A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mùa mưu sinh của học sinh nghèo

09:07 | 27/07/2023

Không có những chuyến du lịch bên người thân, không được vui chơi, giải trí như bạn bè cùng trang lứa, mùa hè của trẻ em nghèo tại huyện M’Drắk là những ngày cặm cụi mưu sinh để có thêm tiền mua bộ quần áo mới, đôi dép mới đến trường…

Mùa hè của em Hồ Ngọc Lợi (tổ dân phố 9, thị trấn M’Drắk) là những ngày len lỏi khắp các tuyến đường để bán từng tờ vé số phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống và mua quần áo, sách vở cho năm học mới.

Gia đình Lợi thuộc diện hộ nghèo, không có ruộng đất sản xuất, bố mẹ đều làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Tuổi còn nhỏ nhưng Lợi đã sớm hiểu nỗi vất vả của mẹ cha nên em tự lập rất sớm. Khoảng 3 năm nay, tranh thủ những ngày nghỉ hè, em đều đi làm thêm, bán vé số kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Lợi cho biết, Bất kể ngày mưa hay nắng em cũng đều đi bán. Mỗi ngày, em bán được khoảng 70 - 100 tờ vé số, tính ra cũng được chừng 100.000 đồng. Số tiền kiếm được em đưa cho bố mẹ lo miếng ăn và góp vào chi phí học tập.

Trẻ em nghèo xã Cư San kiếm đót về bán

Sau mùa hè năm nay, Lợi lên lớp 11. Em dự định sẽ dành nhiều thời gian củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mơ ước của em là đỗ vào đại học, có việc làm ổn định để giúp gia đình đỡ khổ.

Những ngày hè của ba anh em Triệu Bảo Thiên, Triệu Thị Chang, Triệu Bảo Đăng (ở thôn Sông Chò, xã Cư San) cũng là những ngày lao động. Sinh ra trong cảnh nghèo, cha mất sớm, mẹ thì bỏ đi, ba chị em ở với bà nội. Từ nhỏ các em quen với việc mò cua, bắt ốc. Khi lên cấp 2, thương bà vất vả, ngoài thời gian học trên lớp, Triệu Bảo Thiên nhận làm thuê mọi việc, từ phát rừng, bóc vỏ keo đến cuốc cỏ thuê… để có tiền trang trải các khoản chi tiêu, tiền học cho ba anh em. Còn Triệu Thị Chang thì làm việc nhà, lo cơm nước và chăm sóc đứa em út. Thời gian rảnh Chang xin giúp việc quán ăn để kiếm thêm tiền phụ giúp anh và bà nội.

Năm học 2022 – 2023, Bảo Thiên đã tốt nghiệp THPT nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên em tạm gác lại giấc mơ vào đại học của mình. Thiên dự định đến tỉnh Bình Dương tìm việc làm để bớt gánh nặng cho bà nội, nuôi các em đi học, đồng thời sẽ đăng ký học thêm ngoại ngữ để tìm cơ hội cho tương lai. Về phần Bảo Chang và Bảo Đăng, hè này các em vẫn đang làm việc để có thêm chi phí cho năm học mới.

Hai anh em Bảo Thiên và Bảo Chang nhận việc làm cỏ vườn thuê vào dịp hè

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện M’Drắk, toàn huyện hiện có khoảng 24.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 16.382 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của huyện đã có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo trẻ em nghèo như: xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em; trợ giúp kịp thời trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; đào tạo nghề, cấp học bổng, tặng thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức các hoạt động vui chơi và tặng quà nhân Tháng hành động Vì trẻ em, Tết Trung thu...

Tuy nhiên những hỗ trợ này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bởi, muốn chấm dứt tình trạng trẻ em phải lao động sớm thì cần những giải pháp dài hơi. Trong khi đó, việc chăm lo cho trẻ em vẫn gặp không ít khó khăn, một phần là do kinh phí hạn hẹp, đội ngũ cán bộ chuyên trách về chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở địa phương còn thiếu và kỹ năng tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ trẻ em còn hạn chế, một phần còn vướng những rào cản từ chính gia đình và cộng đồng xã hội, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mỹ Sự

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202307/mua-muu-sinh-cua-hoc-sinh-ngheo-7c32176/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ