A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhanh chóng ổn định nền nếp học tập sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024

08:59 | 20/02/2024

Ngày 19/2, gần 500.000 học sinh từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 kéo dài hơn hai tuần.

Phấn khởi trở lại trường học

Tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar), sau nghi lễ chào cờ, Ban giám hiệu nhà trường gửi lời chúc mừng năm mới, động viên tinh thần giáo viên, học sinh bước vào giai đoạn học tập mới với quyết tâm gặt hái nhiều thành tích cao; đồng thời tuyên dương, khen thưởng giáo viên, học sinh có sản phẩm đạt giải Ba Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật - khởi nghiệp dành cho học sinh trung học tỉnh Đắk Lắk năm học 2023 – 2024.

Sau tiết chào cờ, các em trở về lớp ổn định nền nếp. Tại các lớp, giáo viên chủ nhiệm đều dành một khoảng thời gian nhất định để các em chia sẻ kỷ niệm, nét đẹp truyền thống, những hành động kết nối yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng những ngày đầu xuân. Tất cả tạo nên không khí phấn khởi trước khi các em bước vào tiết học đầu tiên của năm mới.

Thầy trò lớp 8A4, Trường THCS Nguyễn Tất Thành (huyện Cư M’gar) chia sẻ những kỷ niệm đẹp trong ngày đầu năm mới. Ảnh: Đ. Lan

Thầy Phan Hữu Xá, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giáo viên, học sinh đã trở lại trường, dạy và học tập theo thời khóa biểu, chấp hành nghiêm quy định về giờ giấc, trang phục. Không để các hoạt động vui xuân kéo dài làm chểnh mảng công tác dạy - học, Ban giám hiệu chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ dạy - học cụ thể, sẵn sàng tâm thế để bước vào buổi học đầu tiên của năm mới. Năm học này, nhà trường quyết tâm có từ 60 - 70% học sinh đạt học lực giỏi; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng học sinh giỏi; tổ chức cho học sinh tham gia nhiều sân chơi trí tuệ…

Tại Trường Mẫu giáo Kim Đồng (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar), từ sáng sớm, Ban giám hiệu và các cô giáo đã có mặt để đón trẻ trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Tỷ lệ học sinh của trường đi học trong ngày đầu tiên đạt hơn 95%.

Trường Mẫu giáo Kim Đồng có 5 lớp học với 120 học sinh, gồm một điểm trường chính ở thôn Tiến Đạt và một phân hiệu tại thôn Tiến Thành. Đây là năm đầu tiên cô trò Trường Mẫu giáo Kim Đồng đón Tết ở điểm trường chính mới.

 

“Tình trạng học sinh bỏ học có nhiều nguyên nhân, đặc biệt là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào DTTS. Do đó, Sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường, giáo viên phải nắm bắt được hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng và thậm chí đến từng gia đình, gặp gỡ phụ huynh để động viên, thuyết phục cũng như hỗ trợ các học sinh yếu thế được đến trường…” - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp.

Cô Đậu Thị Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhà trường tổ chức ăn bán trú ngay ngày đầu tiên học sinh trở lại trường, nền nếp sinh hoạt đi vào ổn định. Điểm trường chính vừa được xây dựng mới khang trang, cơ sở vật chất bảo đảm nên năm học này nhà trường thực hiện dạy chương trình “Trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh” và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, vì vậy phụ huynh, cô và trò đều rất phấn khởi.

Ngày đầu năm đến lớp, trẻ được nhận lời chúc mừng năm mới, được lì xì của Ban giám hiệu và tham gia chương trình “Vui hội ngày xuân cho trẻ” với các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian vui nhộn, phù hợp với lứa tuổi.

Nhanh chóng ổn định sĩ số

Bên cạnh các trường duy trì tốt sĩ số học sinh đến lớp, vẫn còn một số trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ học sinh đi học trở lại trong ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chưa đảm bảo.

Xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) có 1.660 hộ, hơn 6.000 khẩu với 13 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 78,21%. Kinh tế của bà con nơi đây đa phần rất khó khăn, một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em, công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn hạn chế… do vậy tình trạng học sinh bỏ học sau Tết vẫn diễn ra.

Năm nay, nhằm hạn chế tình trạng này, vào thời điểm trước Tết, các trường học trên địa bàn xã chủ động xây dựng kế hoạch; phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp huy động học sinh đến trường, chống bỏ học giữa chừng. Sau thời gian nghỉ Tết, các trường tổ chức ngay việc dạy - học theo quy định.

Cô trò Trường Mẫu giáo Kim Đồng (huyện Cư M’gar) tham gia trò chơi dân gian trong chương trình “Vui hội ngày xuân cho trẻ”. Ảnh: Đ. Lan

Dù vậy, theo ghi nhận, sáng 19/2, tại Trường Tiểu học Y Jút có 31/693 học sinh vắng học, trong đó chủ yếu là học sinh khối lớp 1, qua công tác nắm bắt thông tin nhanh từ giáo viên chủ nhiệm, một số trường hợp có lý do, còn lại nhà trường đang nắm bắt thông tin. Còn tại Trường THCS Võ Thị Sáu với tỷ lệ học sinh DTTS chiếm 79,52%, có 39/384 học sinh vắng mặt không có lý do, trong đó có 14 học sinh lớp 9.

Lớp  9A  trường  THCS  Võ  Thị  Sáu  xã  Krông  Na (huyên  Buôn Đôn) vắng  khá  nhiều  học  sinh  trong  buổi  học đầu tiên sau kỳ  nghỉ Tết Nguyên đán.
Lớp 9A Trường THCS Võ Thị Sáu, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) trong buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh: Hoàng Ân

Theo ông Thái Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, ngay khi hết thời gian nghỉ Tết, nhà trường tổ chức họp quán triệt, đốn đốc đội ngũ giáo viên quan tâm đến các trường hợp học sinh cá biệt, thường xuyên nghỉ học, phối hợp với gia đình để vận động, nhắc nhở các em đến trường. Nếu trường hợp các em vẫn tiếp tục vắng không lý do, nhà trường thành lập Tổ công tác đến nhà vận động. Trước Tết Nguyên đán, có 8 học sinh nghỉ học kéo dài, Tổ công tác đã vận động các em trở lại trường học.

“Hiện nay vấn đề đáng ngại là trường hợp 14 học sinh lớp 9, bởi đây là thời điểm quan trọng để các em hoàn thành chương trình bậc THCS. Do vậy, ngay sau khi nắm bắt lý do, tùy vào từng trường hợp cụ thể, nhà trường có biện pháp để vận động các em quay lại trường”, ông Lộc nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp cho biết, để ổn định nền nếp, chương trình dạy học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường rà soát lại kế hoạch, cũng như công việc trong học kỳ 2 của năm học này; đặc biệt là giai đoạn sau Tết Nguyên đán, nắm bắt tình hình của học sinh, giáo viên để nhanh chóng ổn định nền nếp, triển khai các nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng, hỗ trợ, phụ đạo học sinh cuối cấp, đặc biệt là lớp 12 để đảm bảo một kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, rà soát, tìm hiểu nguyên nhân các trường hợp nghỉ học; vận động, hỗ trợ kịp thời cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để có thể đến trường trở lại, phấn đấu học tập tốt. Cùng với đó, tăng cường nền nếp kỷ cương trong nhà trường, chú trọng việc phòng, chống bạo lực trong nhà trường, tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích, đuối nước, tiếp tục xây dựng môi trường học tập ổn định, nền nếp, an toàn, thân thiện; thực hiện kế hoạch năm học theo đúng tiến độ…

Lan Anh - Đỗ Lan - Hoàng Ân

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202402/nhanh-chong-on-dinh-nen-nep-hoc-tap-sau-ky-nghi-tet-nguyen-dan-2024-44a1bc7/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ