A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Làm gì để lành mạnh hóa môi trường học thêm, dạy thêm?

15:54 | 05/12/2023

Hiện nay, ngoài việc học chính khóa ở nhà trường, việc học thêm còn là nhu cầu có thật của một bộ phận học sinh nhằm củng cố, mở rộng và nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, xoay quanh việc dạy thêm, học thêm vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

Chung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ĐỖ TƯỜNG HIỆP.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp.

♦ Tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến đáng kể. Xin ông chia sẻ về những chuyển biến này?

Trong thời gian qua, việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của tỉnh Đắk Lắk đã từng bước đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Tất cả cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh được các cơ sở giáo dục quán triệt chỉ đạo, quy định của ngành về dạy thêm, học thêm; đồng thời giáo viên ký cam kết không dạy thêm trái quy định. Ý thức chấp hành quy định của các đơn vị, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm và người tham gia dạy thêm được nâng dần lên, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái phép tràn lan.

♦ Thực tế vẫn còn những bất cập trong quản lý hoạt động dạy thêm và học thêm, theo ông đâu là nguyên nhân?

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, việc dạy thêm, học thêm vẫn còn những mặt hạn chế. Ngày 26/8/2019, Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực một số điều trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm, liên quan đến việc tổ chức, cơ sở vật chất, hồ sơ, thủ tục cấp phép... nhưng đến nay vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn quy định thay thế, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.

Trên thực tế, thời gian qua vẫn còn một số giáo viên dạy thêm chưa đúng quy định, một số cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường hoạt động trái quy định. Việc phối hợp giữa ngành giáo dục và chính quyền địa phương ở một số nơi thiếu chặt chẽ, thống nhất. Ngành giáo dục đã tăng cường kiểm tra, giám sát và phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương nhằm chấm dứt những bất cập này.

♦ Vậy cần làm gì để tránh những "biến tướng" trong việc dạy thêm, học thêm, thưa ông?

Trước hết cần nắm rõ khái niệm dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT tạo ban hành, để từ đó thực hiện đúng quy định.

Để tổ chức thực hiện công tác quản lý, tổ chức hoạt động đúng quy định, các tổ chức, cá nhân cần hiểu rõ những văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT và UBND cấp huyện về dạy thêm, học thêm. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Sở GD-ĐT đã có Công văn số 1782/SGDĐT-GDTrH-GDTX ngày 26/10/2023 về việc tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường; các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa. Trong đó nhấn mạnh việc không tổ chức dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường phải có sự thống nhất chủ trương, kế hoạch của hội đồng sư phạm nhà trường và phụ huynh học sinh; phân loại học sinh để tổ chức lớp học theo trình độ, năng lực, dựa trên tinh thần tự nguyện. Cũng cần lưu ý là tuyệt đối không được cắt giảm nội dung chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, không dạy thêm trước chương trình và tổ chức các lớp dạy thêm, học thêm theo lớp học chính khóa, không bố trí tiết dạy thêm, học thêm trong thời khóa biểu chính khóa của nhà trường. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm, chương trình dạy thêm phải xây dựng cụ thể, báo cáo về Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT trước khi tổ chức thực hiện.

Như vậy, muốn khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định phải bắt đầu từ trong nhà trường. Việc dạy học trong nhà trường phải đảm bảo thời lượng, có chất lượng. Phải tiếp cận dạy thêm, học thêm đúng quy định, lành mạnh hóa môi trường dạy thêm, học thêm.

♦ Xin cảm ơn ông!

Huyền Diệu (thực hiện)

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/phong-su-ky-su/202312/lam-gi-de-lanh-manh-hoa-moi-truong-hoc-them-day-them-3b7014e/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ