Nguy cơ giảm nguồn cung toàn cầu
Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2050, lượng tiêu thụ cà phê sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại, với mức 6 tỷ cốc/ngày. Trong khi, nguồn cung cà phê thế giới đến năm 2030 cần phải tăng thêm 25%.
Trong hai năm qua, lượng tiêu thụ cà phê thế giới đã vượt so với sản lượng cung cấp. Bên cạnh đó, người trồng cà phê đang hứng chịu những tác động xấu từ biến đổi khí hậu nên giảm dần diện tích, sản lượng.
Nông dân xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) chăm sóc vườn cà phê trong mùa khô (Ảnh: Văn Tâm)
Điều này khiến cho nguồn cung sụt giảm và khiến cho giá cà phê chạm mức cao nhất 15 năm qua. Tình trạng thâm hụt nguồn cung cà phê đang ngày càng nới rộng. Mặt hàng này ngày càng trở nên đắt đỏ.
Một số chuyên gia ước tính, đến năm 2050, một nửa diện tích trồng cà phê hiện tại không còn thích hợp và phải chuyển đổi. 4/5 quốc gia trồng cà phê lớn nhất thế giới bao gồm Brazil, Việt Nam, Colombia và Indonesia có thể sẽ phải thu hẹp diện tích cà phê.
Sắp tới, Liên minh châu Âu sẽ áp dụng quy định chống phá rừng đối với cà phê. Ngành hàng cà phê vì thế đối mặt với khó khăn mới và có thể tiếp tục sụt giảm diện tích, sản lượng.
Thu nhập từ cây cà phê của nông dân Đắk Nông vẫn còn thấp (Ảnh: Đức Hùng)
Một vấn đề khác, dù giá đang ở mức rất cao, nhưng thu nhập từ cây cà phê còn thấp, khó đáp ứng cuộc sống cho nông dân. Hầu hết người trồng cà phê phải đối mặt với biến đổi khí hậu, bấp bênh trong chuỗi giá trị, phụ thuộc thị trường.
Đây đều là những nguy cơ khiến nông dân giảm niềm tin và sự kiên nhẫn với cây cà phê. Vì thế, trong tương lai, nhiều người sẽ chuyển đổi ngành nghề, lĩnh vực hoặc cây trồng khác để bảo đảm thu nhập, cuộc sống tốt hơn.
Đắk Nông cần duy trì lợi thế
Đắk Nông hiện có hơn 131.000ha cà phê đang cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 240.000 tấn/năm. Diện tích, sản lượng cà phê Đắk Nông đứng thứ 3 cả nước.
Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông nhiều năm qua (Ảnh: Đức Hùng)
Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê Đắk Nông đạt hơn 400 triệu USD, chiếm 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản xuất cà phê đóng góp gần 35% vào GRDP của Đắk Nông, tạo việc làm cho hơn 105.000 lao động.
Đắk Nông xác định cà phê là cây trồng chủ lực. Tỉnh thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết, tạo vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê...
Tuy đang có nhiều lợi thế, nhưng một số chuyên gia nhận định, Đắk Nông vẫn có những nguy cơ suy thoái về diện tích và sản lượng cà phê trong tương lai.
Vườn cà phê tái canh của anh Nguyễn Văn Nin, ở xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp (Ảnh: Đức Hùng)
Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng: “Trong bối cảnh thị trường hiện nay, chúng ta cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, Đắk Nông cần lưu ý những vấn đề chính yếu đối với cây cà phê trong thời gian tới”.
Theo ông Tuấn, một số năm trở lại đây, diện tích cà phê của Đắk Nông hầu như không gia tăng hoặc có tăng nhưng không đáng là bao. Điều này phản ánh đúng thực tế ngành cà phê toàn cầu.
Riêng ở Đắk Nông, diện tích cà phê không tăng đã phản ánh đúng thực trạng khó khăn của nông dân. Đó là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp, rủi ro thị trường...
Sử dụng giống mới để tái canh giúp vườn cà phê của gia đình ông Trần Văn Cường ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil đạt năng suất, chất lượng cao (Ảnh: Hồng Thoan)
Tuy nhiên, ổn định diện tích cũng là điều tốt và tỉnh cần xem đây là cơ hội để tái cơ cấu ngành hàng cà phê. Trước mắt, tỉnh cần có giải pháp để duy trì diện tích cà phê, không để sụt giảm.
Đồng thời, tỉnh tập trung những giải pháp đầu tư về khoa học công nghệ; giải pháp bón phân, tưới nước; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ; tạo nguồn nguyên liệu; tạo sản phẩm chất lượng cao...
“Khi điều kiện đầu tư tốt, ngành hàng cà phê Đắk Nông sẽ phát triển theo chiều sâu. Sản phẩm cà phê Đắk Nông sẽ có thế mạnh không chỉ trong nước mà trên toàn cầu”, ông Bạch Thanh Tuấn chia sẻ.
BÌNH LUẬN