài trang giấy thực sự cũng là một thách thức với phần đông HS so với việc các em giải một đề Toán hay Hóa học…

Khơi gợi tình yêu với môn Lịch sử

Tương tự, với môn Lịch sử và Địa lý, việc dạy và học trong nhà trường hiện nay cũng có những hạn chế khiến môn học này khó hấp dẫn HS.

GS.TS Trần Ngọc Vương (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn: Trò chán sử vì sử viết không hay. Đơn cử như việc học sử lâu nay, tập trung chủ yếu vào các nội dung về các triều đại, nhà nước, các phong trào khởi nghĩa, các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, các phong trào cách mạng…

Dĩ nhiên, tìm hiểu, ghi nhớ, tôn vinh truyền thống giữ nước của cha ông xưa và nay là điều luôn luôn cần thiết nhưng cùng với việc chưa tìm ra cách hấp dẫn để truyền tải những nội dung này, vẫn còn nhiều khoảng trống mà môn lịch sử cần trả lời.

Ví dụ như ngoài quá trình ra đời các triều đại như Lý, Trần, Lê, Nguyễn…, thì đâu là sự hình thành các cộng đồng dân cư, các tộc người, đâu là sự khái quát về các di sản quý giá, các danh lam thắng cảnh đáng tự hào của cả nước cũng như mỗi vùng miền...

TS Trần Trọng Dương-Viện Hán Nôm cho rằng, chúng ta có cả 54 dân tộc anh em, nhưng sách giáo khoa Lịch sử đa phần tập trung vào đối tượng người Kinh mà rất ít nói về các dân tộc anh em. Những vấn đề nổi bật, sự kiện đáng nhớ trong lịch sử các dân tộc, tại sao chưa mấy được nhắc đến?

Việc dạy và học sử được thực hiện một cách đơn điệu với phương thức truyền đạt kiến thức một chiều, ít tạo điều kiện cho học sinh thắc mắc, trao đổi, trình bày ý kiến, quan điểm, giáo viên và học sinh ít có cơ hội sáng tạo những phương tiện, mô hình bổ trợ… là thực tế lâu nay trong việc dạy và học môn Lịch sử. Ngoại trừ ở một số trường Chuyên, HS chuyên Sử được tiếp cận với cách học tóm lược các vấn đề, sự kiện, bổ sung nhiều câu chuyện lịch sử có liên quan đến danh nhân, cộng đồng dân tộc, di sản…, tăng việc sử dụng tranh, ảnh, sử dụng mô hình, học cụ… thì phần đông HS vẫn học Sử với duy nhất cuốn sách giáo khoa!

Một hình thức học Lịch sử gần đây được nhiều trường đẩy mạnh là tổ chức các buổi tham quan, dã ngoại, để học sinh được đến bảo tàng, thăm các di tích, di chỉ khảo cổ, công trình kiến trúc cổ…, tiếp xúc với các nhà nghiên cứu lịch sử để cùng giải đáp những câu hỏi nằm bên ngoài SGK. Tuy nhiên, việc này chủ yếu mới được triển khai ở các thành phố lớn còn ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hay những HS có điều kiện gia đình khó khăn thì khó thực hiện được.

Tương tự như vậy, môn Địa lý để HS thực sự đam mê cũng không thể trông chờ chỉ một cuốn SGK có thể giải quyết được. Cần lắm sự thay đổi từ chính cách dạy, cách truyền đạt của những người thầy am hiểu và tâm huyết với môn học mà mình đang giảng dạy mỗi ngày. Không thể chỉ là dạy hết kiến thức, đảm bảo giảng hết bài theo phân phối chương trình mỗi tiết học mà quan trọng là khơi gợi tình yêu của HS với môn học thì tự các em sẽ thấy hứng thú, sẽ tự tìm được cách học hiệu quả nhất với chính bản thân mình.

(Còn nữa)

LAM NHI

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/bai-2-noi-buon-khoi-c-nhin-tu-nha-truong-491684.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ