A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh giác với bẫy “việc nhẹ lương cao”

08:24 | 02/11/2023

Qua thông tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội, nhiều thanh thiếu niên đã tin vào những lời mật ngọt “việc nhẹ lương cao” để rồi "sập bẫy" kẻ xấu, bị lừa sang Campuchia lao động trái phép.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Đắk Lắk nói chung và huyện Cư Kuin nói riêng đã xảy ra nhiều vụ việc người lao động bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa đảo qua Campuchia, với lời mời chào về công việc nhẹ nhàng, lương cao. Mặc dù lực lượng công an và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền về thủ đoạn lừa đảo này nhưng vẫn có nhiều người dính vào "bẫy". Các đối tượng lừa đảo chủ yếu nhắm đến thanh thiếu niên, bởi đây là độ tuổi dễ bị kích động, có mong muốn tìm được công việc nhàn hạ và có thu nhập cao.

Công an xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân sau khi trở về địa phương.

Cho đến bây giờ, em H.N.G.N. (17 tuổi, thôn 1C, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thời gian bị lừa sang Campuchia. Ngày 7/9/2023, em N. được T.V.V. (15 tuổi, trú thôn 1B, xã Cư Êwi) chia sẻ thông tin trên mạng xã hội Facebook về việc có một công ty tại TP. Hồ Chí Minh tuyển dụng lao động với mức lương 18 triệu đồng/tháng, không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp và độ tuổi. Để tìm hiểu về công việc, T.V.V. đã liên hệ với một tài khoản Facebook có tên là "Ngọc Linh" và được tư vấn tận tình. Qua lời giới thiệu của đối tượng, đây là công ty công nghệ thông tin, chuyên sử dụng máy tính, chế độ đãi ngộ cao và thời gian làm việc linh động nên N. đã đồng ý cùng T.V.V. đi làm.

Ngày 8/9, theo hướng dẫn của Ngọc Linh, cả hai bắt xe đi từ Đắk Lắk đến Bến xe An Sương (TP. Hồ Chí Minh). Tại đây có một chiếc xe ô tô chờ sẵn, trên xe có tài xế và một thanh niên bịt khẩu trang. Xe chạy được một lúc, cả N. và T.V.V. có dấu hiệu buồn ngủ và thiếp đi. Ngày 9/9, sau khi tỉnh dậy, N. và T.V.V. không biết mình đang ở đâu nên sử dụng định vị để kiểm tra vị trí và tá hỏa khi thấy mình đang ở Campuchia. Cả hai nhanh chóng liên hệ với người nhà qua Facebook để cầu cứu. Khi phát hiện N. và T.V.V. sử dụng thiết bị di động liên lạc với gia đình, các đối tượng đã tịch thu điện thoại và toàn bộ giấy tờ tùy thân, đồng thời yêu cầu nếu muốn trở về nhà thì phải liên hệ với gia đình để nộp tiền "chuộc thân".

Công an xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo "việc nhẹ lương cao".

Trong thời gian chờ người nhà giải cứu, N. và T.V.V. bị ép làm những công việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua các tài khoản mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Telegram… và bị đe dọa nếu không hoàn thành công việc sẽ bị bán sang nơi khác. Mỗi ngày, N. và T.V.V. phải làm việc từ 14 - 16 giờ và không được ra khỏi công ty.

Đến ngày 16/9, các đối tượng nhận được tiền chuộc, em N. và T.V.V. được thả về Việt Nam. “Vì nhẹ dạ, cả tin và đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm nên em đã sập bẫy các đối tượng lừa đảo. Vì vậy, những bạn trẻ khi tìm kiếm việc làm trên một số nền tảng mạng xã hội nên đề cao cảnh giác và cẩn thận trước những thủ đoạn lừa đảo để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra”, em N. chia sẻ.

Thiếu tá Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng Công an xã Cư Êwi cho biết, vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo để người dân cần hết sức cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao”, nhất là những gia đình có con em trong độ tuổi thanh thiếu niên đang có nhu cầu tìm việc làm. Đặc biệt, khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ giải quyết. Đối với công dân có nhu cầu đi lao động, cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh.

Thúy Nga

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/phap-luat/202311/canh-giac-voi-bay-viec-nhe-luong-cao-1011ef8/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ