A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tranh cãi "nảy lửa" về thời gian làm thêm của sinh viên

14:14 | 02/04/2024

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

Đáng chú ý, dự thảo dành một chương quy định về chính sách hỗ trợ việc làm thanh niên, trong đó có quy định về việc làm bán thời gian của học sinh - sinh viên.

Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), học sinh - sinh viên đủ độ tuổi lao động (đủ 15 tuổi trở lên) được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

Ban soạn thảo luật cho biết trách nhiệm quản lý làm việc bán thời gian của học sinh - sinh viên thuộc về cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng cần tạo điều kiện cho học sinh - sinh viên làm thêm để cọ xác thực tế công việc

Góp ý về nội dung trên, Bộ Công thương cho rằng cần cân nhắc tính khả thi của dự thảo.

Theo Bộ Công thương, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian không khả thi.

Bộ Công Thương lý giải rằng các cơ sở giáo dục này chỉ quản lý học sinh, sinh viên khi tham gia học tập tại đơn vị chứ không đủ nhân lực quản lý việc làm thêm của học sinh - sinh viên khi họ không có ở đơn vị.

Đồng quan điểm, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ nghỉ là khó khả thi vì kỳ nghỉ thường các em không sinh hoạt tại trường.

Để khả thi hơn, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị điều chỉnh điều khoản quy định trên thành "Học sinh - sinh viên làm việc trong kỳ học phải có xác nhận của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Học sinh - sinh viên làm việc trong kỳ nghỉ phải có trách nhiệm thông báo với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp ban hành quy chế quản lý học sinh - sinh viên làm việc trong kỳ học và kỳ nghỉ".

Các cơ sở đào tạo rất khó quản lý học sinh - sinh viên của mình khi họ đi làm thêm

Trong khi đó, tại Hội nghị góp ý dự án Luật Việc làm (sửa đổi) do LĐLĐ TP HCM tổ chức, nhiều đại biểu góp ý cần bỏ quy định thời gian học sinh - sinh viên làm thêm.

Thạc sĩ Lưu Đức Quang, trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học quốc gia TP HCM) cho rằng việc quy định học sinh - sinh viên trong độ tuổi lao động không được làm việc quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ là không hợp lý.

Thạc sĩ Lưu Đức Quang cho biết trên thế giới các nước đưa ra quy định chặt chẽ thời gian làm thêm của sinh viên quốc tế chứ không quy định thời gian làm thêm của sinh viên nước họ. Điều đó là để bảo vệ việc làm của người lao động trong nước, trong đó có học sinh - sinh viên. Trong khi Việt Nam lại đi quy định việc làm thêm của học sinh - sinh viên của mình.

Theo Thạc sĩ Lưu Đức Quang, có 3 điểm bất hợp lý trong quy định này: Thứ nhất quy định này hạn chế thời gian làm thêm, quyền lợi làm việc của sinh viên một cách thiếu chính đáng trong khi đây là nhóm lao động đủ điều kiện làm việc được quy định trong Luật.

Thứ hai, hiện các cở sở đào tạo đều thực hiện đào tạo theo quy chế tín chỉ. Do đó, sinh viên được quyền chủ động trong việc đăng ký tín chỉ, chủ động thời gian đi làm thêm.

Thực tế chương trình đào tạo ở nhiều trường hiện không còn khái niệm "kỳ học" nữa nên quy định thời gian làm thêm trên tuần, trên tháng, trên kỳ nghỉ không phù hợp.

Thứ ba, quy định này một khi được áp dụng sẽ khiến nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng theo đuổi việc học.

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam cũng không đồng tình với quy định thời gian làm thêm của học sinh - sinh viên có trong dự thảo. Theo bà Yến, phần lớn đời sống của học sinh - sinh viên hiện nay còn khó khăn, gánh nặng tài chính cho việc học tập của con cái làm "còng lưng" họ. Cho nên, nhiều em sinh viên đã đi làm thêm ngay từ năm nhất.

"Kể cả những gia đình có điều kiện thì họ cũng khuyến khích con em họ đi làm thêm để rèn luyện kỹ năng sống, cọ xác xã hội. Các doanh nghiệp cũng hợp tác với nhà trường để tổ chức 'học kỳ doanh nghiệp' cho học sinh - sinh viên làm quen với công việc. Cho nên cần bỏ quy định thời gian làm thêm của học sinh - sinh viên" - bà Yến nhấn mạnh.

Hạn chế thời gian làm thêm, quyền lợi làm việc của sinh viên là thiếu chính đáng

Chia sẻ với các đại biểu, ông Đặng Minh Sự, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho rằng dự thảo quy định thời gian làm thêm này sẽ rất khó khăn cho sinh viên các trường nghề.

Theo ông, trong các kỳ kiến tập, học kỳ tại doanh nghiệp thì sinh viên làm việc, tạo ra sản phẩm như lao động chính thức, được doanh nghiệp thanh toán lương nhưng các em không có hợp đồng lao động và thiệt thòi nhiều quyền lợi khác vì chưa có quy định rõ ràng. Nếu Luật Việc làm (sửa đổi) hạn chế thời gian làm việc trong 1 tuần thì rất khó khăn, vướng mắc đủ thứ.

"Chúng ta nên xem học sinh - sinh viên như một người lao động bình thường để có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện có thêm thu nhập và nâng cao tay nghề. Từ đó xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển đất nước" - ông Sự nói.

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ